Phù sa Gò Nổi

Cây đa 92 tuổi vừa nằm xuống, để lộ một khoảng trời trống vắng đến nao lòng. GS. Hoàng Tụy (1927 - 14.7.2019), một ngôi sao trên bầu trời toán học quốc tế vừa băng đi, gợi lên bao niềm thương kính. Trong thinh lặng ngồi đọc lại những tư liệu về vùng đất quê hương đã sinh ra người con ưu tú ấy - Gò Nổi, càng ngẫm thấy những điều kỳ lạ và kỳ diệu.

Lạ là, có rất nhiều tên tuổi danh nhân, anh hùng quê vùng Gò Nổi (gồm ba xã Điện Quang, Điện Trung, Điện Phong của thị xã Điện Bàn) đã được tôn vinh khắp nơi trong nước. Phù sa Gò Nổi là cội nguồn của các bậc anh hào chí sĩ như Hoàng Diệu, Phạm Phú Thứ, Trần Cao Vân, Phan Thành Tài, Lê Đình Dương, Phan Thanh… Rồi đến các nhà văn hóa như bác sĩ Lê Đình Thám, học giả Phan Khôi, nhà báo Lương Khắc Ninh; nhà khoa học và nghệ thuật như 5 anh em họ Hoàng (Hoàng Tụy, Hoàng Phê, Hoàng Chúng, Hoàng Quý, Hoàng Kiệt) hay nhà phê bình văn học Lê Đình Kỵ; nhà ngoại giao như Lê Đình Đĩnh, Nguyễn Thị Bình, Ngô Điền; nhà hoạt động chính trị như Phan Bôi, Phan Triêm, Phan Diễn… Đó cũng là quê hương của anh hùng Trần Thị Lý. Thật khó mà kể hết!


Vùng Gò Nổi - Điện Bàn.

Gò Nổi cũng là nơi dừng chân của những bậc thức giả qua các thời kỳ. Khi GS.Hoàng Tụy vào cõi vĩnh hằng, chợt khiến lòng người nao nao tìm về nơi ông đã ra đi từ buổi thiếu thời. Không đâu khác, chính Gò Nổi là nơi tiên phong của vùng “đất học”. Bởi, trước một năm cậu bé Hoàng Tụy sinh ra đã hình thành một ngôi trường nổi tiếng: Trường Bảo An. Ngôi trường ra đời năm 1926, dạy từ lớp năm đến lớp ba. Sau đó  mở thêm hai lớp: nhì, nhất; năm 1928 đủ 5 lớp nên được công nhận là trường tiểu học (sơ yếu).

Chỉ là trường tiểu học mà đã thu hút nhiều thầy giỏi như Huỳnh Tân, Huỳnh Hòa, Phan Hàn, nhà thơ Lưu Trọng Lư, sau này có thêm GS.Lê Trí Viễn, nhà thơ Khương Hữu Dụng… Trường dạy cả chữ Hán, chữ Tây, chữ quốc ngữ. Tôi còn nhớ, trong dịp kỷ niệm 70 năm thành lập Trường Bảo An, GS. Hoàng Tụy đã xúc động trải lòng: “Chính ở đây tôi đã học một cách nghiêm túc, toàn diện với những người thầy, mà sau này, khi chính mình đã ít nhiều từng trải trong nghề giáo, tôi mới nghiệm ra rằng, được học với những người thầy như thế ở Trường Bảo An thời đó thật là diễm phúc. Cho đến bây giờ tôi vẫn còn chưa hiểu hết vì sao và bằng cách gì, trong hoàn cảnh đất nước còn bị đô hộ và toàn dân còn trong nghèo đói và dốt nát, mà các thầy ở một trường nông thôn như Bảo An đã có thể truyền đạt được cho học trò của mình lúc đó niềm khát vọng ánh sáng khoa học chân chính và nhen nhóm trong tuổi thơ của họ những ước mơ sau này biến thành những hoài bão lớn, những lý tưởng lớn, chi phối cuộc đời nhiều người…”.


Điện Bàn đang thay da đổi thịt từng ngày.

Lại ngược về những năm tháng xa xưa, vùng đất học Gò Nổi từng nổi tiếng khi là quê hương của 3 trong 5 con chim phụng, làm nên danh hiệu “Ngũ Phụng tề phi”. Trước đó, Gò Nổi đã vang danh với tên tuổi cụ Phạm Phú Thứ, 5 kỳ thi liền đỗ đầu xứ, tú tài, giải nguyên đến tiến sĩ, trở thành nhà ngoại giao, nhà canh tân của thế kỷ 19. Cụ Phạm được vua Tự Đức tặng cho danh hiệu “Thi Nam Trung, tối duy thiên hạ kỳ” (người ưu tú ở đất Nam Trung Kỳ, kỳ tài trong thiên hạ). Chỉ riêng một xã của Gò Nổi là Điện Quang, qua các khoa thi triều Nguyễn đã có 33 vị đỗ đạt từ cử nhân đến tiến sĩ, trong đó Bảo An có 17 vị cử nhân, 2 phó bảng.

Gò Nổi như tụ khí anh linh sinh ra nhân tài. Nhưng điều quan trọng hơn nếu không có nền móng giáo dục bảo bọc gói hành trang cho những sĩ tử một thời qua sông về đất thần kinh hay đến những miền xa thì làm sao nên danh tiếng? Phù sa được bồi đắp từ bề dày tri thức văn hóa của vùng đất ấy đã tạo nên nỗi khát khao vô bờ của sự học và sáng tạo.


NGUYỄN ĐIỆN NAM


Comment

Facebook Instagram Youtube Twitter Google+ Top