Dấu tích nhân nghĩa của làng Hà Lam

Tại làng Hà Lam (nay là thị trấn Hà Lam, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam) có một khu Nghĩa trủng và một ngôi miếu Âm linh được xây dựng cách đây gần 150 năm. Đến tiết Thanh minh hằng năm, dân làng tụ tập tại đây để cúng tế nhằm “an ủi những linh hồn vô gia cư không có người phụng tự”.

Là một trong những ngôi làng cổ của Quảng Nam, Hà Lam được những chiến binh trong đoàn quân Nam chinh của Lê Thánh Tông thành lập vào năm 1471. Sau chiến thắng, họ được bố trí ở lại nơi này - vùng đất vốn thuộc châu Thăng thời Hồ Quý Ly.

Tiếp nối đạo nghĩa và truyền thống

Dưới thời Tự Đức, làng Hà Lam từng được nhà vua ban thưởng tấm biển vàng có 4 chữ “Thiện tục khả phong” (việc thiện đáng khen) do những đóng góp của làng vào việc giúp đỡ, cứu tế cho các làng chung quanh và các vùng khác mỗi khi xảy ra thiên tai, dịch họa. Một trong những việc thiện của làng còn lưu lại cho đến ngày nay là khu Nghĩa trủng và ngôi miếu Âm linh của làng ở xứ Xá Trâu được xây dựng vào năm 1874.

Văn bia Nghĩa trủng có đoạn, theo bản dịch của Nguyễn Bằng, Nguyễn Văn Hà trong sách Bia Văn thánh và một số bia Hán Nôm tại huyện Thăng Bình (UBND huyện Thăng Bình, 2012, trang 31): “Làng ta được lập từ lâu đời, dân cư đông đúc, lại thêm người từ các nơi khác đến ngụ cư, người buôn bán khách vãng lai, những kẻ lỡ độ đường, gặp hồi mất mùa đói kém thương tật dịch bệnh mà chết. Tấm thân vùi chôn bên đường, xếp ngổn ngang bên gò đất lạnh, không người quét dọn sửa sang, không ngọn khói hương nói chi đến chuyện nướng gà rót rượu mà cúng tế”.

Miếu Âm linh (ảnh trái) và dấu tích khu Nghĩa trủng tại làng Hà Lam (nay là thị trấn Hà Lam).Ảnh: HỒ XUÂN PHÚC
Miếu Âm linh (ảnh trái) và dấu tích khu Nghĩa trủng tại làng Hà Lam (nay là thị trấn Hà Lam).
Ảnh: HỒ XUÂN PHÚC

Năm 1874, dưới triều Tự Đức, triều đình chuẩn cho các địa phương lập Nghĩa trủng (ngôi mộ lớn vì việc nghĩa) để chôn cất những người vô gia cư, những hành nhân chết không có ai thân thích và tổ chức cúng tế hằng năm. Dân làng Hà Lam đã hưởng ứng lời kêu gọi của triều đình: “Từ thời Tự Đức người làng tổ chức quy tập mộ vô chủ về chôn chung một khu vực, lập nơi thờ tự, cúng ruộng hương hỏa, hằng năm tổ chức tế lễ (…) Khu Nghĩa trủng quy tụ hơn 200 ngôi mộ hoang nằm ở phía tây của làng, khuôn viên đắp bằng bờ đất rào trụ tre bảo vệ mộ hoang” (sđd trang 174).

Khu Nghĩa trủng nay không còn dấu tích từng ngôi mộ như xưa mà gồm nhiều mô đất được đắp cao thành vồng như những luống khoai tọa lạc trên một khuôn viên rộng chừng 200m2 nằm bên cạnh giao lộ quốc lộ 14B và đường Nguyễn Thuật.

Xây dựng cùng thời và bên cạnh Nghĩa trủng là ngôi miếu Âm linh. Miếu nguyên là chùa Phước Phổ do tộc Nguyễn Đức sở hữu, gồm 3 gian, gian giữa thờ Phật, hai gian hai bên thờ tổ tiên. Về sau, chùa bị hư nên tộc Nguyễn Đức nhường nền chùa lại cho làng làm miếu. Miếu đã được nhiều lần tu sửa, lần quan trọng nhất vào năm 1893 và lần cuối cùng vào năm 1969.

