Kostas Sarantidis - Nguyễn Văn Lập và duyên nợ với Quảng Nam

Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, chiến sĩ quốc tế Kostas Sarantidis người Hy Lạp, tên Việt Nam là Nguyễn Văn Lập đã qua đời hôm 25.6.2021. Đồng đội và những ai ngưỡng mộ ông đều vô cùng tiếc thương. Ông đã có một hành trình phi thường và đã 7 lần trở lại Việt Nam. Riêng với Quảng Nam, ông có nhiều ân tình sâu đậm.

Từ khoai lang Trà Đõa...

Tôi có một lần đươc gặp ông, đó là năm 2011, khi Bộ Tư lệnh Quân khu 5 đón tiếp chiến sĩ quốc tế về thăm Đà Nẵng (lần thứ 5). Ông từ Hy Lạp qua Việt Nam dự Đại hội thi đua yêu nước lần thứ VIII, sau đó trực tiếp Chủ tịch nước trao Huân chương Hữu Nghị và quốc tịch Việt Nam cho ông (ông được trao danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân vào năm 2013).

Người lính của Trung đoàn lê dương số 2 quân đội viễn chinh Pháp năm 1946 bỏ ngũ về với hàng ngũ kháng chiến làm lính Liên khu 5 nay được vinh danh trang trọng. Niềm hân hoan này lan tỏa trên gương mặt phúc hậu và dường như nhân lên gấp bội trong không khí ấm áp chân tình. Ông nói: “Năm ngày nay về Đà Nẵng được Quân khu 5 bố trí ăn nghỉ chu đáo, nay lại gặp mặt, tặng quà. Liên khu 5 yêu dấu luôn trong trái tim tôi!”.

Ông Kostas Sarantidis (thứ 4, từ trái qua) gặp gỡ cựu chiến binh Trung đoàn 803 và 108 vào tháng 1.2011. Ảnh HỒNG VÂN
Ông Kostas Sarantidis (thứ 4, từ trái qua) gặp gỡ cựu chiến binh Trung đoàn 803 và 108 vào tháng 1.2011.
Ảnh HỒNG VÂN


Câu chuyện về Liên khu 5 với những mảnh đất, con người bình dị qua lời kể của ông làm mọi người xúc động. Với vốn tiếng Việt khá sõi, ông kể đặc điểm từng vùng miền với sự thích thú. Hình như tỉnh nào của Liên khu 5 cũng có dấu chân ông gắn với kỷ niệm kháng chiến. Bao nhiêu năm rồi mà ông vẫn nhớ từng món ăn dân dã mà các má, các chị đã dành tặng cho bộ đội mỗi khi qua làng…

Ông kể, lần trở lại Việt Nam đầu tiên, được đồng đội cũ chiêu đãi bằng đĩa khoai luộc, ông đã nói ngay: “Khoai lang Trà Đõa đây rồi. Làm sao tôi quên được hương vị quê hương”. Ông còn nhắc đến món khoai chà xứ Quảng mà ông cho là ngon hơn bất cứ loại lương khô nào.

Luôn cho rằng “mình đã làm được gì đâu”, nên ông ít khi nhắc về những năm tháng đầu trần chân đất, sát cánh cùng với chiến sĩ Liên khu 5 chiến đấu chống Pháp, chuyện bắn máy bay, chuyện làm Tổng giám thị trại giam và cảm hóa tù binh, chuyện kết nạp Đảng…, mà kể rằng, cuộc đời ông luôn biết ơn phụ nữ Việt Nam.

Ông nhắc lại một câu chuyện đã lâu với giọng rưng rưng: “Lần ấy ở Thăng Bình, Quảng Nam, mình vừa ốm dậy thèm ăn, lại được đồng bào mang đến cho rất nhiều món ngon nên ăn lấy ăn để. Hậu quả là bội thực, suốt đêm đau bụng quằn quại tưởng không qua nổi. Một bà má thấy vậy hỏi căn do rồi nói: Để má chữa cho. Mình thấy má xuống bếp, xách cái thớt từng băm thịt cá ra cạo cạo. Má lấy bột thớt hòa với nước bảo mình uống. Uống xong, mình nôn thốc tháo, cơn đau cũng dứt. Mình chắp tay: Con lạy má, má đã cứu con. Có lẽ đây là thứ thuốc đặc biệt, thế giới không đâu có, chỉ có ở tấm lòng các bà má nông dân lam lũ. Giá như má còn sống tôi sẽ lại về thăm má”.

