Thượng Đức- Một mùa về rất mới...

Chỉ có gió reo trên đỉnh đồi, nơi đài tưởng niệm Chiến thắng Thượng Đức (xã Đại Lãnh, Đại Lộc). Khi đã yên rồi những đau thương, vết tích cuộc chiến không còn ám ảnh, mà hiện diện như một bài tráng ca cho lớp lớp thế hệ sau biết đến để tự hào. Trở lại nơi này, tôi đã gặp và nghe họ, những cư dân mới có, cũ có, kể về quê hương mình, từ những ngày đang khác.

1. Họ gọi tên ký ức bằng những cuộc tản cư, bằng tiếng súng, bằng những đợt dội bom rung chuyển hầm bí mật và cả những năm tháng u hoài của một thời đói cơm. Vùng A, đâu chừng mươi, mười lăm năm trước thôi, còn xa xăm lắm phía thượng nguồn Vu Gia, mà nhắc đến cứ tưởng chừng thăm thẳm. Ông Nguyễn Trung Chính (85 tuổi, nguyên Huyện đội trưởng huyện Đại Lộc) đọc cho tôi nghe tên từng khu dồn, từng vị trí di tản dân ngày trước, những điểm cao nơi rất nhiều đồng đội đã ngã xuống. Đã bốn mươi lăm năm, thậm chí xa hơn nữa, nhưng mọi thứ cứ như mới ngày hôm qua đây.

Màu xanh ngút ngàn của vùng A Đại Lộc, nhìn từ khu vực Tượng đài Chiến thắng Thượng Đức. Ảnh: T.CÔNG
Màu xanh ngút ngàn của vùng A Đại Lộc, nhìn từ khu vực Tượng đài Chiến thắng Thượng Đức.

“Chúng tôi đã sống với nơi này từ những ngày gian khổ nhất, hung hiểm nhất. Hết chiến tranh, lại tiếp tục vỡ từng miếng đất, san từng hố bom, không dễ gì mà đất này có đồng ruộng xanh tươi, vườn tược cây trái như bây giờ. Máu đã đổ, rất nhiều, trong đó có bao con em ở miền Bắc đã ngã xuống. Đối với quê, tôi là người hạnh phúc, vì mình được sinh ra, lớn lên, được nhân dân đùm bọc, để bây giờ tôi vẫn may mắn là người đang còn sống. Chiến tranh là phải có hy sinh. Nhưng sự hy sinh đó đã quá xứng đáng, để ngày hôm nay, quê hương này khác đi, từng ngôi nhà, từng con người, từng số phận… khác đi. Không ở đâu xa, cái khác ở đường sá, nhà cửa, ở từng miếng ruộng mảnh vườn, từng mái trường từng bữa ăn giấc ngủ. Từ hồi hạt gạo còn làm “cố vấn” cho một mớ khoai trong một cái nồi, tới ngày hôm nay, không khác sao được” - ông Chính bồi hồi.

“Hoa đã nở, cây kết trái từ giữa những hoang tàn. Ký ức khó nghèo còn rõ lắm, nhưng không phải để chạnh lòng. Người ở đất này đã kiên gan với sông, với núi, như cách họ đã cùng cách mạng đi qua những tháng ngày gian khó nhất của cuộc chiến tranh, đi đến thắng lợi cuối cùng...”.

Cả một chặng đường dài đã đi qua, in dấu trong lòng người cựu binh già, nay như nhen lại niềm xúc động. Nhiều người thời ông Chính, trở về làng, không thấy nhà mình, chẳng nhận ra làng đâu nữa. Loang lổ những vạt đồi, lơ xơ cây cỏ và tiếng chim dáo dác bay lên từ đâu đó dưới những hố bom như một niềm ám ảnh. Mìn vẫn còn sót lại nhiều, và cũng đã có người chẳng may tử vong trong những tháng ngày lật từng miếng đất khai hoang. Vậy mà họ đã ở lại. Sống, hy vọng và tiếp tục đổ mồ hôi xuống để làm xanh lại mảnh đất này. Hoa đã nở, cây kết trái từ giữa những hoang tàn. Ký ức khó nghèo còn rõ lắm, nhưng không phải để chạnh lòng. Người ở đất này đã kiên gan với sông, với núi, như cách họ đã cùng cách mạng đi qua những tháng ngày gian khó nhất của cuộc chiến tranh, đi đến thắng lợi cuối cùng nơi Thượng Đức mùa Thu năm 1974…

