Trận đánh Mỹ cuối cùng ở Quảng Nam - Đà Nẵng

Trước năm 1975, địa bàn xã Trà Đốc, huyện Trà My (nay thuộc huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam) là vùng đồi núi hiểm trở sát dòng sông Tranh, nằm trên tuyến hành lang huyết mạch nối đồng bằng Quảng Nam với khu vực Tây Nguyên, án ngữ đường tiếp vận, chuyển quân từ Bắc vào Nam của cách mạng, là khu vực hoạt động của các đơn vị bộ đội chủ lực, các cơ quan của Khu ủy 5.

Trong hoạt động quân sự tại Quảng Nam-Đà Nẵng, Mỹ rất muốn xây dựng tại đây một cứ điểm quân sự vừa khống chế tuyến giao thông của Quân Giải phóng tại hai huyện Trà My, Tiên Phước và một vùng rộng lớn ở miền tây đất Quảng, kiểm soát và bịt kín các cửa ngõ nhằm triệt tiêu nguồn tiếp tế lương thực, thực phẩm, thuốc men, vũ khí từ miền xuôi lên vùng giải phóng và ngược lại; ngăn chặn con đường tiếp vận Bắc-Nam của cách mạng, lại vừa làm tiền đồn bảo vệ từ xa cho sườn tây nam Khu liên hợp quân sự Chu Lai của Mỹ và quân đội Sài Gòn.


Cứ điểm đồi Mun Luốk đổ nát sau cuộc tấn công của Quân Giải phóng. (Ảnh tư liệu)

Đầu năm 1970, sau khi thực hiện nhiều đợt hành quân càn quét, Mỹ đã đổ quân xuống đồi Mun Luốk để xây dựng một cứ điểm hỗ trợ hỏa lực. Đỉnh đồi Mun Luốk cao hơn khu vực chung quanh, khá rộng và bằng phẳng, có hai mỏm cao gần bằng nhau, ở giữa võng xuống trông như hình yên ngựa, nên dân địa phương cũng gọi là đồi Yên Ngựa.

Do đồi Mun Luốk nằm ở xã Trà Đốc, nên người Việt Nam gọi đây là Cứ điểm đồi Mun Luốk, hoặc Đồn Trà Đốc, hay gọi tắt là Đồn Xã Đốc. Phía Mỹ gọi tên vị trí này là Cứ điểm Hỗ trợ hỏa lực Mary Ann (Fire Support Base Mary Ann, viết tắt là FSB Mary Ann).

Cứ điểm đồi Mun Luốk có sân bay dã chiến, trận địa pháo tầm xa, trụ sở đặt hệ thống liên lạc và máy móc kiểm soát có tầm bán kính rộng. Bao quanh cứ điểm là hệ thống công sự được xây dựng kiên cố với cả hầm nổi và hầm ngầm.

Bên ngoài được rào kín bằng 5 lớp dây kẽm gai và cài mìn dày đặc. Ban đêm, cứ điểm có hệ thống đèn pha để quét sáng chung quanh nhằm phát hiện mọi sự đột nhập từ xa. Hỗ trợ cho cứ điểm này còn có hai trận địa pháo 105mm và 155mm đặt ở Phước Lâm và Tiên Phước; đồng thời máy bay trinh sát, cường kích và trực thăng vũ trang từ căn cứ Chu Lai sẵn sàng cất cánh chi viện 24/24 giờ.

Lực lượng trấn giữ Cứ điểm đồi Mun Luốk chủ yếu là các đơn vị của Tiểu đoàn 1/46 thuộc Lữ đoàn 196 Khinh binh Hoa Kỳ (196th Light Infantry Brigade), với bộ tư lệnh đóng ở Chu Lai (Lữ đoàn 196 Khinh binh lúc ấy thuộc Sư đoàn Bộ binh số 23, cũng gọi là Sư đoàn Americal).

Đó là các đơn vị gồm Đại đội Bộ binh Charlie, Đại đội Bộ binh Alpha của Tiểu đoàn 1/46 và Đại đội C Pháo binh 105mm của Tiểu đoàn 3/16 Pháo binh Hoa Kỳ. Ngoài ra, có thêm một lực lượng của Tiểu đoàn 1/46 chốt chặn ở các vị trí chung quanh để bảo vệ cứ điểm ở vòng ngoài.

Theo tài liệu phía Mỹ, ở cứ điểm lúc đó có 253 người, gồm 231 lính Mỹ và 22 lính Việt Nam Cộng hòa (theo Al Hemmingway, “Sixty Minutes of Terror”, VFW Magazine, N0 3-1996).

Để phá vỡ sự cô lập cho Mật khu Nước Oa của Khu 5 đóng gần đó 7km theo đường chim bay và giải tỏa hành lang nối các căn cứ địa phụ cận ở Quảng Nam với vùng rừng núi Kon Tum, Quảng Ngãi, Bộ Tư lệnh Khu 5 giao nhiệm vụ cho Tiểu đoàn Đặc công 409 tập kích tiêu diệt Cứ điểm đồi Mun Luốk.

