Quế Sơn - Chiến lũy đá Hố Hóc Mạng

Ngày mai 24.8, UBND xã Quế An (Quế Sơn) tổ chức đón nhận Bằng xếp hạng Di tích lịch sử cấp tỉnh Hố Hóc Mạng - Rừng già Châu Sơn.

Chiến tranh đã lùi sâu, nhưng ký ức về một thời gian khổ, sống, chiến đấu trong lòng hang Hố Hóc Mạng (thôn Châu Sơn Đông, xã Quế An, Quế Sơn) như vẫn còn nguyên vẹn trong họ, những chàng thanh niên du kích năm xưa, dù bây giờ tóc ai cũng đã bạc màu.

1. Gần 70 tuổi nhưng ông Đặng Ngọc Giáo (thôn Châu Sơn Đông, xã Quế An, Quế Sơn) trông còn khá khỏe mạnh; những tảng đá to hiểm trở vẫn không khiến ông chùn bước. Sau lưng, ông Trần Phú cũng nhanh nhạy trèo qua từng hòn đá, luồn lách xuống những khe đá hẹp dưới lòng Hố Hóc Mạng như hai chàng du kích trai trẻ của gần 50 năm về trước. Dường như với họ, mỗi hốc đá, góc hang đã quá đỗi quen thuộc dù thời gian đã lùi xa và tuổi tác đè nặng lên trí nhớ. “Đây là hố Bà Nhung, còn bên kia là hang Bà Xuyến, hang Bà Thung” - ông Giáo giới thiệu khi vừa đặt chân xuống “căn phòng đá” tương đối rộng rãi nền tráng xi măng mát lạnh.

Năm 1965 ông Giáo tham gia du kích địa phương. Lúc bấy giờ làng Châu Sơn đã là vùng giải phóng. Hàng ngày địch đóng quân trên các điểm núi cao Hòn Chiêng, Dương Là, Dương Trúc, Đá Khảm… khống chế, bắn phá xuống Châu Sơn. Hố Hóc Mạng trở thành nơi trú ẩn thuận lợi cho cán bộ, du kích và gần 300 người dân trong làng cùng hàng trăm lượt cán bộ, nhân dân các xã lân cận như Sơn Thắng (nay là Quế An), Sơn Lộc (nay là xã Quế Minh), Sơn Hòa, Sơn Tây, Sơn An, Sơn Tú (nay là xã Quế Thọ, Hiệp Đức).

Hố Hóc Mạng là một hệ thống hang động liên hoàn nối dài hiểm trở. Ảnh: VĨNH LỘC
Hố Hóc Mạng là một hệ thống hang động liên hoàn nối dài hiểm trở.

Đặc biệt, từ các năm 1970 - 1972 Hố Hóc Mạng còn là nơi ẩn nấu, đóng quân của cán bộ, đoàn văn công tỉnh Quảng Đà và các đơn vị chủ lực của Quân khu 5 như Trung đoàn 31, Trung đoàn 38, Trung đoàn 9 (V600) thuộc Sư đoàn 2 để chuẩn bị đánh địch ở Dương Là, Hòn Chiêng, Cấm Dơi, quận lỵ Quế Sơn… “Ở đây cái chết kề bên cái sống, gian khổ, đói khát, khó khăn, kể cả chút khí trời cũng hiếm, nhưng chúng tôi vẫn trụ bám đánh địch, giữ đất, giữ làng, bảo vệ bà con” - ông Giáo kể. Năm 1971, tổng kết phong trào trụ bám, Ủy ban Trung ương Mặt trận Trung Trung Bộ đã tặng cho làng Châu Sơn 8 chữ vàng “Kiên cường trụ bám giữ vững phong trào”.

Ông Trần Phú - nguyên Xã đội trưởng xã Sơn Long giai đoạn 1969 - 1970 nhớ lại, đội du kích xã thường trực có khoảng 25 tay súng; ban ngày cảnh giới, chống càn, đánh địch bảo vệ dân trú ẩn trong hang. Năm 1968, quân Mỹ đóng quân ở đồi Đá Khảm sát Hố Hóc Mạng càn xuống thôn Châu Sơn, bị du kích phát hiện đánh bất ngờ, hơn trung đội Mỹ đã bị tiêu diệt, ta thu được 10 khẩu súng AR15, hàng chục ba lô và nhiều quân trang quân dụng. “Trong mỗi chiến thắng đều có những hy sinh mất mát, chỉ riêng xã trưởng đã có 7 - 8 anh hy sinh” - ông Phú trầm giọng.

