Ông già bán mắm ở làng Hòa Thanh

Nghĩa cử của một ông già bán mắm ở làng biển Hòa Thanh (Tam Kỳ) đã làm cho nhà cách mạng Huỳnh Thúc Kháng phải cảm thán: “Mới gặp như bạn cũ, bạc đầu như người lạ”, đạo giao hữu khó thế nào xem câu cổ nhân nói trên rõ có ý vô cùng cảm khái!. Câu chuyện nhỏ nhưng để lại bài học lớn đã được Huỳnh Thúc Kháng kể lại trong tác phẩm nổi tiếng Thi tù tùng thoại của mình!

Làng Hòa Thanh

Hòa Thanh là ngôi làng cát nằm giữa sông Trường Giang và Biển Đông, nay thuộc  xã Tam Thanh, TP.Tam Kỳ. Nơi đây, dân chuyên nghề đánh bắt thủy sản và làm mắm.

Trong bài Sóng vọng Hòa Thanh trên báo Quảng Nam số ngày  4.10.2020, nhà nghiên cứu Phú Bình, cho biết một số tộc họ của làng có nguồn gốc từ một số vùng ven biển phía Bắc di cư vào lập nghiệp và đến nay đã truyền được đến 17 - 18 đời. Điều này cho phép chúng ta nghĩ rằng làng được thành lập trong khoảng cuối thế kỷ 16 đầu thế kỷ 17 (thời kỳ Nguyễn Hoàng vào làm Trấn thủ Thuận Hóa - 1558 cho đến khi ông thăm Quảng Nam - 1602).

Tên Hòa Thanh có ghi trong Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn (1776), là một trong 43 xã thôn của “Thuộc Hà bạc, huyện Duy Xuyên”. Sang Địa bạ Gia Long (soạn trong khoảng 1812 - 1818) thì đây là một xã thuộc Hà bạc, huyện Hà Đông  với 3 phường Thượng, Trung, Hạ có tứ cận: Đông giáp biển (Đông), Tây giáp sông (Phước Yên, Trường Giang), Nam giáp xã Tân Lạc, Ngọc Giáp (Tam Tiến) và bắc giáp xã Tỉnh Thủy (nay cũng thuộc Tam Thanh).

Làng Hòa Thanh nằm trong khu vực giữa biển và sông. Ảnh Internet
Làng Hòa Thanh nằm trong khu vực giữa biển và sông. Ảnh Internet


Xem Đồng Khánh địa dư chí (soạn 1887 - 1890) ta thấy có ba địa danh liên quan: Phường Thượng xã Hòa Thanh, Phường Trung xã Hòa Thanh, phường Hạ xã Hòa Thanh. Đây là ba trong số 21 xã thôn, phường của tổng An Hòa, huyện Hà Đông, phủ Thăng Bình.

Đầu thế kỷ 20, theo hồi ức của các vị cao niên thì vùng này được gọi chung là Tam Ấp (có lẽ xuất phát từ 3 phường trước đó). Thời Việt Nam Cộng Hòa, Hòa Thanh thuộc xã Kỳ Phú, quận Tam Kỳ. Từ 1983, Hòa Thanh nằm trong xã Tam Thanh của Tam Kỳ.

Làng Hòa Thanh là làng hoạt động nghề biển tiêu biểu của Quảng Nam trước đây. Tại đây hiện còn khu lăng mộ và đền thờ cá Ông. Dưới thời nhà Nguyễn, Hòa Thanh có nhiều người tham gia thủy quân, tiêu biểu là Phó vệ úy Võ Văn Tây (? - 1853) làm việc tại Vệ số 2, doanh Trung thuộc bộ phận Kinh kỳ thủy  sư. 

Phó vệ úy là chức quan võ cao cấp có hàm Chánh tứ phẩm, chỉ huy phó của một Vệ thủy quân gồm độ 2.500 quân có nhiệm vụ canh giữ bảo vệ kinh đô. Người thứ hai là Suất đội trưởng Lê Văn Ước thuộc Vệ tả thủy Quảng Nam. Suất đội trưởng là  người chỉ huy của một Đội thủy quân với khoảng 250 người.

Hòa Thanh ngày trước nằm cạnh tuyến đò dọc (chạy theo sông Trường Giang nối cảng An Hòa với cảng Cửa Đại). Tại đây có một bến đò dừng trả và đón khách từ Tam Kỳ đi Hội An hoặc vào An Hòa. Bến đò này cũng là nơi xuất phát nhiều chuyến đò mang mắm -  đặc sản của làng đi bán khắp vùng Quảng Nam, đặc biệt là cho Hội An, trung tâm thương mại lớn nhất của Quảng Nam ngày trước.