Công việc điều nghiên, tiếp cận mục tiêu, vẽ sơ đồ, lên phương án tác chiến được triển khai từ tháng 8-1970, nhưng phải mất đến 8 tháng với 3 lần bị lộ suýt phải hủy bỏ kế hoạch, Tiểu đoàn Đặc công 409 mới có thể thực hiện việc nổ súng vào Cứ điểm đồi Mun Luốk.

Đêm 27-3-1971, 91 cán bộ, chiến sĩ đặc công mang quần cộc, giày vải trang bị súng tiểu liên AK.47, thủ pháo, bộc phá và súng B.40 chia làm 8 mũi, lặng lẽ áp sát mục tiêu. Vào lúc 0 giờ 45 ngày 28-3-1971, mũi chủ công dùng bộc phá mở rào rồi cùng các mũi khác đột nhập vào trung tâm.

Đặc công dùng súng tiểu liên, B.40 và thủ pháo tấn công dồn dập các công sự nổi, trận địa pháo và sân bay dã chiến. Quân địch bị tình huống bất ngờ nên không có sự chống cự nào đáng kể và thương vong khá nặng nề. Số binh lính sống sót chui xuống các hầm ngầm để ẩn trốn hoặc bỏ chạy, nhưng vẫn bị đặc công tiêu diệt bằng thủ pháo ném xuống hầm.

Sau hơn 30 phút tấn công mãnh liệt và làm chủ tình thế, Tiểu đoàn Đặc công 409 đã tiêu diệt và làm tê liệt các đơn vị địch, thu nhiều súng, phá hủy 4 khẩu pháo 105mm và nhiều công sự, hầm ngầm, gây tổn thất nặng nề cho các đại đội bộ binh Charlie, Alpha của Tiểu đoàn 1/46 và Đại đội C Pháo binh 105mm của Tiểu đoàn 3/16.

Địch phải gọi viện binh đến giải cứu và khẩn cấp điều pháo binh những nơi khác bắn cấp tập vào cự ly cách cứ điểm từ 50m trở ra để bảo toàn mạng sống cho số binh lính sống sót. Sau cuộc tấn công chớp nhoáng, bộ đội đặc công rút lui để tránh bị phi pháo của địch chặn đường về.

Trận đánh khiến lực lượng trú phòng của Mỹ tại cứ điểm này bị tổn thất trầm trọng với con số thương vong khá lớn: 30 lính tử trận và 82 lính bị thương nặng (theo Keith William Nolan, Sappers in the wire: the life and death of Firebase Mary Ann, Texas a & M Univ Pr. October 1995). Về phía Quân Giải phóng, có 15 chiến sĩ đặc công đã hy sinh anh dũng.


Bộ đội về Tam Kỳ ngày giải phóng. (Ảnh tư liệu)

Trận đánh này là tổn thất lớn chưa từng có của Tiểu đoàn 1/46, Lữ đoàn 196 Khinh binh trong nhiều năm tham chiến ở Việt Nam, là trận đánh quy mô lớn cuối cùng của quân đội Mỹ trên đất Quảng Nam-Đà Nẵng và Quân khu 5, đồng thời cũng là một trong những thất bại thảm hại của Mỹ trong nỗ lực kéo dài sự hiện diện của mình ở Việt Nam để cứu vãn thế nguy của chế độ Sài Gòn.

Sau thất bại nặng nề ở Cứ điểm đồi Mun Luốk, cả phía Mỹ và quân đội Sài Gòn đều hết sức lo sợ bị Quân Giải phóng tiếp tục tấn công, nên không bên nào dám đóng quân lâu ở Trà Đốc nữa. Tháng 4-1971, Lữ đoàn 196 Khinh binh chuyển ra trú đóng tại Đà Nẵng, Cứ điểm đồi Mun Luốk cũng bị bỏ trống từ đó.

Đến ngày 29-6-1972, Lữ đoàn 196 Khinh binh rời khỏi Đà Nẵng, mang theo “nỗi kinh hoàng khó phai” của những người lính Mỹ sống sót qua đêm bão lửa cuối cùng ấy trên đất Quảng Nam-Đà Nẵng (theo Jim Leach, cựu binh Trung đội 1, Đại đội Charlie, Tiểu đoàn 1/46, Lữ đoàn 196 Khinh binh, Sư đoàn Americal trong http://sitrepvietnam.webs.com/196thlib.htm).

Lữ đoàn 196 Khinh binh cũng đồng thời là lực lượng viễn chinh trên bộ cuối cùng cấp lữ đoàn của Mỹ rút khỏi Việt Nam.

NGUYỄN QUANG TRUNG TIẾN


Comment

Facebook Instagram Youtube Twitter Google+ Top