Phan Khôi- Người khởi xướng phong trào Thơ mới

Báo Phụ nữ Tân văn (xuất bản ở Sài Gòn) ngày 10-3-1932 chạy bài Một lối thơ mới trình chánh giữa làng thơ của nhà báo Phan Khôi trong đó tự giới thiệu bài thơ Tình già của ông. 10 năm sau, trong Thi nhân Việt Nam (Nguyễn Đức Phiên xuất bản, Hà Nội, 1942), hai nhà biên soạn Hoài Thanh và Hoài Chân xem đây là “sự kiện” đánh dấu thời điểm “nhóm dậy” một “cuộc cách mạng về thơ ca”.

Phan Khôi (1887 - 1959) là một học giả tên tuổi, nhà thơ, nhà văn, nhà báo. Ông sinh ngày 6 tháng 10 năm 1887 tại làng Bảo An, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, là con của Phó bảng Phan Trân (tri phủ Diên Khánh), là cháu ngoại Tổng đốc Hà Nội Hoàng Diệu. Ông là anh họ nhà cách mạng Phan Bôi (tức Hoàng Hữu Nam, 1910 – 1949), là cha đẻ nhà báo Phan Thao (1915 – 1960).

Học giả Phan Khôi
Học giả Phan Khôi

Ông học chữ Nho từ nhỏ, đỗ tú tài Hán học năm 18 tuổi, tự học quốc ngữ và tiếng Pháp. Sau đó ông gặp Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh và bị ảnh hưởng bởi tư tưởng của hai nhà cách mạng này.

Năm 1907, ông ra Hà Nội tham gia phong trào Đông Kinh nghĩa thục và làm việc cho tạp chí Đăng cổ Tùng báo. Khi Pháp khủng bố Đông Kinh nghĩa thục, ông về ẩn náu ở Nam Định rồi Hải Phòng một thời gian. Ít lâu sau, ông lén về Quảng Nam hoạt động trong phong trào Văn Thân cùng với cụ Huỳnh Thúc Kháng. Khi nổ ra cuộc cuộc biểu tình đòi giảm thuế (tức vụ Trung Kỳ dân biến) năm 1908, ông bị bắt và giam tại nhà tù Quảng Nam đến năm 1914 thì được ân xá.

Ra khỏi tù, ông lại về Hà Nội viết cho báo Nam Phong, rồi vào Sài Gòn viết cho tờ Lục tỉnh Tân văn. Năm 1920, ông quay ra Hà Nội viết cho các tờ Thực nghiệp Dân báo và Hữu thanh. Năm 1928, khi hai tờ báo này bị đóng cửa, ông lại trở vào nam viết cho báo Thần chung và Phụ nữ Tân văn. Năm 1931, ông trở ra Hà Nội viết cho tờ Phụ nữ Thời đàm.

Năm 1936, ông vào Huế viết cho tờ Tràng An và xin được phép xuất bản báo Sông Hương. Năm 1939, Sông Hương đóng cửa, ông lại trở vào Sài Gòn dạy học chữ Nho và viết tiểu thuyết.

Sau năm 1945, ông sống ở Quảng Nam rồi Hà Nội. Thời kháng Pháp, ông công tác ở Việt Bắc, tham gia Đoàn Văn nghệ kháng chiến, dịch sách, nghiên cứu ngôn ngữ học... Hòa bình lập lại, ông về Hà Nội tiếp tục dịch sách, nghiên cứu ngôn ngữ học, viết báo. Là một nòng cốt của nhóm Nhân văn Giai phẩm, năm 1958 ông bị khai trừ khỏi Hội Nhà văn. Ông qua đời năm 1959 tại Hà Nội.

Văn Tâm, tác giả mục từ Phan Khôi trong Từ điển Văn học (Bộ mới), NXB Thế giới, 2004, viết về ông ở các trang 1.391 và 1.392 như sau:

“Thời Pháp thuộc, Phan Khôi được xem như một nhà báo kỳ cựu, viết đến khoảng nghìn bài báo lớn nhỏ về nhiều lĩnh vực: văn học, nghệ thuật, chữ viết, sử học, triết học, ngôn ngữ học, văn hóa, xã hội, luân lý, chính trị, thời sự... (…) Phan Khôi là người tắm mình trong thơ cũ nhưng lại là người sớm thức tỉnh về cái “gánh nặng” của khuôn sáo thơ cũ. (…)

Về phương diện sáng tác, Phan Khôi là một tiểu thuyết gia không thành công. (…) Bù lại, ngòi bút thơ của ông có những đóng góp đáng kể. Trước hết, trong lĩnh vực thơ mới, bài Tình già đã chính thức mở đột phá khẩu: “Một số đông thanh niên trong nước bỗng thấy mở ra một góc trời vì cái táo bạo giấu giếm của mình đã được một bậc đàn anh trong văn giới công nhiên thừa nhận” (Thi nhân Việt Nam)”.

