NÔNG SƠN- Lễ công bố quyết định và đón nhận bằng Di sản văn hóa phi vật thể Lễ hội Bà Thu Bồn tại Quảng Nam

Tối ngày 23/3/2021 (11/2 Tân Sửu) tại Dinh Bà Thu Bồn (xã Quế Trung, huyện Nông Sơn, tỉnh Quảng Nam) đã diễn ra Lễ công bố quyết định và đón nhận Bằng công nhận Di sản Văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia Đây là hoạt động mở đầu gắn với Chương trình Kỷ niệm 550 năm Danh xưng Quảng Nam (1471-2021).

Tại buổi lễ, ông Lê Văn Dũng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy  và ông Trần Văn Tân, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam trao Bằng công nhận Di sản Văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia Lễ hội Bà Thu Bồn cho lãnh đạo huyện Nông Sơn. Phát biểu tại buổi lễ, ông Trần Văn Tân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đánh giá cao Lễ hội Bà Thu Bồn là một hình thái lễ hội dân gian được hình thành từ khi người Việt ở phía Bắc di cư đến khai phá vùng đất mới, lập làng xã vào thế kỷ XV, sau đó giao thoa tiếp biến với văn hóa Chămpa, văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số ở miền núi phía Tây Quảng Nam để tạo nên tín ngưỡng thờ Bà Thu Bồn với những giá trị văn hóa đặc sắc và được bảo tồn, phát huy cho đến ngày nay.


Lễ công bố quyết định và đón bằng công nhận.

Dinh Bà Thu Bồn tọa lạc bên hữu ngạn dòng sông mang tên Bà tại địa bàn thôn Trung An, xã Quế Trung, huyện Nông Sơn. Theo tương truyền, Bà Thu Bồn là người hết lòng vì dân vì nước, Bà dạy cho nhân dân biết trồng lúa nước, trồng dâu nuôi tằm, chữa bệnh cho nhân dân, nên sau khi chết người dân nơi đây ngưỡng mộ sự hy sinh và công lao to lớn của bà, đã lập nên ngôi dinh tự thờ Bà. Hằng năm, từ ngày mùng 10 đến ngày 12 tháng 2 âm lịch, bà con nhân dân trong thôn Trung An hội tụ về lăng để tổ chức lễ Giỗ Bà và đã trở thành thông lệ, với mong muốn cầu cho Quốc thái, dân an cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu; thể hiện tinh thần đoàn kết của các dân tộc sinh sống ở vùng thượng lưu sông Thu Bồn. Lễ hội Bà Thu Bồn còn là minh chứng tuyệt vời cho sợi dây cố kết cộng đồng, tinh thần quê hương đất nước mà trong đó vùng đất Nông Sơn là nơi hội tụ, giao thoa, tiếp biến văn hóa giữa miền núi với miền xuôi trong suốt chiều dài lịch sử hình thành và phát triển.


Văn nghệ tái hiện lễ hội.

Lễ rước nước được tiến hành từ sáng sớm ngày chính lễ (12/2 âm lịch) trên không gian rộng lớn từ thượng nguồn sông Thu Bồn về tới Dinh Bà bằng cả thuyền và đám rước bộ với hàng trăm người tham gia.  Sau khi nước được rước về Dinh để tắm rửa Thần vị và dùng làm nước cúng thì cử hành Lễ đại tế tại Dinh Bà. Vật tế là một con trâu đực nguyên con được làm sạch lông, da phết huyết đỏ thắm được cúng cùng một mâm xôi trắng lớn; ngoài ra còn các loại bánh trái đặc trưng phong vị xứ Quảng do dân làng dâng lên cùng đủ loại bánh trái khác từ khách thập phương kết thành hình tháp trước khi dâng cúng Bà Thu Bồn. Phần hội với những hoạt động văn hóa – thể thao như hát tuồng, hô hát bài chòi, hát hò khoan đối đáp, thi kéo co, thi đấu bóng đá, bóng chuyền, hội đua thuyền Lệ Bà, hội thả hoa đăng và đốt lửa thiêng trên những bãi bồi của dòng Thu Bồn. Đến với Lễ hội du khách còn được thưởng thức các món ăn đặc sắc làm từ cá mòi, một loại cá đặc sản ở làng Thu Bồn như : các món mì Quảng nhân cá mòi, gỏi cá mòi, ram cá mòi, chả cá mòi chiên… luôn làm vấn vương bước chân du khách.Khu ẩm thực với các món ăn phong phú như cháo lươn, mì Quảng, bánh tráng đập, trái cây…

Thời gian tới đây, các cấp chính quyền tỉnh Quảng Nam, huyện Nông Sơn sẽ tăng cường bảo tồn, phát huy những giá trị của di sản văn hóa phi vật thể này, nhằm góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho cộng đồng dân cư sống dọc theo hai bên bờ sông Thu Bồn, đồng thời nhằm thúc đẩy phát triển du lịch của địa phương.

PHẠM TỨ .


Comment

Facebook Instagram Youtube Twitter Google+ Top