Võ Quảng Cuộc song hành giữa báo chí với văn học thiếu nhi
Cơ duyên với báo chí
Võ Quảng tiếp xúc với báo chí khá sớm. Ngay từ khi còn theo học tại Trường Quốc học Huế (1935 – 1941), ông đã “tìm đọc được nhiều ở các sách báo tiến bộ ở Pháp” (Võ Quảng – Con người, tác phẩm, Phương Thảo biên soạn, Nxb Đà Nẵng, 2008, tr.12). Từ thực tiễn của phong trào yêu nước và thông tin báo chí tiến bộ, Võ Quảng đã sớm giác ngộ lý tưởng cách mạng, tự nguyện tham gia sự nghiệp đấu tranh giành lại quyền độc lập cho đất nước.
Sau ngày ra Bắc tập kết, Võ Quảng được giao làm Trưởng ban Tuyên truyền văn hóa đối ngoại của Bộ Văn hóa. Năm 1957, Võ Quảng về làm việc tại Nhà xuất bản Kim Đồng, đảm nhiệm trọng trách Tổng biên tập. Năm 1964, ông chuyển sang làm Giám đốc Xưởng phim Hoạt họa Việt Nam…
Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Hữu Thỉnh trao Huân chương Độc lập cho nhà văn Võ Quảng.
Có thể nói, việc giữ các cương vị nói trên đã khiến ông gắn bó nhiều hơn với báo chí cách mạng cũng như báo chí tiến bộ của nhân loại. Sự gắn bó ấy, cố nhiên, được xác lập trên lợi ích công việc của bản thân và đơn vị do ông phụ trách.
Đối với ông, báo chí là phương tiện năng động, không chỉ truyền tải thông tin thời sự mà còn giúp các nhà văn, nhà thơ đăng tải tác phẩm văn nghệ, đáp ứng kịp thời nhu cầu hiểu biết, thưởng thức của bạn đọc. Nhận thức trên càng lúc càng được củng cố bởi ông là người chịu đọc, chịu khai thác kinh nghiệm lịch sử về mối quan hệ mật thiết giữa văn nghệ và báo chí.
Một số tác phẩm của Võ Quảng.
Khi đã nghỉ hưu, ông vẫn không rời xa báo chí. Theo Phương Thảo: “Khi tuổi đã rất cao, mỗi buổi sáng ông vẫn dậy rất sớm ngồi vào bàn cặm cụi viết trong căn phòng nhỏ của riêng ông, rộng chỉ 5 mét vuông, trên gác ba của một ngôi nhà ở Hà Nội. Chiều tối, ông ngả mình trên chiếc ghế mây ở phòng bên, nghe vợ đọc sách, đọc báo hay cùng đàm luận văn chương…” (Sđd, tr.19).
Nhà báo Nguyên An (Tạp chí Văn học và tuổi trẻ) mỗi khi hồi nhớ về nhà văn họ Võ của đất Quảng thường hình dung ông như một “chủ báo” thực sự, giỏi nghề và đôn hậu.
Trong bài “Từ phó chủ tịch thành phố thành nhà thơ của thiếu nhi” (2007) Nguyên An kể như sau: “Dạo ấy ông hay đi bộ từ nhà 44 Hàng Chuối sang nhà 45 Hàng Chuối vào khoảng từ 9 giờ 30 phút. Trong phòng khách nhỏ bé của Văn học và tuổi trẻ, ông như một ông chủ báo thực sự, lại cũng như một người cha, một người ông… với đủ chuyện về nghề văn, nhà văn và việc dạy văn…” (sđd, tr.86).
Võ Quảng (ngồi, thứ 2 từ trái qua) và Tô Hoài (ngồi, thứ 4 từ trái qua) với các lưu học sinh, sinh viên Việt Nam tại Liên Xô.
