Ngọt bùi vị khoai cốc hương

Ở Quảng Nam, nói đến khoai cốc hương, mà là cốc hương “chính hãng” phải ngược lên phía trung du, miền núi Quế Sơn, Hiệp Đức, Tiên Phước.

Trong họ hàng nhà khoai, cốc hương “nức tiếng” bởi không có giống khoai nào đẹp mắt lại dẻo dai, vừa bùi vừa ngọt lại thơm đến vậy. Khi mới đào lên ruột khoai có màu hồng tím, để dành lâu ngày màu tím đậm, ngọt hơn. Thi thoảng, nhà có khách quý, má chỉ cần lôi vài ba củ dưới gầm giường ra, gọt qua lớp vỏ ngoài, cứ thế luộc chín đã ngon, bỏ lên thớt đập nhuyễn, đem chấm muối đậu lại trở thành món quà vặt ngon đến “nhức răng”. Siêng hơn một tí thì nấu chè khoai cốc hương. Khoai hầm với một nắm nếp, xóc đầu đũa thấy khoai mềm thì cho đường cát vào, không quên cho thêm một ít gừng tươi giã nhỏ. Múc chè ra chén, ăn nóng thì vừa ăn vừa thưởng thức hương thơm. Chè nguội cho vào tủ lạnh, mỗi khi mở ra hương thơm đã gọi mời.


Khoai cốc hương.

Ở quê, mỗi khi giỗ chạp không thể thiếu nồi canh khoai cốc hương. Bên cạnh các món cao lương mỹ vị, tô canh màu tím thơm lừng trở thành niềm “kiêu hãnh” của đầu bếp. Đặc biệt, nhiều người khi xa quê lại nhớ độc vị món xôi ghế khoai cốc hương. Muốn làm món này, trước hết phải gọt vỏ khoai xắt thành từng miếng nhỏ. Chất lượng nếp nấu xôi cũng quyết định độ ngon của nồi xôi ghế khoai. Từ nhỏ, tôi được má chia sẻ cách nấu xôi ghế khoai cốc hương. Nếp loại mới gặt được vo sạch rồi đổ vừa nước, thêm khoai đã xắt miếng vào cho lên bếp đun. Ngỡ như việc bỏ nếp vào nồi rồi đun lên là vô cùng đơn giản nhưng thực ra nó lại đòi hỏi sự khéo léo và tinh tế rất nhiều. Người nội trợ phải canh lượng nước và lửa sao cho xôi và khoai không quá khô cũng không quá nhão. Xôi chín, khoai ngọt bùi, thơm lừng quyện với vị nếp quê, thưởng thức cùng chén muối đậu, ăn hoài không chán.


PHAN THỊ THANH LY


Comment

Facebook Instagram Youtube Twitter Google+ Top