Rộn ràng mùa thu hoạch sen Duy Sơn

Tháng 6 là thời điểm thu hoạch sen tại cách đồng Trà Lý - Đồng Lớn thuộc thôn Chánh Lộc, xã Duy Sơn (Duy Xuyên). Từ ngày chuyển trồng lúa kém hiệu quả sang trồng sen, nhiều nông dân có thu nhập cao, ổn định hơn.

Thu nhập ổn định từ sen

Đang lội bùn hái sen tại vựa sen Trà Lý, ông Nguyễn Phước Ba (52 tuổi, thôn Chánh Lộc, xã Duy Sơn) cho hay khi thấy cây sen phù hợp với địa hình đất ruộng trũng nên gia đình ông quyết định chuyển đổi hơn 5 sào đất lúa sang trồng sen.

Mỗi sào ruộng, gia đình ông Ba cấy khoảng 30 - 40 móng sen giống. Tiền đầu tư mua sen giống cũng khá rẻ - khoảng 10.000 đồng/móng. Cây sen dễ chăm sóc, chỉ cần cày xới đất, bón phân. Từ khi xuống móng đến khi thu hoạch là khoảng 4 tháng...

“Hạt sen tươi bóc tới đâu thương lái thu gom mua hết tới đó. Sen hạt đầu vụ thường có giá rất cao, giao động từ 50.000 – 55.000 đồng/kg, mỗi vụ sen gia đình tôi thu được khoảng 25 triệu đồng/vụ. Trồng sen cho lợi nhuận gấp 3 lần so với trồng lúa” - ông Ba phấn khởi nói.

Đài sen ngả sang màu tím là có thể thu hoạch. Ảnh: H.Q
Đài sen ngả sang màu tím là có thể thu hoạch. Ảnh: H.Q


Hơn 20 năm kinh nghiệm trồng sen, ông Phan Văn Thanh (50 tuổi, thôn Phú Nham Tây, xã Duy Sơn) cho biết, với hơn 3ha đất trồng sen, mỗi vụ gia đình ông thu được hơn 150 triệu đồng sau khi trừ hết các khoản chi phí đầu tư giống, phân bón…

“Cây sen không chỉ đem lại thu nhập khá cho nhiều hộ dân quê tôi, mà còn tạo thêm nhiều công ăn việc làm cho người già, trẻ em... Với tiền công bóc hạt sen khoảng 2.000 đồng/kg, bình quân mỗi ngày, một người có thể bóc được 20 – 40kg”, - ông Thanh chia sẻ.

Người dân dầm mình dưới bùn để thu hoạch sen. Ảnh: H.Q
Người dân thu hoạch sen trên cánh đồng Trà Lý. Ảnh: H.Q


Thị trường tiêu thụ hạt sen của người dân xã Duy Sơn rất đa dạng và phong phú. Ngoài cung cấp cho nhà máy chuyên chế biến hạt sen trên địa bàn còn bán ra các thị trường trong tỉnh Quảng Nam và Đà Nẵng…

Yên tâm chuyển đổi đất lúa sang trồng sen

Được biết, những năm trước, phần lớn diện tích đất trồng lúa ở cánh Đồng Lớn chỉ sản xuất được từ 1 - 2 vụ trong năm, năng suất lúa không cao, do những thửa ruộng ở đây nằm gần chân núi, nước tưới lại thiếu, hay bị nhiễm phèn, lúa kém phát triển.

Sen hái tới đâu được chứa bằng bao tải và vận chuyển về nhà bóc tách ngay để hạt luôn tươi. Ảnh: H.Q
Sen tươi vừa hái được chuyển về nhà bóc tách ngay để hạt luôn tươi. Ảnh: H.Q


Để lấy được nước tưới, nông dân phải dẫn nước từ các khe suối đổ về hoặc bơm từ các ao hồ tích nước lên, khá vất vả. Người dân đã nhiều lần chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng hoa màu nhưng không hiệu quả. Từ khi chuyển sang trồng thử nghiệm cây sen thấy hiệu quả, họ gắn bó đến nay.

Nông dân dùng dao để tách hạt sen khỏi đài. Ảnh: H.Q
Công đoạn tách hạt sen. Ảnh: H.Q


Theo nhiều hộ dân xã Duy Sơn, việc trồng sen bắt đầu từ tháng Giêng đến tháng Hai. Lúc này nhiều hộ dân có diện tích đất trồng sen sẽ tranh thủ cày xới, bón phân chuồng và ngâm nước xong mới đến giai đoạn cấy móng sen. Cây sen dễ thích nghi với mọi điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, ít sâu bệnh, công chăm sóc ngắn.
 

Ông Trần Ba – Phó Chủ tịch UBND xã Duy Sơn cho biết, hiện nay toàn xã có 48ha đất trồng sen; trong đó có 16ha hộ dân trồng gần đây do nhận thấy sen cho thu nhập cao hơn so với lúa. Bên cạnh đó, xã đã xây dựng thành công sản phẩm OCOP chuẩn 3 sao từ sen. Đây là điều kiện thuận lợi giúp nông dân yên tâm đầu tư cho sen”.


 B.HUÂN - N.QUỲNH


Comment

Facebook Instagram Youtube Twitter Google+ Top