Phú Cốc, Việt An, Hiền Lộc xưa

Vùng trung du nam Quảng Nam xưa là nơi tập trung cư dân đến khai thác sản vật, khai hoang vỡ hóa và thiết lập hệ thống giao thương buôn bán từ rất sớm. Một số làng xã ở vùng ngã ba Tiên Phước - Hiệp Đức - Quế Sơn hiện còn nhiều dấu tích quan trọng.

Từ giai thoại có liên quan nhiều địa danh

Khoảng nửa đầu thế kỷ 20, dân gian nam Quảng Nam từng lưu hành một giai thoại chữ nghĩa được cho là có liên quan đến ba cụ Phan Chu Trinh (Tam Kỳ), Huỳnh Thúc Kháng (Tiên Phước) và Nguyễn Mậu Hoán (Quế Sơn). Chuyện kể: Sau khi cả ba cùng đỗ cử nhân khoa thi năm Canh Tý 1900, cụ Phan cùng cụ Huỳnh ra thăm quê cụ Nguyễn Mậu Hoán ở vùng Đồng Tranh - Phú Cốc (Quế Sơn). Cụ Hoán có người con trai là Nguyễn Mậu Kỳ từng đỗ cử nhân sáu năm trước đó. Dịp này, một trong hai cụ Phan, Huỳnh ứng khẩu tặng cho cụ Nguyễn vế đối: “Phụ Đồng Tranh, tử Đồng Tranh: phụ tử đồng tranh long hổ bảng” (nghĩa: Cha ở Đồng Tranh, con ở Đồng Tranh: cha con lần lượt ghi tên trên bảng vàng). Cái hay của việc chơi chữ trong vế xuất này hẳn ai cũng rõ: “đồng tranh” vừa là địa danh gắn với vùng quê hai cha con ông họ Nguyễn vừa ngụ ý cả hai “cùng chiếm bảng vàng”. Cụ Mậu Hoán cũng tìm địa danh ở địa phương để đối lại, vế đối là: “Quân Gia Hội, ngã Gia Hội; ngã quân gia hội phụng hoàng phi” (nghĩa: Các cụ dự kỳ thi, tôi cũng đi thi cùng khoa; tôi và hai cụ đều cùng gặp nhau ở bảng ghi tên những người thi đỗ - “long hổ bảng/phụng hoàng phi” đều có nghĩa là “tấm bảng yết tên người thi đỗ” - NV). Vế đối này cũng dùng địa danh (làng Gia Hội ở gần đó), cũng chơi chữ, cũng đối từ đối ý rất chuẩn. Giai thoại này được người thời sau truyền tụng nhiều và có nhiều dị bản với nhiều cách kể, cách giải thích khác nhau khá thú vị.

Ngã ba Phú Bình ở Hiệp Đức. Ảnh: PHÚ BÌNH
Ngã ba Phú Bình ở Hiệp Đức. Ảnh: PHÚ BÌNH

Liên hệ về địa danh qua giai thoại trên có thể thấy, vùng xã Phú Cốc xưa có chợ (thôn) Đồng Tranh; ngôi chợ này từng được nhắc trong sách Đại Nam nhất thống chí: “chợ Đồng Tranh gần núi Lâm Phu, núi Phú Bình và núi Trung An” (bản dịch của Viện Sử học, Hà Nội 1965, trang 311). Cũng trong phạm vi huyện Lễ Dương - sau đổi là Thăng Bình, vào thời các vua Đồng Khánh, Thành Thái (1886 - 1907) có xã Gia Hội (trước đó, có tên là xã Hội An) thuộc tổng Chu Đức Trung; xã này có tên trong sách Đồng Khánh địa dư chí (bản dịch PDF online, trang 1.465). Địa phương Phú Cốc, Gia Hội kể trên cùng với các địa phương Việt An, Hiền Lộc đều nằm trong vùng giáp giới giữa hai huyện Thăng Bình và Hiệp Đức hiện nay.

