Thăng Bình- Di tích Kinh đô Đồng Dương

Nên chăng khi nâng cấp Phật viện Đồng Dương thành Di tích lịch sử cấp quốc gia đặc biệt nên đưa tất cả di tích còn lại ở kinh đô Đồng Dương cũ vào danh mục phải bảo vệ và bảo tồn để còn hy vọng một ngày nào đó các di tích này sẽ được… đánh thức!

Làng cộng cư Chăm - Việt

Làng Đồng Dương, nay là thôn Đồng Dương, xã Bình Định Bắc, huyện Thăng Bình là một làng cổ của Quảng Nam. Đặc biệt hơn có lẽ đây làng “người Chiêm ở lại” sau biến cố năm 1471, và cũng là làng tiêu biểu của “cộng cư Chăm - Việt”. Nói như vậy vì, Đồng Dương chính là kinh đô Indrapura của người Chiêm thời kỳ 875 - 982. Văn bia Đồng Dương I cho biết năm 875, người Chiêm chuyển đô về phía bắc lập nên kinh đô Indrapura “được trang hoàng lộng lẫy như thành đô của thần Indra trên thiên giới”. Kinh đô này tồn tại hơn 100 năm cho đến năm 982 khi “vua (Lê Đại Hành) cất quân vào đánh… thu được vàng bạc châu báu cả vạn, san bằng thành trì, phá hủy tông miếu” (theo Đại Việt Sử ký toàn thư), người Chiêm mới dời đô trở lại phía nam và “kinh đô này vẫn còn dấu tích với thành quách lâu đài thuộc loại đẹp nhất còn lại cho đến đầu thế kỷ 20 của đất nước Chiêm Thành xưa” (Hồ Trung Tú, Có 500 năm như thế, Nxb Đà Nẵng, 2012, tr.229)

Mặt khác, những người họ Trà ở Đồng Dương (với 120 hộ chiếm hơn 40% dân số của thôn) cũng cho rằng thủy tổ của tộc Trà ở đây là ông Hai Lánh, một người có huyết thống 100% Chiêm Thành nhưng lại bị “mang tiếng” là đứa con lai giữa một công chúa Chiêm xinh đẹp với một hoàng tử Đại Việt hào hoa. Sau này hai người con của ông Hai Lánh là Trà Huyền An và Trà Huyền Chơn được dân làng Đồng Dương coi là những “vị tiền hiền” của làng dù bị xếp sau 2 người Kinh khác có công lập làng là Châu Văn Túy và Trịnh Khắc Thiệt.

Sơ đồ khu di tích Kinh đô Đồng Dương. Nguồn: Cao Quang Tổng
Sơ đồ khu di tích Kinh đô Đồng Dương. Nguồn: Cao Quang Tổng

Hồ Trung Tú trong tác phẩm đã dẫn cho biết: “Truyền thuyết kể, ngày xưa không biết vì lý do gì hai nước Chiêm - Việt nổ ra chiến tranh. Vua Việt tiến đánh quân Chiêm ở tận Đồng Dương. Quân Chiêm thua chạy lên núi, nhiều người bị bắt. Đặc biệt trong đám hàng binh, vua Việt phát hiện có một nàng công chúa xinh đẹp. Ngài bèn bắt về để làm vợ cho một vị hoàng tử, nhưng ngài hoàn toàn không biết nàng công chúa này đã có thai. Ra Bắc (ông Hai Lánh) được nuôi dưỡng giữa kinh thành Thăng Long, học đủ chữ thánh hiền nhưng ông vẫn không nguôi quê hương nguồn cội  nên đã tìm đường về lại Đồng Dương. Ở Đồng Dương ông lấy vợ và sinh hai người con đặt tên là Trà Huyền An và Trà Huyền Chơn có tên tục là ông Chóng và ông Đụn. Hai ông trở thành thủy tổ dòng họ Trà ở Đồng Dương” (tr.230).

Tuy là làng cổ nhưng đặc biệt khi tra thư tịch cổ thì không tìm thấy địa danh Đồng Dương. Ô châu cận lục (1555) đã đành (vì chỉ kể tên 66 làng nằm ở phía bắc sông Ly Ly), cả Phủ biên tạp lục (1776) cũng không thấy dù các làng khác bên cạnh như Nho Lâm, Đồng Đức, Châu Đức, Vinh Hoa, Lộc Sơn… lại có. Lẽ nào cho đến thời điểm này Đồng Dương vẫn còn là một làng thuần… Chăm giữa những cộng đồng Việt đông đúc!

Phải đợi đến Địa bạ Gia Long (1814 - 1818), làng Đồng Dương mới được xác định.  Sang  Đồng Khánh địa dư chí (1877 - 1880) thì làng  Đồng Dương mới được khẳng định, là một trong 29 xã, thôn của tổng Chu Đức Trung, huyện Lễ Dương.

Sau Cách mạng Tháng Tám, Đồng Dương thuộc xã Thăng Lâm; suốt thời kỳ từ 1954 đến 8.3.2003 Đồng Dương thuộc xã Bình Định. Từ ngày 8.3.2003 đến nay, thuộc xã Bình Định Bắc.

Nên gọi là Kinh đô Đồng Dương thay cho Phật viện Đồng Dương?