Ông kể, luôn dành nhiều thời gian thăm lại chiến trường xưa và những gia đình cưu mang mình. Lần thăm lại nhà ông Chánh Ba, nơi ông đã bắn rơi máy bay Pháp ở làng Phước Thành, gần ga Phú Cang (Thăng Bình) vào tháng 6.2010, ông nhắc cả tên cô Sáu con của chủ nhà và hỏi thăm làm cho ai nấy đều bất ngờ.

...Đến bánh tổ qua Athens

Đại tá Võ Văn Minh, quê Thăng Bình, đồng đội từ thuở ở Trung đoàn 803 thời chống Pháp với ông Kostas Sarantidis, dành những lời trìu mến về người bạn đặc biệt. Ông Minh kể: “Năm 2005, tôi tình cờ đọc một bài báo về ông Nguyễn Văn Lập với lời nhắn “Bạn bè Quân khu 5 có ai còn nhớ tôi không?”.

Tôi nhớ ngay đến người bạn quốc tế này. Ở với anh ấy gần 2 năm, sau đó anh tập kết ra Bắc rồi 1965 đưa vợ con về lại Hy Lạp thì tôi mất tin tức”. Sau khi nối được liên lạc, ông Lập cấp tốc bay sang Đà Nẵng. Khó có thể nói hết tấm lòng của ông dành cho Việt Nam. Nhớ lần bán cuốn sách tự truyện “Vì sao tôi theo Việt Minh?” cho kiều bào, ông thu được 2.700 euro và tặng cả cho Hội Nạn nhân chất độc da cam Đà Nẵng.

Đợt nhận Huân chương Hữu nghị ông cũng gửi số tiền thưởng cho Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Quảng Nam, gọi là chút quà thơm thảo với các mẹ đã từng cưu mang ông xưa kia. Mỗi khi đồng bào miền Trung bị lũ lụt, ông đều quyên góp ủng hộ.

Ông Minh nói “anh Lập thích ăn bánh tổ lắm. Bánh Hội An luôn cho là số 1”, và kể: Năm 1949 hai ông đã có cái tết cùng nhau. Đó là khi ông Lập từ bỏ hàng ngũ lính lê dương, tìm cách giải thoát cho 25 cán bộ, đồng bào bị địch bắt ở Phan Thiết và cùng họ đem theo một số súng đạn về hàng ngũ kháng chiến. Chiếc bánh tổ các bà má xứ Quảng trao cho khiến chàng lính Hy Lạp mãi nhớ không nguôi. Lần đưa ông Lập về nhà ăn bữa cơm đầu năm, gia đình biết ý đã chuẩn bị cho bạn những hộp bánh tổ Hội An thật ngon, ông Lập ăn cả chiếc, để nguội vậy chứ không chiên dầu...

Từ sau năm 2015 đến nay, ông Nguyễn Văn Lập chưa trở lại Việt Nam thêm lần nào, bởi sức khỏe ngày càng yếu. Ông Minh thường nói chuyện với bạn qua internet. Mỗi lần nói chuyện, ông Lập bày tỏ sự xúc động với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và quân đội Việt Nam. Từ nhiều năm nay, đặc biệt dịp sinh nhật tuổi 90 của ông năm 2017, Bộ Quốc phòng, Quân khu 5, Ban liên lạc truyền thống Trung đoàn 803 gửi quà cho ông qua con đường ngoại giao. Với ông Minh, quà gửi cho bạn dịp tết hằng năm luôn có những chiếc bánh tổ. “Bây giờ thì không còn niềm vui dịp tết gửi bánh tổ cho bạn nữa. Mới nghĩ thế thôi mà đã nao lòng” - ông Minh ngậm ngùi.


 HỒNG VÂN

Comment

Facebook Instagram Youtube Twitter Google+ Top