Phú Cốc, Việt An, Hiền Lộc trong tư liệu xưa

Sách Phủ biên tạp lục (bản dịch, Viện sử học Hà Nội, 1964, trang 86) ghi tên “vi tử Hiền Lộc - Phú Cốc” và “vi tử An Việt” đều thuộc huyện Duy Xuyên, phủ Thăng Hoa. Đến đầu thời Nguyễn, địa bạ Gia Long ghi nhận Phú Cốc là một xã thuộc tổng Thuận An Trung huyện Duy Xuyên; còn xã Hiền Lộc và xã An Việt thì thuộc tổng An Việt Thượng thuộc huyện Lễ Dương. Đến thời Đồng Khánh, xã Gia Cốc thuộc về tổng An Lễ Thượng huyện Duy Xuyên còn xã Hiền Lộc và xã Việt An (từ tên An Việt đổi sang) vẫn trực thuộc tổng Việt An Thượng (đổi tên từ tổng An Việt).

Gian chính Đình Việt An. Ảnh: PHÚ BÌNH
Gian chính Đình Việt An. Ảnh: PHÚ BÌNH

Sách Đại Nam nhất thống chí ghi tên chợ Việt An vào hàng các chợ lớn trong tỉnh Quảng Nam (mà không thấy ghi nhận tên chợ Đồng Tranh). Hai chợ này gần nhau, có thể là khi chợ Việt An phát triển, chợ Đồng Tranh co cụm lại và không còn là một chợ lớn như xưa.

Một tư liệu gia tộc ở thôn Gia Thọ, xã Tam Đàn, huyện Phú Ninh có ghi câu chuyện một người ở làng Hiền Lộc, từng làm quan thời Tây Sơn đến chức Tả Đồng Nghị. Ông này có mối thân tình với ông nội của tiến sĩ Trần Văn Dư (1859 - 1885) - thủ lĩnh phong trào Nghĩa hội Cần vương ở Quảng Nam. Ông quan người làng Hiền Lộc này, khi chuẩn bị tham gia cuộc khởi dậy của phong trào Tây Sơn, đã gửi mẹ già của mình cho gia đình ông nội cụ Dư nhờ chăm sóc. Đến khi thắng lợi, làm quan to, ông này về cảm tạ. Trong số tặng phẩm, có hai cỗ quan tài bằng gỗ vàng tâm rất quý để chuẩn bị cho ngày qua đời của vợ chồng ân nhân. Câu chuyện này cũng từng được nhà nghiên cứu Nguyễn Q. Thắng kể lại trong sách “Quảng Nam: Đất nước -  Nhân vật” (NXB Văn hóa Thông tin 2001, trang 178) nhưng có khá nhiều chi tiết sai biệt so với tư liệu gia tộc nói trên!

Dấu xưa còn lại

Ở ngã ba Phú Bình, huyện Hiệp Đức hiện còn một ngôi mộ - được cho là xưa nhất ở vùng này - ở hậu đầu ghi “Tiền hiền Thủy tổ Huỳnh Văn tộc” (Mộ thủy tổ tộc Huỳnh Văn) và bia mộ ghi dòng chính như sau: “Nam châu - Phú Thành - Huỳnh tộc - Thủy tổ - Tân thăng - Quý đồng chi mộ”. “Nam châu” có nghĩa là vùng đất phía nam sông Thu Bồn. Riêng các chữ “Phú Thành” “Tân thăng” và “Quý đồng” người viết bài này chưa tường được nghĩa. Đây là mộ của vị thủy tổ tộc Huỳnh - có thể là một trong các vị thuộc các tộc Huỳnh, Tô, Dương, Võ, Nguyễn… đã đến lập nghiệp đầu tiên trên vùng đất cửa ngõ các xã miền núi này.

