Vén cây mà bước lên đồi

Mười một giờ trưa, giữa nắng tháng Ba miền Trung gay gắt, hết hỏi người này lại hỏi người kia, ngoằn nghoèo qua bao nhiêu con dốc, trước mắt chúng tôi là vùng đồi núi có cái tên rất lạ - núi Ráo, thuộc địa phận xã Hành Thịnh, huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi.

Mười một giờ trưa, giữa nắng tháng Ba miền Trung gay gắt, hết hỏi người này lại hỏi người kia, ngoằn nghoèo qua bao nhiêu con dốc, trước mắt chúng tôi là vùng đồi núi có cái tên rất lạ - núi Ráo, thuộc địa phận xã Hành Thịnh, huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi.

Chúng tôi tìm đến nơi này để thăm, viếng hương nơi yên nghỉ của nhà cách mạng hy sinh lúc tuổi mới chỉ ba mươi lăm - Huỳnh Ngọc Huệ (quê Đại Lộc, Quảng Nam). Từ dưới chân núi, phải mất hơn tiếng đồng hồ vén cây, vạch lối, mò mẫm đường đi giữa bạc ngàn lau lách và keo… chúng tôi mới tới được ngọn đồi nơi ông an giấc ngàn thu…

1. Anh Võ Hoài Phương - Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Quảng Ngãi bảo đã vài lần đến viếng hương mộ ông Huỳnh Ngọc Huệ (nguyên Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Ủy viên Liên hiệp Công đoàn thế giới), khi nhận lời làm người dẫn đường trong chuyến đi này. Nhưng rốt cuộc anh Phương cũng đành “bó tay” vì bây giờ mọi thứ gần như thay đổi hoàn toàn, chỉ còn biết định hướng trong trí nhớ rồi vạch cỏ, vén keo lá tràm đang thời kỳ phát triển để tìm đường đi lên. Vừa đi, anh Phương vừa gọi điện thoại nhờ người địa phương ở Hành Thịnh trợ giúp. Vậy mà cuộc tìm kiếm vẫn không có kết quả. Mãi đến khi vợ chồng người cháu gọi ông Huỳnh Ngọc Huệ bằng ông nội chú từ Đà Nẵng theo sau, bằng một lối đi khác, nhắm hướng quen thuộc lần tới, cả đoàn dừng lại bàn bạc giữa nắng trưa rồi tỏa ra mấy hướng đi tìm, một hồi lâu sau mới lần dò chạm bước tới những bậc tam cấp được xây cách đây hơn hai mươi năm để đến ngôi mộ của nhà cách mạng, liệt sĩ Huỳnh Ngọc Huệ.


.Tọa lạc trên một ngọn đồi thuộc quần thể núi Ráo, ngôi mộ của ông Huỳnh Ngọc Huệ lọt thỏm giữa bạc ngàn rừng keo lá tràm người dân địa phương trồng xung quanh. Để được an yên ở vị trí này là cả một câu chuyện dài về quá trình tìm kiếm mộ ông, của gia đình dòng họ và chính quyền địa phương. Ông Huỳnh Ngọc Huệ mất khi còn rất trẻ, giữa lúc cuộc kháng chiến chống Pháp đang bước vào giai đoạn quyết liệt. Ông trong vai trò Phó Bí thư Liên khu ủy 5 đã lãnh đạo phong trào ở mặt trận Quảng Nam - Đà Nẵng nói riêng, Liên khu 5 nói chung phát triển mạnh mẽ cả về mặt xây dựng Đảng, các đoàn thể quần chúng, nhất là tổ chức công đoàn trong các công binh xưởng… Đó là những ngày cuối tháng 4.1949, trong lúc chuẩn bị ra Trung ương nhận nhiệm vụ mới, Huỳnh Ngọc Huệ không may bị nhiễm trùng uốn ván và từ trần, để lại bao niềm thương tiếc trong lòng đồng bào cán bộ, chiến sĩ, công nhân Liên khu 5. Nhiều phong trào theo gương Huỳnh Ngọc Huệ được phát động, nhiều công xưởng, trường học, tổ chức cơ sở đảng mang tên ông.Tôi đếm đúng 73 bậc tam cấp từ dưới lên, và khi đã đặt chân đến khuôn viên ngôi mộ, quay đầu nhìn lại phía sau là mịt mù cây xanh, lau lách. Chợt nghĩ, không biết mai này, khi những người cháu như vợ chồng anh Huỳnh Ngọc Tiến cũng già yếu đi, có còn ai thân thích ruột rà làm cuộc vén cây, dò dẫm lên ngọn đồi này để thắp nén nhang tưởng nhớ ông Huỳnh… Suy nghĩ này cũng rất trùng hợp với tâm sự của chị Trần Thu Hương - vợ anh Tiến. Chị Hương là cháu dâu, nhưng đã nhiều năm nay, từ khi cha chồng khuất núi, chị cùng anh Tiến đã không biết bao nhiêu lần tìm về đồi núi Ráo này thắp hương ông nội chú. Mỗi lần đi là mỗi lần phải mò mẫm tìm đường lên mộ. Chị Hương bảo, hồi cha chồng chị - ông Huỳnh Ngọc Sơn còn sống, ông rất ngưỡng mộ và kính trọng người chú ruột Huỳnh Ngọc Huệ. Ông cất công đi sưu tầm, tìm kiếm những kỷ vật, hình ảnh, tài liệu liên quan đến cuộc đời hoạt động của ông Huỳnh Ngọc Huệ, lưu giữ cẩn thận. Đều đặn mỗi tháng, ông Sơn từ Đà Nẵng đón xe đò vào Quảng Ngãi rồi bắt xe ôm đến Hành Thịnh - Nghĩa Hành thăm mộ chú. Giờ ông Sơn mất rồi, người con trai Huỳnh Ngọc Tiến vì cuộc mưu sinh cơm áo nên mỗi năm mới cùng vợ thăm mộ ông nội chú một lần. “Đời mình còn đi được, không biết mai sau…” - chị Hương thở dài và bỏ lửng câu nói. Tôi hiểu tâm tình ấy và càng ái ngại hơn khi nghĩ lại hành trình vừa trải qua để đi tìm mộ nhà cách mạng này.