Lần tu sửa vào năm 1893, sđd ghi: “Miếu đình hai bên trái phải xây hai đàn tế, có ngạch cửa bằng gỗ ngăn cách với miếu thờ Thổ thần. Mỗi đàn gồm 3 án, phân vị trí dương nam âm nữ để thờ cúng cô hồn. Ngoài dựng bình phong bằng đá và hai trụ biểu”.

Hiện miếu có quy mô nhỏ hơn. Các lần tế lễ tuy không “hoành tráng” như trước nhưng miếu vẫn được hương khói và tế lễ vào dịp Thanh minh hằng năm như sự tiếp nối đạo nghĩa xưa của cha ông và truyền thống “thiện tục khả phong” của làng.

Bia Nghĩa trủng

Tất cả thông tin về lịch sử của Nghĩa trủng và miếu Âm linh mà ngày nay chúng ta có được là nhờ tấm bia bằng đá dựng bên cạnh miếu thờ mà các nhà nghiên cứu thường gọi đó là bia Nghĩa trủng. Bia Nghĩa trủng là một trong 13 tấm bia Hán Nôm còn lại hiện nay ở thị trấn Hà Lam, có kích thước 1,1m x 0,75m do Cử nhân Nguyễn Chức chấp bút và dựng vào tháng 8 năm Quý Tỵ (1893) khi trùng tu miếu Âm hồn.

Văn bia cho biết, năm 1893, khi đang làm Tổng đốc Thanh Hóa, Phó bảng Nguyễn Thuật được triều đình cho về quê để làm lễ phần huỳnh(*) cho cha mẹ. Lễ xong, ông đi thăm các nơi trong làng, chạnh lòng khi đứng trước ngôi miếu làng bị đổ nát vì chiến tranh (1885-1887). Ông bàn với vợ và xin làng cho gia đình ông bỏ tiền ra trùng tu lại ngôi miếu với mong mỏi: “Dẫu có ngàn vàng trên lời nói, sao bằng một chút ân che đắp xương khô, vun bồi miếu tự”! (sđd trang 174).

Về nội dung, văn bia dài 641 từ, gồm 4 phần. Phần một nói về lịch sử Nghĩa trủng và ngôi miếu Âm linh. Phần hai nói về việc gia đình Nguyễn Đức trùng tu lại ngôi miếu, phần ba nói về ý nghĩa của việc trùng tu ngôi miếu và dựng bia: “Cốt là tỏ bày nếp tốt của làng, lại để tai nghe mắt thấy được rõ ràng, dựng nên tiếng tăm cho cả vùng, khơi dậy thiện tâm ở mỗi người mà hun đúc nên thiện tục khiến phong tục giáo hóa ấy không trở nên vô bổ” (Sđd trang 175). Phần cuối cùng là hai dòng nói về thời gian dựng bia và tác giả của văn bia.

Về tác giả của văn bia: Nguyễn Chức hiệu Thiếu Hà, xuất thân trong một gia đình khoa bảng hàng đầu của huyện Lễ Dương (nay là Thăng Bình). Là con trai lớn của cụ Nguyễn Thuật (1842-1912), Nguyễn Chức đỗ Cử nhân khoa 1888, từng trải qua các chức vụ Thị giảng học sĩ, Huấn đạo huyện Lễ Dương. Khi định dựng bia, các thân lão trong làng xin Nguyễn Thuật cho con trai ông “viết văn bia để ghi lại sự việc”.

Chữ trên văn bia hiện nay đã bị mờ, rất khó đọc, nhưng rất may nội dung văn bia đã được hai nhà nghiên cứu Hán - Nôm Nguyễn Bằng và Nguyễn Văn Hà ghi lại, phiên âm, dịch ra quốc ngữ năm 2012, in vào sách đã dẫn ở trên.


LÊ THÍ

------------------------
(*) Lễ phần huỳnh (phần là đốt cháy, huỳnh là màu vàng hay giấy màu vàng) là lễ đốt bản sao trên giấy màu vàng Chiếu Dụ của vua ban ân về phẩm trật quan giai dành cho cha mẹ đã quá cố của một đại quan.


Comment

Facebook Instagram Youtube Twitter Google+ Top