Tên núi, tên sông ở Quảng Nam xưa

Các sách xưa đã cẩn thận ghi lại những chi tiết về núi, về sông bởi đó là những biểu tượng quan trọng về một vùng đất. Những ghi chép của Đại Nam nhất thống chí - một bộ địa chí do triều Nguyễn soạn vào giữa thế kỷ 19 - phần mô tả về núi, sông ở tỉnh Quảng Nam đã thể hiện rõ điều đó.

Tên núi

Bộ địa chí lớn của triều Nguyễn đã kê tên chữ, tên nôm đồng thời mô tả vị trí địa lý cùng các đặc điểm chính của các ngọn núi ở Quảng Nam xưa (bao gồm vùng Đà Nẵng và Quảng Nam hiện nay) khá tỉ mỉ. Tóm tắt riêng về phạm vi tên gọi, có thể kể (theo thứ tự các huyện ở Quảng Nam hồi giữa thế kỷ 19) theo cách liệt kê của sách ấy như sau:

Huyện Diên Phước có núi Ngũ Hành (hòn Non Nước), núi Châu Thí, núi Đồng Hoạch, núi Bào Nghi, núi Bảo Sơn, hệ núi Mỹ Yên (gồm các núi Tân An, Trinh Sơn, Lập Thạch, Trường Yên, Nam Phúc, Ngọc Kinh, Thuận Yên, Liễu Cốc, Yên Lễ, Thắng Lộc một dải nối liền, đều tùy chỗ mà tên núi khác nhau), núi Trà Sơn (có Hòn Nghê, hòn Mỏ Diều, hòn Ngự Hải, núi Cổ Ngựa).

Huyện Hòa Vang có núi Hải Vân (được sách ghi là “từ các mạch núi Đại Tu Nông, Tiểu Tu Nông, núi Tía, núi Kiền Kiền ở biên giới Ai Lao về phía tây từng đợt kéo đến, ngọn núi trùng điệp cao vút tầng mây, thẳng đến sát biển”), núi Phù Nam (tục gọi là núi Phường Lạc), núi Nam An, núi Hội An, núi Giáo Lao (còn gọi là núi Giáo Đao; lại có tên là núi Chủ Sơn), núi Cảnh Hóa (gần đấy về phía đông có núi Yên Sơn), núi Tượng Võng (tục gọi là núi Lưới Voi; gần đấy có các núi An Trạch, Nam An, Tiêu Sơn, Tĩnh An, Hà Trừng, Hương Lam), núi Dương Sơn (phía đông có nhánh gọi là núi Khang Mỹ), núi Phước Tường (gần đấy có các núi Kỳ Sơn, An Thành, Phú Hòa, Phước Lý, Yến Nê), núi Cẩm Lệ, núi Xuân Sơn.
 

Linh địa Trà Kiệu- Duy Xuyên

Huyện Duy Xuyên có núi Tào giữ vị trí trấn sơn một phương (trải dài thành ba chi: chi tây nam có các núi Tụ Tự, Lộ Phi, Trà Kiệu, Thổ Châu, Thạch Mặc; chi phía nam có các núi Tự Cốc, Xà Thành; chi phía bắc có các núi Thông Sơn, Hàm Long, Chiêm Sơn, Bảo Châu; gần chi phía bắc này có các núi Tượng Lĩnh, Dương Sơn, Nại Sơn, Hương Phúc).

Huyện Quế Sơn có núi Ấn, núi Điệp Thạch (lại có tên là Lai Chủy hoặc Hoành Sơn), núi Châu Sơn (còn gọi là Chinh Sơn; gần đấy có các núi Yên Sơ, Phú Cốc, Lạc Sơn, Gia Cát, Trung Lâm, Hương Ly), núi Trung Phước (gần đấy có các núi Tân An, Đăng Lâm, Phi Thảo, Biếc, Cà Tang), núi Hương Thi, núi Thái Bình (gần đấy về phía nam có các núi Hoành Thạch, Lê Thạch, Chung Phu…), núi Trà Nô, núi Trà Tế, núi Thiết Khoáng, núi Ngọc Sơn.

Huyện Lễ Dương có núi La Vang (còn gọi là núi Chóp Chài), núi Cẩm Yên, núi Hà Lam, núi Chử Dương, núi Xuân Mỹ (gần đấy có các núi Bình Yên, Phú, Xuân Sơn), núi Gia Phúc (gần đấy có các núi Phượng Sơn, Đô Sơn, An Tây, Tây Mỹ, An Xá), núi An Thái, núi Khánh Sơn (gần đấy có các núi Ấn, Cấm, Quy), núi Lâm Phu (phía tây gần đấy có các núi Phú Bình, Trung An).

Huyện Hà Đông có núi Ỷ Môn, núi Chủ Sơn (sách ghi Chủ Sơn “là tổ sơn phát mạch cho cả địa phương”), núi Cẩm Y, núi Vĩnh Phúc (gần đấy có núi Lâm Môn), núi Quế Hương, núi Tử Dương (gần đấy có núi Khánh Dụ), núi Tà Mi (sách ghi “nguồn Chiên Đàn ở đây”), núi Răng Cưa (gần đấy có các núi Vàng Cao, Vàng Lạt và ngôi miếu “cầu vàng”(kỳ kim) có tên Trà Cam), núi Cò Bay (gần đấy có các núi Mai Sơn, Lâm An, Phú Quý), núi Thạch Ông (gần đấy có các núi Thư Sơn, Đồng Sơn, Cà Lư, Đá Trắng, Khoai, Lưới Chim, Đồng Cố), núi Mã Yên (gần đấy có núi Bà Tị), núi Vĩnh Yên, núi Miêu Bông (còn có tên là núi Mỏ Chì), núi Đức Bố (còn có tên là núi Đồng Đỏ), núi Thạch Khoáng (gần đấy có núi Đá Đen), núi Phú Hòa, núi Nha Não (còn có tên là núi Hang Chùa), núi Trà Cai (gần đấy có núi Khánh Thọ), núi Bối Khê, núi Phú Xuân (còn gọi là núi Bàn Than).