2. Khi gian khó đã vơi đi nhiều, câu chuyện của ngày hôm nay sẽ thay cho những ký ức đầy máu và nước mắt. Nơi ngã ba sông, hiện hữu những xóm thôn trù mật, yên bình. An Tân, Trúc Hà, Hà Tân, Đại An, hay bên kia sông là Đông Phước, Dục Tịnh, Ngọc Kinh..., đã xanh lại rồi những bãi biền, ươm thêm niềm tin mới. Nhiều năm trước, ở Đại Sơn, bao người còn khăn gói ngược lên rừng, phá gỗ, chặt cây, kiếm mật ong, tìm lâm sản… Cuộc mưu sinh trắc trở không làm họ giàu lên, những căn nhà dần hoang lạnh vì thiếu hơi người. “Dầu, mây, cây, lá”, bà con cứ quẩn quanh với những thứ nhặt nhạnh, thậm chí trộm từ rừng. Tầm chục năm trước, hộ nghèo ở xã chiếm hơn 2/3. Xã Đại Sơn như lọt thỏm giữa núi và núi, với muôn vàn con số “0”: không điện, không đường, không trường trạm. Cuộc cách mạng thực sự đến nhờ những chủ trương đầu tư, cơ chế chính sách hỗ trợ. Cơ chế chính sách đã cởi trói cho Đại Sơn, cởi trói cho tư duy vốn chỉ quen sống quá phụ thuộc vào rừng của bà con. Trục đường 14B được mở rộng, cùng với quy hoạch giãn dân cư đã giúp nhà cửa mọc lên, hình thành điểm cung ứng nông sản, thực phẩm, hàng hóa và dịch vụ nông nghiệp. Đặc biệt, những năm qua, nhiều người dân khấm khá lên nhờ cây dứa. Đại Sơn nay có hơn 380ha trồng dứa, chưa kể diện tích dứa của bà con ở Đại Hồng, Đại Đồng lên trồng. Cây dứa ở Đại Lộc đã có thương hiệu, có thể đánh bật sản phẩm của các vùng khác. “Tận dụng cơ chế chính sách, chúng tôi đã đầu tư, nhân rộng các mô hình kinh tế, đặc biệt là kinh tế rừng. Hiện nay, địa phương chú trọng chỉnh trang, quy hoạch phát triển và trồng rừng, đưa một số chương trình trồng cây gỗ lớn, cây bản địa có giá trị kinh tế cao để khôi phục. Ngoài ra, Đại Sơn ưu tiên kinh tế trang trại kết hợp với trồng trọt, chăn nuôi. Bà con đã thành lập 3 hợp tác xã, đăng ký thành lập 17 tổ hợp tác, trong đó người dân tự bỏ vốn kinh doanh đa ngành nghề hoặc chăn nuôi, trồng rừng, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Địa phương dang đề xuất huyện kết nối, kêu gọi một số công ty xí nghiệp liên quan đến sản xuất nông nghiệp, trồng dược liệu, hoa màu hoặc mở trang trại chăn nuôi giá trị kinh tế cao, đảm bảo an toàn sinh học, chế biến lâm sản phụ từ rừng về đầu tư…” - ông Lê Văn Tuân, Bí thư Đảng ủy xã Đại Sơn hồ hởi nói. Nghe chừng như trong câu chuyện của ông bí thư xã đang có một sự chuyển dịch thầm lặng nhưng đầy mạnh mẽ ở nơi này, nhất là khi Đại Sơn đang tìm cách vươn mình, kết nối với các vùng khác.