Có nhiều lý do tạo nên mối quan hệ mật thiết giữa nhà văn Võ Quảng và báo chí cách mạng. Trong mối quan hệ này, Võ Quảng không chỉ là một bạn đọc đơn thuần mà còn là một cộng tác viên tích cực, có bài viết được đăng tải thường xuyên trên nhiều từ báo…
Tập trung vào chủ đề văn học thiếu nhi
Sự gắn bó của Võ Quảng với báo chí đã làm cho đời văn của ông thêm phần phong phú, đa dạng. Không thể phủ nhận, mối quan hệ ấy là một “kinh nghiệm lịch sử” rất hữu ích cho những người viết trẻ hôm nay nếu muốn gắn bó lâu dài với văn học thiếu nhi Việt Nam.Võ Quảng đã dồn mọi tâm huyết vào việc sáng tác phục vụ bạn đọc thiếu nhi cũng như thu hút dư luận xã hội vào vấn đề văn học thiếu nhi. Ông nhận rõ tầm quan trọng của báo chí, chủ động thông qua báo chí để xuất bản tác phẩm, trước khi tập hợp đưa in thành sách.
Võ Quảng gặp nhiều thuận lợi bởi các tờ báo, tạp chí đều có kế hoạch đăng tải các tin, bài về văn học thiếu nhi; gọi mời các nhà văn, nhà nghiên cứu phê bình cộng tác.
Võ Quảng đã tận dụng tốt cơ hội này, đăng tải thường xuyên tác phẩm thơ truyện cũng như các bài tiểu luận bàn về văn học thiếu nhi. Như vậy, Võ Quảng làm báo không nhằm mục đích mưu sinh mà vì sự tiến bộ của trẻ em và tầm ảnh hưởng của văn học thiếu nhi trong nền văn học chung.
Hoạt động báo chí của Võ Quảng diễn ra gần như đồng thời với hoạt động sáng tác văn chương. Từ năm 1958 trở đi, ông thường xuyên cộng tác với các báo, tạp chí như Văn nghệ, Nhân dân, Thiếu niên tiền phong, Nghiên cứu văn học, Nghiên cứu giáo dục, Học tập, Điện ảnh…
Ông còn tham gia trả lời phỏng vấn báo Phụ nữ Liên Xô, tháng 2.1988, cũng về chủ đề văn học thiếu nhi Việt Nam. Có thể thấy, Võ Quảng chủ trương cộng tác với nhiều tờ báo khác nhau chính là để mở rộng khả năng giao tiếp, tương tác với bạn đọc thuộc nhiều lứa tuổi, nhiều thành phần xã hội khác nhau. Như thế, những cảm hứng nghệ thuật và tư tưởng về văn học thiếu nhi của ông sẽ được lan tỏa, tác động tới nhận thức xã hội một cách rộng rãi.
Những bài viết của Võ Quảng thường ngắn gọn, đề cập trực tiếp vào một vấn đề cụ thể của văn học nghệ thuật dành cho thiếu nhi. Những vấn đề như vậy được ông hiển ngôn ngay trên nhan đề bài viết, rất phù hợp với phong cách tác phẩm báo chí. Với nội dung từng bài, ông cũng thể hiện rất hợp lý theo hướng làm sáng rõ luận điểm, diễn giải có minh chứng, có lý luận với sự tiết chế số lượng chữ ở mức tối đa.
Lấy ví dụ bài “Lại nói về truyện đồng thoại cho thiếu nhi” (Tạp chí Văn học, số 1/1982): Với gần 2.800 chữ, Võ Quảng tập trung về đặc điểm thể văn đồng thoại trong tương quan so sánh với cổ tích và thần thoại. Nhận định của ông về thể loại truyện đồng thoại được đúc kết từ những trải nghiệm sáng tác, quan sát thực tiễn và tham khảo trực tiếp nguồn tư liệu nước ngoài. Do đó, tiểu luận của ông có giá trị cao về mặt lý luận, được nhiều người tham khảo, tiếp thu.
Như vậy, từ góc nhìn báo chí, chúng ta đã có thêm căn cứ để khẳng định thành tựu cùng những đóng góp của Võ Quảng đối với nền văn hóa Việt Nam thế kỷ 20. Có thể nói, Võ Quảng là một hình ảnh sinh động về sự kết hợp hiệu quả giữa hoạt động văn học và hoạt động báo chí.
Bằng tài năng và sự nỗ lực không biết mệt mỏi, Võ Quảng đã góp phần tích cực vào việc nâng cao chất lượng nhiều tờ báo, tạp chí có chuyên mục “văn học thiếu nhi”. Đến lượt mình, báo chí lại giúp nhà văn phổ biến tác phẩm một cách nhanh nhất, dưới nhiều hình thức sinh động, hấp dẫn của nghệ thuật truyền thông.
LÊ NHẬT KÝ