 

Bà Phan Thị Miều (bút danh Phan Thị Mỹ Khanh), con gái học giả Phan Khôi hiện sống ở Đà Nẵng, kể rằng khi bài thơ Tình già của cha mình được đăng báo thì bà chỉ mới 6 tuổi. Đến khi vào học Trường tiểu học Bảo An (nay là Trường tiểu học Phan Thanh, xã Điện Quang, thị xã Điện Bàn), qua một số thầy ở trường, đặc biệt là thầy Khương Hữu Dụng dạy lớp Tư, bà mới biết đến bài thơ nổi tiếng của cha mình.

Cũng rất lâu sau khi bài thơ Tình già ra đời, bà Phan Thị Miều mới biết đến tác phẩm có tính “khai phá” của cha mình. Ảnh: VTL

Cũng rất lâu sau khi bài thơ Tình già ra đời, bà Phan Thị Miều mới biết đến tác phẩm có tính “khai phá” của cha mình. Ảnh: Văn Thành Lê

Nhớ về người cha tài danh của mình, bà viết tác phẩm Nhớ cha tôi Phan Khôi (NXB Đà Nẵng, 2001) ghi lại những kỷ niệm buồn vui một thuở. Thỉnh thoảng bà còn có một số bài viết cùng nội dung, như bài Cái Tết vui nhất của cha tôi viết vào Tết Quý Tỵ 2013, nhưng lại nhớ cái Tết Bính Thân 1956 với nhiều chi tiết rất cảm động.

Theo mô tả của tác giả, đó là cái Tết vui nhất của cha bà, kể từ 1946, năm ông xa quê ra Hà Nội rồi lên chiến khu. Đại gia đình tập trung tại căn gác 3 nhà 51 Trần Hưng Đạo từ trưa 30 tháng Chạp. Hai bà vợ, hai con gái, hai con dâu ông đi chợ mua sắm, nấu nướng tổ chức một bữa liên hoan mừng xuân, mừng ngày đoàn tụ sau hơn mười năm xa cách.

Ra Tết, vào những ngày nghỉ, các con ông thường đến thăm cha. Ông thì tối tối có thói quen đi dạo quanh vài con phố. Lúc nào đi ngang qua căn hộ của vợ chồng ông Phan Thao, con đầu của ông, trong khuôn viên cơ quan báo Nhân Dân, ông cũng dừng lại, hỏi vọng vào: Cháu của ông đã ngủ chưa? Vợ ông Thao nghe tiếng, ra mời ông vào chơi. Ông vào bế cháu một lát, nói vài câu với vợ chồng ông Thao rồi ra về.

Học giả Phan Khôi cùng gia đình. Ảnh tư liệu gia đình
Học giả Phan Khôi cùng gia đình. Ảnh tư liệu gia đình

Ông Thao lấy vợ muộn, hồi đó mới được một cháu gái 3 tuổi, ông rất quý. Có lần ông gửi bài cho báo Nhân Dân, hơn mười ngày chưa thấy đăng, nhân sang chơi, ông hỏi con trai thì ông Thao đáp: “Thưa thầy, con thấy trong bài cần sửa một chữ, con đợi xin ý kiến thầy, thầy đồng ý chữa, con mới đăng!”. Ông cầm bản thảo bài mình lên xem, rồi gật đầu, bảo con: “Thầy đồng ý, anh chữa đi”.

Mặc dù trong bài đã dẫn, tác giả Phan Thị Mỹ Khanh không nói cụ thể đó là chữ gì, nhưng qua đó có thể thấy sự ngưỡng mộ đến độ sùng kính của người con trai làm báo đối với người cha rất mực tài hoa của mình. Người cha không chỉ là một học giả tên tuổi, một nhà báo kỳ cựu viết đến khoảng nghìn bài báo lớn nhỏ, ông còn là một nhà thơ khởi xướng phong trào Thơ mới được văn đàn Việt tôn vinh, nể trọng.

Tác giả Phan Nam Sinh, con của Phan Khôi và người vợ hai, chia sẻ những tin vui về cha mình trong bài viết Cha tôi - ông Phan Khôi, đăng trên báo Tuổi Trẻ ngày 17-3-2013. Theo đó, đầu năm 2013, Phan Nam Sinh nhận được tin vui, rằng bản thảo Nắng được thì cứ nắng của Phan An Sa, em trai ông, do Nhà xuất bản Tri Thức ấn hành sắp ra mắt độc giả. Trong cuốn sách dày gần 700 trang, khổ 16 x 24cm này, người con kể lại cuộc hành trình 23 năm cuối đời của người cha, từ lúc là chủ nhiệm báo Sông Hương đến lúc làm chủ nhiệm báo Nhân Văn.

“Mấy ngày sau, tôi lại được xem tập phim tư liệu Con mắt còn có đuôi trên trang Phóng sự - tài liệu của Đài Phát thanh - Truyền hình Đà Nẵng. Những điều mà bộ phim nói tới là sự khẳng định rất có ý nghĩa tên tuổi và những đóng góp của ông cho quê hương, đất nước; thể hiện cách nhìn, cách đánh giá mới của nhân dân, trong đó có giới trí thức, nhà văn, nghệ sĩ đối với con người và sự nghiệp văn chương của cha tôi”, ông Phan Nam Sinh nhấn mạnh đầy tự hào.