Lâu nay khi nói về Đồng Dương phần lớn các nhà nghiên cứu chỉ tập trung vào Phật viện Đồng Dương, các di tích khác ít được đề cập một cách đầy đủ kể cả việc công nhận di tích cũng chỉ công nhận Phật viện Đồng Dương là Di tích lịch sử cấp quốc gia đặc biệt thay vì cho cả Kinh đô Đồng Dương. Việc này gây ra những hiểu lầm nghiêm trọng, khi nói về Đồng Dương người ta chỉ nghĩ đây là một tu viện Phật giáo của người Chiêm chứ không phải là một kinh đô trong đó có tu viện Phật giáo. Mặt khác khi chỉ công nhận Phật viện Đồng Dương là di tích vô tình người ta đã loại các di tích khác bên ngoài Phật viện. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến ý nghĩa của di tích cũng như đến việc bảo vệ để bảo tồn. Ở nước ta có một nghịch lý là những di tích khi chưa có điều kiện để nghiên cứu và bảo tồn thì không được bảo vệ. Đến khi có điều kiện để khảo cứu, bảo tồn thì đã bị phá tan hoang không còn gì để nghiên cứu, bảo tồn nữa.

Tháp Sáng, di tích trong Phật viện Đồng Dương!
Tháp Sáng, di tích trong Phật viện Đồng Dương

Nên nhớ Đồng Dương là kinh đô Indrapura của người Chiêm tồn tại hơn một thế kỷ (từ 875 - 982). Mà thời đó do ảnh hưởng của tôn giáo nên ở Ấn Độ cổ đại và các nước chịu ảnh hưởng của văn hóa Ấn Độ tại Đông Nam Á, vua được coi như hóa thân của thần linh trên mặt đất. Do vậy bao giờ trong một đô thành cũng hiện diện hai khu vực quan trọng nhất và mang ý nghĩa biểu tượng nhất là khu cung điện và khu đền thờ. Tách Phật viện Đồng Dương ra khỏi khu Hoàng cung thì coi như Di tích Đồng Dương chỉ còn chưa được… một nửa và không thể hiểu được bối cảnh văn hóa chính trị của người Chiêm thời đó.

Thực ra hiện nay Di tích Kinh đô Đồng Dương vẫn còn hiện diện 4 cụm di tích:

Cụm 1: Phật viện Đồng Dương, nằm ở phía tây của hệ thống di tích, khu vực mà hiện nay đã được quy hoạch thành Di tích lịch sử cấp quốc gia đặc biệt với sự tồn tại của tháp Sáng.

Cụm 2: Hoàng cung cũ, nằm ở vị trí Ao Vuông, phía sau trụ sở UBND xã Bình Định Bắc. Thực ra trụ sở này  hiện nay nằm trên bờ bắc của Hoàng cung cũ. Theo Tiến sĩ Lê Đình Phụng ở Viện Khảo cổ thì “khu vực này xưa nằm trên một quả đồi nhân tạo dạng lũy thẳng góc chạy dọc theo Ao Vuông. Trên đồi là một cái ao có kích thước 100 x 180m. Đất đào ao được đắp thành dạng lũy vuông vức và bằng phẳng chạy vòng theo Ao Vuông. Lũy có cạnh trong cách mé nước Ao Vuông độ 30 mét. Bao quanh Hoàng cung là thủy hào nhân tạo. Nước trong thủy hào dẫn từ suối Bà Đăng về. Toàn bộ khu Hoàng cung có kích thước độ 260 x 340m, hướng hơi lệch về tây bắc (Đối thoại với nền văn minh cổ Chămpa, Nxb KHXH, Hà Nội 2015, tr.196, 197)”. Hoàng cung được nối với Phật viện bằng một con đường rộng 10 mét dài 750 mét.

Cụm 3: Thành Vuông nằm ở phía đông Ao Vuông gần nơi hai con suối Ngọc Khô và Bà Đăng gặp nhau. Thành Vuông án ngữ con đường dẫn vào Hoàng cung ở hướng đông. Chiều dài của thành là 110 mét. Bốn góc thành đều có dấu tích tháp canh. Thành được xây dựng ở vị trí đỉnh đồi, cao nhất. Các nhà nghiên cứu cho đây là đầu não về quân sự của vương quốc vào thế kỷ 10. Thành Vuông nằm cách Hoàng cung khoảng 1km.

Cụm 4: Hệ thống các tháp canh nằm ở phía tây của hệ thống di tích, gần nơi gặp nhau của suối Ngọc Khô và sông Ly Ly (cách cầu ông Triệu 1.000 mét về phía thượng nguồn con suối). Đây là những tháp canh bảo vệ kinh đô ngăn chặn sự xâm nhập từ bên ngoài thông qua thủy đạo Ly Ly. Cũng theo Tiến sĩ Lê Đình Phụng thì hiện nay chỉ còn 5 tháp canh (4 dọc theo  suối Ngọc Khô và 1 phía bên kia sông Ly Ly).

Thiết nghĩ nên điều chỉnh lại: Kinh đô Đồng Dương (chứ không phải chỉ Phật viện Đồng Dương) là Di tích Văn hóa - lịch sử cấp quốc gia đặc biệt và tất cả cụm di tích (kể cả sông Ly Ly, suối Ngọc Khô và suối Bà Đăng) đều phải được khoanh vùng bảo vệ để chờ đợi cho một dịp về sau khảo cứu đầy đủ!

LÊ THÍ


Comment

Facebook Instagram Youtube Twitter Google+ Top