3. Con đường độc đạo là tỉnh lộ 609 thông về đồng bằng cứ như cánh cửa quá nhỏ so với dáng hình của một vùng: Đại Hưng, Đại Lãnh, Đại Sơn, khiến cuộc trở mình của đất này cứ nhọc nhằn hơn nơi khác. Ông Ngô Xuân Yến - Chủ tịch xã Đại Lãnh nói, giao thông là cái khó, khiến cho Đại Lãnh nói riêng và vùng này nói chung chưa thực sự bứt phá về câu chuyện làm kinh tế. “Khó vậy, nhưng không có nghĩa là không phát triển. Dù địa thế như vậy, nhưng giá trị thương mại, dịch vụ đạt tỷ lệ cao nhất, 6 tháng đầu năm nay đã gần 100 tỷ đồng. Trong khi đó, địa phương vẫn đang phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp song song với duy trì diện tích lúa, màu và vườn rừng trên đất dốc. Đặc biệt, thời gian qua việc thông thương đi lại với các xã ở huyện Đông Giang khá phát triển, Đại Lãnh trở thành trung tâm trao đổi, cung cấp hàng hóa cho nhiều xã lân cận. Đặc biệt, nhiều hộ có rừng sản xuất, trồng cây nguyên liệu giấy mang về giá trị kinh tế cao. Một ưu thế nữa là người dân địa phương khá thuần, những chủ trương, chính sách triển khai đạt được sự đồng thuận, tạo được động lực để chúng tôi tính toán những bước đi dài hơi, chiến lược hơn” - ông Yến chia sẻ.

Cây dứa trở thành cây trồng mang lại giá trị kinh tế khá cao ở Đại Sơn. Ảnh: N.TRÚC
Cây dứa trở thành cây trồng mang lại giá trị kinh tế khá cao ở Đại Sơn.

Những gam màu sáng đang đầy hơn ở vùng quê Thượng Đức, như màu xanh của cây rừng lấp dần công sự, hố bom. Không lặng lẽ, cô độc và trơ trọi cuối con đường ĐT 609, đường ĐH 12 lên Đại Sơn và cả con đường cũ này sẽ được mở rộng, kết nối các xã và mở một cánh cửa lớn khác sang Đông Giang. Huyện đã sớm tính toán việc mở rộng giao thương, kết nối những địa chỉ đang là tiềm năng du lịch như suối nước nóng Thái Sơn (xã Đại Hưng), Bằng Am (xã Đại Hồng) với dự án Khu du lịch sinh thái Cổng Trời (Đông Giang), cùng với những cung đường quen thuộc của du khách từ Đà Nẵng, Hội An qua hay từ Tây Nguyên xuống, gắn với di tích Chiến thắng Thượng Đức để làm sống dậy một miền đất. “Với những đặc thù hiện có của vùng đất, nhiều năm qua, huyện đã quan tâm đầu tư cho vùng Thượng Đức. Cùng với việc tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng của quê hương, chúng tôi đã phối hợp với các ngành trùng tu, tôn tạo cho di tích lịch sử cấp quốc gia Chiến thắng Thượng Đức, xem đây là “địa chỉ đỏ” quan trọng. Điều đáng mừng là hiện nay, cầu Hội Khách - Tân Đợi đã có quyết định đầu tư, đang xúc tiến xây dựng trong thời gian tới, từ đó có thể kết nối với tuyến quốc lộ 14B, mở lối cho chiến lược dài hạn hơn về phát triển kinh tế, trong đó chú trọng về thương mại, dịch vụ du lịch, kinh tế rừng…” - ông Nguyễn Công Thanh, Bí Thư huyện ủy Đại Lộc thông tin.

“Mắt ngọc của rồng” thôi khói súng. Giờ là lúc để kể câu chuyện tương lai, với một mùa về, rất mới…


THÀNH CÔNG


Comment

Facebook Instagram Youtube Twitter Google+ Top