Ở chợ Việt An có ngôi đình nằm sau chợ, người địa phương quen gọi là Đình thị (đình chợ) Việt An. Có ba bài vị được thờ trong đình: Tiên linh (giữa), Tiền hiền, Hậu hiền (hai bên). Đình này còn lưu mấy câu đối ở gian chính như sau: “Thánh đức quang thùy thiên cổ trứ/ Thần công hạo đãng vạn niên minh” (Tạm dịch: Đức Thánh chiếu ngời nghìn xưa tỏ/ Công Thần rạng rỡ vạn năm soi) và “Việt miếu trường lưu quảng tiến tài nguyên bằng Thánh trạch/An đình vĩnh cố hoằng khai lợi lộ lại Thần ân” (Tạm dịch: miếu Việt dựng từ lâu, mở mãi tài nguyên nhờ lộc Thánh/ đình An thành chắc chắn, rộng thêm đường lợi bởi ơn Thần). Qua sắp xếp vị trí hai từ đầu của câu đối thứ hai (câu trước là từ Việt, câu hai là từ An), có thể biết câu đối này được viết ra từ khi xã/làng này đã đổi thành tên Việt An. Qua các bài vị, có thể biết đây không phải là đình chợ mà là “đình làng” - nơi thờ các bậc quy dân lập ấp (tiên linh) buổi đầu cùng các bậc được triều đình sắc phong làm tiền hiền (và hậu hiền) của làng về sau. Kiểu thức “trước chợ sau đình” này còn gặp vài nơi ở Quảng Nam xưa - cụ thể là đình Chiên Đàn (nằm sau) và chợ Chiên Đàn (ở ngay trước cổng tam quan đình) thuộc ngôi làng cổ cùng tên của huyện Hà Đông (nay là xã Tam Đàn, huyện Phú Ninh).

Cổng đình Hiền Lộc. Ảnh: PHÚ BÌNH
Cổng đình Hiền Lộc. Ảnh: PHÚ BÌNH

Cách đình Việt An khoảng mấy cây số là đình làng Hiền Lộc. Căn cứ vào một số cấu kiện gỗ còn lưu trữ tại nội đình sau khi trùng tu có thể biết đây là ngôi đình vào hạng trung - tương tự như đình làng Phú Trà (Phú Ninh), đình Mỹ Thạch, đình Phương Hòa (Tam Kỳ). Tại gian chính đình Hiền Lộc có bàn thờ với bài vị ghi “Tiền hiền Nguyễn Tiên sinh chi linh” xác nhận ông họ Nguyễn chính là Tiền hiền làng. Cổng tam quan đình, do bị tô trét xi măng qua nhiều đợt trùng tu, chỉ còn cặp câu đối khảm sứ ở mặt tiền là còn nhận dạng được rõ: “Đạo bất ngoại thị tiến thối hữu nghi/ Dân khả sử do ấp nhượng nhi nhập (Phỏng dịch: Vào ra phải giữ nghiêm trang/ Làm dân phải biết kính nhường lễ nghi). Cặp câu đối ở mặt trong trụ tam quan tạm nhận dạng như sau: “Hương đảng hướng trùng hiến giả xuất tư xuất/ Trai minh dĩ thừa quân tử đăng(?) thần đăng(?)” (Phỏng dịch: Ngày tế lễ theo chân người quân tử/ Buổi hội làng nhường lối bậc hiền nhân). Cùng với các cặp câu đối trên là hai biển ngạch khảm sứ ở chính giữa hai trán cổng tam quan, hai biển ngạch này cũng bị tô trét xi măng làm mất nét, mất chữ. Căn cứ vào các nét còn lại, tạm đoán là các cụm từ chữ Nho ở mặt trước là “Tráng quan chiêm” (nghĩa là: Xây dựng to, đẹp để mọi người chiêm ngưỡng) và mặt sau là “Thông khoa ứng” (nghĩa: Hãy cùng nhau khen ngợi, tán tụng).
 

PHÚ BÌNH


Comment

Facebook Instagram Youtube Twitter Google+ Top