Tên sông

Sách Đại Nam nhất thống chí liệt kê và mô tả dòng chảy từ nguồn đến biển của các dòng sông ở Quảng Nam xưa theo thứ tự từ các huyện Hòa Vang, Diên Phước ở phía bắc vào. Nhiều dòng chảy của một số con sông được mô tả tỉ mỉ đến mức người đời sau có thể đối chiếu trên bản đồ được vẽ vào thời mình đang sống để biết được sự thay đổi dòng chảy cũng như sự thay đổi địa danh làng xã hai bên bờ các con sông ấy.

Sông Tiên chảy qua thị trấn Tiên Kỳ (Tiên Phước).Ảnh: PHƯƠNG THẢO
Sông Tiên chảy qua thị trấn Tiên Kỳ (Tiên Phước).

Sách nói trên kê tên các nguyên lưu đổ vào sông Sài Thị như sau: Nguồn Chiên Đàn có ba ngọn sông chảy vào địa phận Trà My, Tiên Phước thành các sông Tranh (Trinh), Trạm và Tiên. Nguồn Thu Bồn đổ vào địa phận Quế Sơn thành tên sông Trường, đổ vào phía đông bắc thành tên sông Thu Bồn. Nguồn Ô Da có hai ngọn sông chảy về xuôi mang các tên sông Bông (còn gọi là sông Ma Vương), Ô Bà, Kim, Ngọc. Các dòng chảy từ ba nguồn trên hợp nhau rồi rẽ nhánh qua các địa phương thành các tên sông Dưỡng Chân, Kẻ Thí, Câu Nhi, Chợ Củi (Sài Thị) trước khi hợp dòng rồi đổ ra của biển Đại Chiêm.

Sách ấy cũng kê tên các sông Cẩm Lệ, Vĩnh Điện đổ ra cửa biển Đà Nẵng; sông Cu Đê đổ ra cửa biển Cu Đê; sông Thạch Bồ ở huyện Hòa Vang đổ vào sông Cẩm Lệ; sông Lang Châu, sông Dưỡng Mông (Bà Rén) đổ vào sông Bàn Thạch thuộc huyện Duy Xuyên. Sách kể tên các sông Hương An (thuộc huyện Quế Sơn), Kế Xuyên (thuộc huyện Lễ Dương) cũng đổ vào cửa biển Đại Chiêm.

Xa về phía nam, sách ghi nhận hệ sông vùng huyện Hà Đông xưa gồm các tên sông Tam  Kỳ, Trúc Tân (Bến Trảy), Bầu Bầu, Tiên Quả, Bản Tân (Bến Ván), có xuất phát trực tiếp hoặc gián tiếp từ nguồn Hữu Bang, đều đổ vào cửa biển Đại Áp.

Sách cũng ghi tên hai dòng sông đặc biệt có dòng chảy gần như song song với bờ biển, gồm sông Phước Yên (nay quen gọi là sông Trường Giang) “ở vùng hạ bạn ba huyện Duy Xuyên, Hà Đông và Lễ Dương, từ sông Bàn Thạch, chảy về phía nam, qua đầm An Thái 88 dặm, phía bắc đến cửa Đại Chiêm, phía nam đến cửa biển Đại Áp” và sông Cổ Cò “ở hạ bạn hai huyện Hòa Vang và Diên Phước, từ xã Thanh Châu phía bắc cửa biển Đại Chiêm, chảy về phía bắc mất 42 dặm, qua phía tây núi Ngũ Hành vào sông Cẩm Lệ đổ ra cửa biển Đà Nẵng”.

Mấy lời kết

Có thể tìm thấy thêm các chi tiết về các ngọn núi và các con sông ở Quảng Nam xưa qua các tư liệu như “Phủ biên tạp lục” (soạn năm 1776), “Đồng Khánh địa dư chí” (soạn vào khoảng các năm 1887 - 1889) và qua tập “Quảng Nam toàn đồ” soạn vào thời vua Tự Đức do gia tộc Nguyễn Hữu bảo quản ở làng Dương Xuân, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên (từng được giới thiệu trong Kỷ yếu “Văn hóa Quảng Nam - Những giá trị đặc trưng” do Sở VH-TT&DL Quảng Nam xuất bản tháng 9.2001 - từ trang 115 đến trang 119).

Đến nay, do thiên tai và chiến tranh, do thay đổi địa danh cùng nhiều lý do khác, nhiều tên núi tên sông đã được gọi khác xưa; nhiều ngọn núi thấp đã không còn (như núi Trà Cai tại Tam Kỳ) hoặc biến dạng; nhiều nhánh sông đã thay đổi dòng hoặc bị bồi lấp (như sông Cổ Cò); hoặc không còn lưu lượng thủy triều mạnh mẽ như mô tả trong các sách xưa. Tất cả cần được nghiên cứu kỹ để giúp xây dựng pháp chế quy hoạch; để không làm biến dạng “thế núi hình sông” vốn đã trở thành các biểu tượng địa linh từ thời mở cõi.

PHÚ BÌNH


Comment

Facebook Instagram Youtube Twitter Google+ Top