Do địa hình phức tạp, nhiều hố đá lớn, hang động sâu, nên dù nhiều lần địch đổ quân nhằm đánh bật lực lượng quân dân ra khỏi hang nhưng vẫn thất bại. Không chiếm được Hố Hóc Mạng, địch điên cuồng bắn pháo, ném bom, kể cả huy động máy bay B52, B57 và các loại pháo hạng nặng từ đồi Núi Quế, Cấm Dơi bắn lên; dùng mù cay, chất độc dioxin rải xuống hòng tiêu diệt lực lượng cách mạng đang trụ bám tại các hang. “Hơn 10 năm bám trụ, nhân dân thôn Châu Sơn chịu vô cùng gian khổ, đói cơm, lạc muối, củ khoai cõng hạt cơm, cuộc sống vô cùng cơ cực. Khó khăn gian khổ là vậy nhưng người dân vẫn kiên cường trụ bám, một tấc không đi, một ly không rời, quyết tâm theo Đảng đến thắng lợi cuối cùng” - ông Trần Phú tự hào.

2. Ra khỏi chiến tranh, xã Quế An có hơn 600 gia đình chính sách, thương bệnh binh, liệt sĩ, nhưng những mất mát hy sinh cũng đã qua đi nhường chỗ cho sự hồi sinh, phát triển. Cuối  năm 2018, con đường nối từ ĐH9 vào Hố Hóc Mạng đã được bê tông rộng rãi, dấu vết chiến tranh hầu như đã lùi xa vào quá khứ. Những ngọn đồi xung quanh Hố Hóc Mạng một thời bị cày xới bom đạn nay được phủ bởi màu xanh no ấm của bạt ngàn cánh rừng keo tươi tốt. Ngày nay, đời sống người dân làng Châu Sơn, Quế An đã thay đổi rất nhiều, không ít gia đình trở nên khấm khá, năm 2018 tỷ lệ hộ nghèo xã Quế An chỉ còn 4,8% (chưa tính đối tượng bảo trợ xã hội).

Cậu bé Nguyễn Văn Hà ngày xưa bây giờ đã là người đàn ông 57 tuổi, mỗi ngày lại vào Hố Hóc Mạng dựng lều tạm trước cửa hang bán giải khát thức ăn cho khách tham quan. Với ông Hà, Hố Hóc Mạng không chỉ gắn liền với năm tháng tuổi thơ mà còn hiện hữu như niềm tự hào kiêu hãnh; đó là nơi ông cùng bao đứa trẻ đã được sinh ra giữa gian khổ, bom rơi đạn nổ và lớn lên, trưởng thành trong đổi thay của quê hương làng xóm.

Cùng với hai di tích Hòn Chiêng và đình làng Châu Sơn đã được công nhận trước đó, tháng 6.2019 Hố Hóc Mang vinh dự được UBND tỉnh xếp hạng Di tích lịch sử cấp tỉnh. Một sự khẳng định, tôn vinh cho những chiến công của quân và dân Quế An qua suốt 10 năm (1965 - 1975) trụ bám, chiến đấu chống lại kẻ thù.


Hố Hóc Mạng cùng các nhân chứng lịch sử.

Theo ông Phan Văn Cẩm - Giám đốc Trung tâm Quản lý di tích và danh thắng Quảng Nam, đây là điều xứng đáng vì Hố Hóc Mạng không chỉ là một cứ điểm kháng chiến nổi tiếng của vùng Trung Quế Sơn mà còn có vai trò vừa là điểm trú ẩn vừa là nơi nuôi dưỡng, bổ sung lực lượng, sẵn sàng chiến đấu. “Hố Hóc Mạng thực chất là một hệ thống hang đá liên hoàn với nhau, hay đúng hơn là một chiến lũy đá, một địa đạo bằng đá rất hiểm trở. Đây là một di tích lịch sử, văn hóa, sinh thái độc đáo và quý hiếm của tỉnh Quảng Nam” - ông Cẩm nhìn nhận.

Ông Lương Văn Phước - Chủ tịch UBND xã Quế An chia sẻ, với danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân được phong tặng năm 2006, việc xếp hạng di tích cấp tỉnh Hố Hóc Mạng cũng như các di tích trước đó có ý nghĩa quan trọng với người dân làng Châu Sơn nói riêng và xã Quế An nói chung. Bởi, đây chính là sự ghi nhận và vinh danh những chiến công, mất mát, hy sinh mà bao thế hệ người dân Châu Sơn, Quế An đã gánh chịu trong suốt những năm tháng chiến tranh ác liệt.

Rồi đây Hố Hóc Mạng sẽ được nhiều người biết đến không chỉ là một di tich lịch sử mà còn là điểm đến tham quan hấp dẫn với những hang động kỳ bí cùng  những câu chuyện đã trở thành huyền thoại; một “địa chỉ đỏ” giáo dục lý tưởng cách mạng, lòng yêu nước cho các thế hệ thanh niên, học sinh ghi nhớ về một thời gian khổ nhưng vô cùng hào hùng, anh dũng, nơi cha, ông họ đã kiên cường bám trụ, chiến đấu và ngã xuống cho độc lập tự do của quê hương đất nước trường tồn.


VĨNH LỘC


Comment

Facebook Instagram Youtube Twitter Google+ Top