 

Nhà nghiên cứu văn học Lại Nguyên Ân, tác giả loạt sách Phan Khôi - Những tác phẩm đăng báo, ngày 4-1-2013 đăng bài Phan Khôi với phong trào Thơ mới trên trang phebinhvanhoc.com.vn, trong đó nhận định: “Trong cộng đồng văn nghệ Việt Nam với công chúng của mình, việc Phan Khôi đề xướng “thơ mới” tiếng Việt là một sự kiện mà tính hiển nhiên của nó trước sau vẫn được thừa nhận, có lẽ chỉ trừ một quãng thời gian 30 năm (1957-1987) ở miền Bắc, tại đó tên tuổi và tác phẩm của ông bị loại bỏ khỏi đời sống văn nghệ”.

Tình già đã được những người con của tác giả nhắc đến trong các sách xuất bản vào các năm 2001 và 2013.
Tình già đã được những người con của tác giả nhắc đến trong các sách xuất bản vào các năm 2001 và 2013.
 

Cây bút nghiên cứu chuyên sâu về Phan Khôi này ghi lại hành trình đến với thơ mới của ông: “Sau khoảng 5 năm (1928 - 1932) góp mặt một cách hiệu quả vào đời sống văn chương báo chí ở Sài Gòn và toàn quốc, sau thành công ở những vận động sửa đổi về sử dụng tiếng Việt vào văn chương báo chí, Phan Khôi đã từ địa hạt văn xuôi đi sang can dự vào việc cải cách ngôn ngữ thơ. Bài báo “trình chánh một lối thơ mới” ông đưa ra đầu năm 1932 là một bước đi liên tục của ông trong việc can dự vào “duy tân”, “cải lương” nền quốc văn của người Việt”.

Khi đề xuất cần đổi mới trong thơ, Phan Khôi đã nêu ra kinh nghiệm của chính bản thân mình với tư cách người làm thơ, kinh nghiệm của một người trong cuộc ấy cho thấy, những khả năng nghệ thuật của nền thơ cũ đã cạn kiệt, sau nhiều thế kỷ, bởi nhiều thế hệ.

Nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân dẫn một đoạn trong bài Một lối thơ mới trình chánh giữa làng thơ// Tập văn mùa xuânĐông Tây xuất bản, Hà Nội, Xuân Nhâm Thân (1932), tr. 6 -7, của chính Phan Khôi để nói về nội dung “lối thơ mới” mà ông đề xướng: “Bởi vậy tôi rắp toan bày ra một lối thơ mới. Vì nó chưa thành thực nên chưa có thể đặt tên kêu là lối gì được, song có thể cử cái đại ý của lối thơ mới này ra, là đem ý thật có trong tâm khảm mình tả ra bằng những câu có vận, mà không phải bó buộc bởi những niêm luật gì hết. Ấy là như: Tình già….

Sau khi xuất hiện trên văn đàn 87 năm trước, bài thơ Tình già đã đi vào văn học sử Việt Nam như một hiện tượng thơ ca hy hữu và mãi đến giờ vẫn luôn lay động tâm hồn của người yêu thơ mọi thế hệ. Bài thơ được viết theo thể mới tự do, bất chấp mọi lằn ranh niêm luật gò bó của thơ Đường luật cũ. Tình già đã “khai hỏa” cuộc tranh luận gay gắt giữa thơ mới và thơ cũ diễn ra gần 10 năm sau đó. Cuối cùng, thơ mới đã bước lên bục vinh quang với tên gọi quen thuộc là “phong trào Thơ mới” và khép lại mấy trăm năm thống lĩnh của thơ Đường.

Tác giả đã đi xa đúng 60 năm, tác phẩm Tình già nay gần chạm ngưỡng cửu tuần. Đã không còn cái sự mới lạ như ngày nó chào đời, nhưng hồn phách của buổi ban đầu ấy vẫn “còn có đuôi” trong lòng người yêu thơ các thế hệ.

Tình già

Hai mươi bốn năm xưa, một đêm vừa gió lại vừa mưa,

Dưới ngọn đèn mờ, trong gian nhà nhỏ, hai cái đầu xanh kề nhau than thở:

-“Ôi! Đôi ta, tình thương thì vẫn nặng, mà lấy nhau hẳn là không đặng;

Ðể đến nỗi tình trước phụ sau, chi cho bằng sớm liệu mà buông nhau!”.

-“Hay! Nói mới bạc làm sao chớ! Buông nhau làm sao cho nỡ?

Thương được chừng nào hay chừng nấy, chẳng qua ông Trời bắt đôi ta phải vậy!

Ta là nhân ngãi, đâu có phải vợ chồng mà tính việc thủy chung?”.

Hai mươi bốn năm sau, tình cờ nơi đất khách gặp nhau;

Ðôi cái đầu đều bạc. Nếu chẳng quen lung, đố nhìn ra được!

Ôn chuyện cũ mà thôi. Liếc đưa nhau đi rồi! Con mắt còn có đuôi!

(Nguyên bản theo ký ức của ông Phan An Sa và nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân)


VĂN THÀNH LÊ


Comment

Facebook Instagram Youtube Twitter Google+ Top