Trần Cao Vân và bài Nhũ phú

Chí sĩ Trần Cao Vân, một trong những lãnh đạo chủ chốt của Cuộc khởi nghĩa tôn phù vua Duy Tân chống Pháp vào năm 1916 tại Huế, là một nhân vật lịch sử có nhiều điều đặc biệt - từ con người đến thơ văn.

Khu di tích lăng mộ Thái Phiên - Trần Cao Vân trên đồi Từ Hiếu, TP.Huế.
Khu di tích lăng mộ Thái Phiên - Trần Cao Vân trên đồi Từ Hiếu, TP.Huế.

Một chân dung đặc biệt

Trong bài “Địa vị của Thái Phiên và Trần Cao Vân trong cuộc biến ở Huế năm 1916”, ông Phan Khôi dành một đoạn khá dài nói về nhà cách mạng Trần Cao Vân, trong đó có mấy chi tiết đáng chú ý (xin trích nguyên văn và đánh số để dễ theo dõi - NV): (1) “Cao Vân ở làng Tư Phú, giáp giới với làng tôi, vả lại vào lớp trước tôi chẳng bao xa nên tôi biết y khá rõ”. (2) “Người nhỏ thó mà có phong thể. Mặt hơi rỗ, da trắng, râu xanh mà dài, cặp mắt thật sáng, nói tiếng trong mà chuông”. (3) “Thường bịt khăn đen, mặc áo rộng đen và ngồi im lặng đến hàng giờ”. Ông Phan Khôi cũng nói về bài “Nhũ phú” và thuyết “Trung thiên dịch” của cụ Trần như sau: (4) “Hồi đó người ta bắt đầu truyền tụng một vài bài văn của Cao Vân như bài Nhũ phú (bài phú nói về cái vú). Tôi bấy giờ xem văn đã thông lắm; theo tôi thấy thì văn chữ Hán của Trần cũng hoạt, học lực của y so với của mấy ông cử ông tú có lẽ trổi hơn”. (5) “Cái thuyết Trung thiên của Cao Vân, tôi không biết cho rõ, chỉ biết là giữa Tiên thiên và Hậu thiên (hai loại hình của Kinh Dịch xưa - NV)”.

Nói về bản lĩnh của cụ Trần, ông Phan Khôi đánh giá: Đó là (6) “Nhà nho có tâm học”. (7) “Con người có trì thủ”. (8) “Có đôi chỗ tôi phải trọng thị thực tình”. (9) “Thấy thái độ của y lúc đi Côn Lôn (rất bình thản trong buổi đi đày -NV), tôi cứ nhơn nhơn bắt sợ, sợ thằng cha này có lẽ mà/là thánh hiền thật đi mất!”. Cách nói “ngang phè” của nhà báo Phan Khôi - một người ít chịu phục tài ai - về cụ Trần Cao Vân có thể làm nhiều người ngưỡng mộ nhà chí sĩ này rất khó chịu, nhất là nói vào lúc dư âm cái chết lẫm liệt ở pháp trường An Hòa - Thừa Thiên của cụ Trần vẫn còn làm xúc động bao người. Nhưng, phải công bằng mà nhận rằng đó là những phác họa rõ nhất về chân dung và tác phẩm của Trần Cao Vân mà đến nay được xem là đáng tin cậy nhất; bởi nó được kể bởi một người đồng hương, đồng thời, đồng chí hướng và nhất là từng ở chung lao tù để có dịp hiểu rõ về nhau.

Một bài phú đặc biệt

“Nhũ phú” là một bài phú gồm 112 câu biền ngẫu có kết cấu hoàn chỉnh nói về một chủ đề muôn thuở của văn chương Trung Hoa và Việt Nam: thông qua việc diễn tả sự kỳ diệu của nguồn sữa mẹ để nói lên sự kỳ diệu của Trời Đất, sự kỳ diệu của Con Người. Từ trước đến khi bài phú này ra đời, trong văn chương Việt Nam và Trung Hoa, chưa từng có một tác phẩm dài hơi tương tự nói đầy đủ về mọi mặt của “bầu sữa mẹ” một cách tỉ mỉ với rất nhiều thủ pháp miêu tả đến vậy!

Là một người thông thạo nho, y, lý, số và từng tu trong chùa Phật một thời gian, sau đó lại làm thầy phong thủy, thầy tướng số, thầy lang… với mục đích âm thầm liên kết đồng chí chống Pháp, sở học của cụ Trần Cao Vân được rèn luyện trong hành trình nói trên đã bộc lộ qua bài Nhũ phú một cách khá đầy đủ - và tất nhiên là ở dạng rất giản dị để dễ đi vào lòng quần chúng.