Ông già bán mắm ở Hòa Thanh

Năm 1908, phong trào cự sưu kháng thuế bùng phát. Người Pháp bắt giam hầu hết lãnh tụ của Phong trào Duy Tân vì cho rằng do họ xúi. Huỳnh Thúc Kháng bị bắt giam ở nhà lao Hội An. Cảnh giam cầm rất nghiêm ngặt: “Mỗi ngày chỉ người cai gác mở cửa hai lần, chính người cai đó mang đồ ăn vào mà thôi” (Thi tù tùng thoại, tr.14).

Hai người học trò của cụ Huỳnh nghe tin thầy bị giam nên vào thăm và mang mền áo, quà bánh cho thầy. Mặc dù đã trình báo nhưng khi xét có một lá thư do người bạn của cụ Huỳnh gửi, viên cai ngục nghi ngờ có ý đồ gì đó nên  bắt giam ngay hai cậu học trò, chuyển qua tỉnh để điều tra. Chính vì vậy: “Từ đó bà con và bạn hữu không ai dám tới thăm nữa” (tr.14).

Thế nhưng, một bữa trưa, người gác ngục khi đem cơm vào cho Huỳnh Thúc Kháng đã mang thêm cho cụ bánh kẹo, thuốc lá và một mảnh giấy nhỏ trong đó viết: “Nghe ông bị giam, người nhà ở xa không ai vào thăm được, tôi có ghe bán mắm ra bán ở Phố (Hội An - NV) đây. Kính gửi quà vặt thăm ông. Như ông có nhắn người nhà điều gì, tôi sẵn lòng chuyển đạt cho”. Dưới mảnh giấy có ghi: Hòa Thanh Lão Phổ kính thơ! (sđd, tr.15).

Làng nghề nước mắm truyền thống.


Huỳnh Thúc Kháng vô cùng xúc động và ngạc nhiên. Qua tìm hiểu, người gác ngục cho biết: “Có lão ghe chài ra bán mắm ở đây vài bữa trước, hỏi thăm biết nhà tôi nấu cơm cho các tù nhân trong đó có ông. Ông lão tự xưng là bà con với ông nên gửi đồ đó vào mà không nói tên, chỉ dặn ông có hỏi thì nói năm ngoái ông có ghé nhà lão uống trà là được” (tr.15).

Nghĩ mãi cụ Huỳnh mới nhớ ra: “Ngày tháng 10 năm ngoái cùng người bạn đi đò từ Phố về Tam Kỳ theo đường sông, có ghé một cái nhà chài bên bờ sông nghỉ trưa, cùng chủ nhà là một người già nói chuyện. Ông già có ý lưu luyến, nhưng tôi có việc nên uống trà xong thì đi, không ở lại được. Có lẽ Lão Phổ là ông già chủ nhà ở bến đò Hòa Thanh này chăng?” (tr.14, 15).

Ngày đó phương tiện đi lại khó khăn, thông tin liên lạc chưa có, việc ông già bán mắm nhận chuyển tin tức cho gia đình cụ Huỳnh quả là một nhiệm vụ nặng nề. Điều đó nói lên một cách đầy đủ tình cảm mà ông lão dành cho Huỳnh Thúc Kháng!

Nói về sự kiện này Huỳnh Thúc Kháng đã viết: “Bình sanh giao du bạn hữu, nơi nào cũng có, từ cảnh gặp hoạn nạn, phần đông người quen đều tránh xa không dám lại gần. Trái lại, một lão nhà chài, chỉ tình cờ biết nhau trong chốc lát, mà bác chài ấy đã tìm phương kiếm nẻo, không từ khó nhọc, cố tìm cách gửi lời thăm viếng để an ủy trong lúc buồn rầu. Rõ là người đời biết nhau không nên xem tướng bề ngoài nhỉ” (tr.15). Và vì vậy khi bắt đầu câu chuyện cụ Huỳnh đã cảm khái: “Mới gặp như bạn cũ, bạc đầu như người lạ” (tr.15)

Trước nghĩa cử của Hòa Thanh Lão Phổ, Huỳnh Thúc Kháng đã viết tặng ông một bài tứ tuyệt:

Trầm trầm địa ngục chích thân cô
Trù nẳng thân bằng nhứt tự vô
Phiến ngữ ân cần lao thám ủy
Hòa Thanh Lão Phổ giả thôn phu.

Và tự dịch:

Mình côi ngục tối cảnh âm trầm
Một chữ thân bằng cũng vắng tăm
Lựa có Hòa Thanh già Phổ nọ
Ân cần gửi thấu bức thư thăm.

Câu chuyện nhỏ đã cho thấy nét đẹp trong  văn hóa ứng xử của những người dân chài dù ít học ở làng Hòa Thanh và nhất là hiểu thêm tình cảm mà người dân đã dành cho các lãnh tụ của phong trào Duy tân ngày ấy. Đọc lại, ta yêu họ biết bao!


 LÊ THÍ

Comment

Facebook Instagram Youtube Twitter Google+ Top