2

Anh Huỳnh Ngọc Tiến kể, sau năm 1975, gia đình, dòng họ mới có điều kiện vào Quảng Ngãi tìm mộ ông Huỳnh Ngọc Huệ, nhưng thời gian, chiến tranh bom đạn đã xóa mọi dấu vết nơi chôn cất ông. Nhiều lần tìm kiếm không thành, gia đình đành bốc đất ở khu vực núi Ráo về Mỹ Hòa, Đại Hòa, Đại Lộc làm một ngôi mộ gió thờ phụng khói hương. Mãi cho đến năm 1980, một lần nữa gia đình tổ chức đi tìm và phát hiện được nơi ông nằm rồi an táng tại ngọn đồi này. Đến năm 1997, được sự giúp đỡ của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Đảng bộ và chính quyền TP.Đà Nẵng, các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi và huyện Đại Lộc, gia đình đã xây dựng lại khu mộ như hiện nay, có bậc tam cấp đi lên, khuôn viên mộ, nhà bia tóm lược quá trình hoạt động cách mạng và những chức vụ mà ông Huỳnh Ngọc Huệ kinh qua.

3.Tôi đọc bia tóm lược quá trình hoạt động cách mạng và hình dung quá trình phấn đấu gian khó và nhiệt thành khi dấn thân vì lý tưởng cách mạng của một người con ưu tú sinh ra nơi làng quê Mỹ Hòa bên dòng Thu Bồn xứ Quảng. Quả thật, từ khởi đầu bằng việc tiếp thu tư tưởng vô sản lúc còn là học sinh của trường Kỹ nghệ thực hành Huế những năm 1935 - 1936, làm Bí thư Chi bộ trong chi bộ ghép với Trường Quốc học, sinh hoạt cùng Nguyễn Kim Thành (tức nhà thơ Tố Hữu ), cho đến những chức vụ quan trọng sau này như Phó Bí thư Xứ ủy Trung kỳ (1946 ), Phó Bí thư Liên khu ủy 5 (1949), Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam… khi tuổi đời còn rất trẻ đã chứng tỏ được năng lực của ông. Có lẽ vì thế mà khi hay tin Huỳnh Ngọc Huệ mất, Hội nghị Trung ương tổ chức vào tháng 5.1949 dưới sự chủ trì của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tổ chức nghi thức mặc niệm ông. Đại tướng Chu Huy Mân - người bạn tù ở ngục Đăk Glei năm xưa nhận xét: “Anh Huệ ra đi còn đang tuổi sung sức, nghị lực dồi dào. Đảng Cộng sản Việt Nam, Đảng bộ tỉnh Quảng Nam, nhân dân cả nước và nhân dân Quảng Nam mất một người con trung hiếu, mẫu mực, một tài năng đương lên; tôi thực sự kính trọng và thương tiếc vô cùng, một trong những đồng chí hiếm có trong tôi”.

Con người ấy giờ đang nằm đây giữa đồi núi Ráo cách xa quê nhà gần 200 cây số, quanh năm làm bạn với gió núi, mây ngàn - âu đó cũng là phúc phận của một đời người khi nhắm mắt xuôi tay. Duy có điều, vẫn thấy sự cô liu, quạnh quẽ quá khi mộ ông lọt thỏm giữa cỏ cây bao phủ, đường đi thì lắc léo quanh co chẳng dễ dàng để tìm thấy, làm sao để thế hệ sau này còn tìm đến mà tưởng nhớ về một người cộng sản mẫu mực, đầy nhiệt huyết  tuổi trẻ cống hiến cho quê hương. Anh Võ Hoài Phương - Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Quảng Ngãi cho biết, vài năm trở lại đây, mộ ông Huỳnh Ngọc Huệ trở thành một trong những “địa chỉ đỏ” để đoàn thanh niên Liên đoàn Lao động 2 tỉnh Quảng Nam - Quảng Ngãi tìm về hương khói, ôn lại truyền thống một thời. Còn anh Lưu Văn Thương - Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Quảng Nam cho hay, mọi hồ sơ, thủ tục xin nâng cấp mộ nhà cách mạng Huỳnh Ngọc Huệ đã được Liên đoàn Lao động Quảng Nam hoàn chỉnh và trình lên Tỉnh ủy. Cùng với đó là việc đề đạt tỉnh Quảng Ngãi công nhận Di tích lịch sử cấp tỉnh đối với mộ ông Huỳnh Ngọc Huệ để có cơ sở về thủ tục pháp lý, đất đai cho mở rộng quy hoạch trùng tu…

Tất cả vẫn đang chờ đợi các quyết định ở cấp trên. Và, trong lúc đó, những người thân trong gia đình ông Huệ và dòng họ Huỳnh ở làng Mỹ Hòa vẫn phải làm cuộc vén cây tìm lối nhọc nhằn mỗi bận tìm về hương khói cho ông.

Comment

Facebook Instagram Youtube Twitter Google+ Top