Bên cạnh các khái niệm phong thủy về “thiên tinh”, về “địa mạch”, về sự an vị của các vì sao có liên hệ đến sự sinh hóa của nữ tính… bàng bạc trong toàn bài phú, cụ Trần đã vận dụng cái nhìn của một nhà tướng số để mô tả hình sắc bộ nhũ hoa của người phụ nữ trong hai giai đoạn quan trọng nhất của đời người: thuở bắt đầu phát dục, có kinh (chánh thiên quý) và lúc bắt đầu triệu chứng có thai (dĩ triệu nhâm tường). Cũng với cách “xem tướng” ấy, cụ đã chỉ ra hình dạng bầu vú nào chỉ dấu những bà mẹ có khả năng sinh ra những người con tài tuấn.

Cụ Trần đã vận dụng cái nhìn của một thầy thuốc nói lên tính chất trân quý của dòng sữa mẹ - mà tính chất “hơn cả nhân sâm” (giảo thắng ư nhân sâm thập bội) là một ví dụ. Đồng thời cũng với cái nhìn của một thầy thuốc, cụ đã đưa lướt vào bài phú những phương pháp, phương thang Đông y để khuyến nghị các bà mẹ những khi sinh nở khó khăn hoặc có vấn đề khi cho con bú mớm.

Bài phú đã vận dụng các kiến thức Dịch lý để cực tả sự huyền diệu của cơ thể người phụ nữ - mà cái tinh túy nhất là nguồn sữa nuôi con của họ. Cụ viết: “Nữ chi châu thân/ Lý vô bất bị” (Trời đã phú hễ làm con gái/ Cả châu thân mỗi cái đều hay!). Để diễn tả cái cái “hay”, cái “không gì là không hoàn mỹ” mà Trời Đất phú cho cơ thể nữ nhi từ lúc chưa dậy thì đến lúc sẵn sàng thiên chức làm mẹ, cụ Trần đã vận dụng nội hàm các quẻ “Tốn, Ly, Khôn, Đoài” trong sự tương ứng với hành trình phương trưởng của người thiếu nữ - phụ nữ để giải thích. Cụ đã dùng nhiều cụm từ kinh điển thông dụng như “nhất dĩ quán chi”, “dương hồ như kỳ tại”, “ngưỡng chi di cao”, “quang ư tiền, dụ ư hậu”, “đồng thử lý, cụ thử hình”, “xuất hồ loại, bạt hồ tụy”… trong rất nhiều câu biền ngẫu mang nội dung diễn giải theo ý niệm Nho giáo để gợi mối liên hệ tiểu - đại vũ trụ giữa Con Người với Tạo Hóa thông qua các yếu tố bên ngoài (nhũ tượng, nhũ mạo, nhũ văn, nhũ hoa…) và bên trong (nhũ huệ, nhũ ân, nhũ công, nhũ đức…) của hình hài nhũ bộ.

Trong hơn một trăm câu biền ngẫu, cụ Trần đã dùng các thủ pháp để cực tả tính chất tối đại tối linh của bầu sữa mẹ, đã nâng bản thể của bầu sữa mẹ lên thành một thứ Đạo (nhũ đạo). Hiếm có một tác phẩm văn chương cổ nào mạnh dạn nói về các khía cạnh nhạy cảm này một cách rõ ràng mà đầy tính chất thẩm mỹ thuần khiết như bài Nhũ phú nói trên.

*
*                     *

Để kết bài này, tôi xin trích vài đoạn của bài Nhũ phú, bản dịch của ông Trần Công Định, cựu giáo sư trung học Trần Cao Vân - Tam Kỳ.

- Chẳng phải mai mà hoa trăng trắng/ Chẳng phải sen mà nhụy hồng hồng/ Hoa đào trước gió rung rung/ Lá xanh càng tốt, hoa hồng càng tươi/ Độ tuổi tác nhìn coi còn bé/ Bóng dương xuân chưa hé ghềnh âm/ Buồng xuân ngày tháng âm thầm/ Theo đòi nội tắc, tập tành khuê nghi…

- Đã đến lúc nguyệt hoa hơi bén/ Dải yếm đào giấu kín cho hay/ Trơ như đá mạch khó lay/ Ở trong mạch nước hằng ngày tuôn ra/ Nước đào thủy không pha bụi bẩn/ Tựa hoa mai, tuyết trắng trong ngần/ Xinh xinh vẻ ngọc nét xuân/ Chẳng cần trau chuốt, chẳng cần điểm trang…

- Ta trông vú bồi hồi cảm tưởng/ Đủ mạo, nghi, dung, tượng, đức, hoa/ Nên chi mượn bút tả ra/ Tỏ bày ân nhũ đâu là trò chơi/ Hai vú thật đời người rất quý/ Đạo nghĩa cùng ý chỉ tinh thần/ Tiện đây tả phú mấy vần/ Tay cầm ngọn bút lệ rưng đôi hàng/ Nhớ lại lúc còn đang măng sữa/ Nhờ huyết tinh mỗi bữa mẹ cho/ Làm con phận phải nên lo/ Cù lao chín chữ, đền cho trọn nghì …

- Lời cáo thị nên ghi để dạ/ Ước mong cùng độc giả chớ quên/ Ba xuân tấc cỏ báo đền/ Cho tròn chữ hiếu mới nên con người…

PHÚ BÌNH


Comment

Facebook Instagram Youtube Twitter Google+ Top