Ngang qua bến Hục

Bến Hục, làng Phong Thử, xã Điện Thọ, thị xã Điện Bàn nay chỉ còn là con lạch nhỏ bên sông Thu Bồn, nhưng cách đây hơn 100 năm là nơi ghe thuyền tấp nập của Thương hội Diên Phong được Cử nhân Phan Thúc Duyện (1873 - 1944) và các đồng sự của mình lập nên nhằm đóng góp tài chính cho phong trào Duy tân trên đất Quảng Nam…

Vùng đất Duy tân

Ông Võ Đạt, người con rể út của Cử nhân Phan Thúc Duyện, đang sinh sống tại phường Nại Hiên Đông, TP.Đà Nẵng vẫn còn lưu giữ và cung cấp cho chúng tôi bản pho-to của hai tờ sơ đồ quy hoạch toàn bộ chợ Phong Thử và Hội thương Diên Phong thời nhạc phụ ông và các cộng sự xây dựng thương cuộc này trên vùng đất Phong Thử, Điện Thọ. Đây là một tư liệu quý, đánh dấu rõ nét sự bài bản và khoa học trong việc hình thành và phát triển một thương hội ở vùng đất phía bắc Quảng Nam. Sự bài bản này thể hiện qua việc bố trí, thiết kế chi tiết có chủ đích từ khu nhà dân, chợ, rạp hát, sân vận động, trường học, nhà thờ kết nối với bến thuyền (Bến Hục) tạo thành chuỗi liên hoàn trong một khu vực nhưng không bó hẹp mà có yếu tố mở ra với bên ngoài...

Rất tiếc, nhiều dấu vết xưa cũ giờ đã bị lớp bụi thời gian và chiến tranh tàn phá. Nhưng ở làng Phong Thử vẫn còn đó ngôi chợ Phong Thử hàng ngày tấp nập kẻ bán người mua. Chính ở nơi đây, việc buôn bán của thương hội Diên Phong vô cùng sấm uất. Nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Xuân trong tác phẩm Phong trào Duy tân đã viết: “Một nhà lầu, một nhà ngang dài, hai nhà nhỏ để sinh hoạt ăn ở, hàng hóa bày đầy nhà… Hàng vải dệt, tơ sợi, đường đen, đậu mè, dầu phụng thu mua trong vùng được Diên Phong chuyển xuống bán tại Hội An, rồi mua các loại hàng nhu yếu tại đây như mắm muối, vải vóc, dầu hỏa... chuyển về bán lại cho dân”. Và: “không chỉ buôn bán trong tỉnh, hội thương Diên Phong còn giao thương ra tận đất Bắc”.


Từ bến Hục vào làng Phong Thử.

Cầm trên tay tấm sơ đồ quy hoạch Thương hội Diên Phong do ông Võ Đạt cung cấp, từ chợ Phong Thử, chúng tôi làm cuộc lội ngược ra phía sông Thu Bồn - Bến Hục để tìm chút âm ba của một thời trên bến dưới thuyền. Hơn 100 năm đi qua, bóng dáng một thương cuộc lớn chẳng còn lại gì. May thay, một chút ký ức còn lưu lại nơi ông Phan Tạo - con cháu dòng tộc Phan Minh ở làng Phong Thử, xã Điện Thọ, thị xã Điện Bàn. Ông Tạo năm nay đã ngoài 90 tuổi nhưng vẫn nhớ những địa điểm cũ như trường học, sân vận động, rạp hát, khu nhà thờ Tin Lành, khu nhà dân… mà sau khi trở về từ lao tù Côn Đảo năm 1919, với tấm lòng tha thiết muốn cống hiến cho quê hương, Cử nhân Phan Thúc Duyện một lần nữa lại nhiệt thành bắt tay thực hiện những mục tiêu của Duy tân hội từng đề ra, trên đất Phong Thử.

Những nơi ông Tạo đến nhiều lần như sân vận động gần trường tiểu học hay chợ Phong Thử, trường hát… ngày ấy có sức hấp dẫn cực kỳ với lớp tuổi thiếu niên như ông. Bởi vậy, những năm gần đây, với tư cách là lớp người đi trước trong làng, ông Phan Tạo luôn đề đạt ý kiến với chính quyền địa phương, đặc biệt là lãnh đạo trường THCS Phan Thúc Duyện, đóng chân ngay trên đất Phong Thử làm sao để có một không gian trưng bày, lưu giữ những hình ảnh, kỷ vật liên quan về những địa danh đi vào lịch sử của làng mình, về ngôi trường tân học đầu tiên và vị chủ soái Thương hội Diên Phong, hay các phong trào văn nghệ, thể thao mà thời cụ cử Phan Thúc Duyện đã hết sức chú tâm thực hiện nhằm làm thay đổi nếp nghĩ, nếp sống cho người dân quê ông.

Tấm lòng người đời sau

Người có công đóng góp lớn nhất hình thành nên một thương hội bề thế như vậy cùng với việc cho ra đời ngôi trường Tân học Diên Phong - một ngôi trường tân học đầu tiên trên đất Quảng Nam quy tụ đội ngũ giáo sư danh tiếng như Tiến sĩ Trần Quý Cáp, thông ngôn Pháp ngữ Phan Thành Tài, Mai Dị, Lê Bá Trinh… là Cử nhân Phan Thúc Duyện. Thế nhưng suốt một thời gian dài, việc đánh giá vai trò của nhà trí thức Phan Thúc Duyện đối với phong trào Duy tân vẫn chưa thỏa đáng, chưa làm sáng tỏ bản lĩnh của một cánh chim đầu đàn kinh tế thương mãi của phong trào Duy tân 1905 - 1908, người đã tham gia sáng lập Thương hội Hội An, chủ xướng Thương hội Diên Phong, trường tân học Diên Phong, khai khẩn đất đai ở vùng tây xứ Quảng, Quảng Bình, Bình Thuận và đồng thời là một thi nhân đầy khí phách.

Cách đây hơn 20 năm, với ý thức làm cho công đạo của tiền nhân được viễn minh cùng lịch sử, ông Võ Đạt đã bỏ công sức, thời gian, trí tuệ và tài chính, lặn lội đi nhiều nơi, kết hợp cùng các nhà nghiên cứu đương thời như Nguyễn Văn Xuân, Nguyễn Quang Thắng… để tìm tòi, sưu tầm tư liệu rồi hiệu chỉnh, tập hợp in thành một cuốn sách với nhan đề  “Phan Thúc Duyện trong phong trào Duy tân đầu thế kỷ 20” (NXB Văn hóa ấn hành năm 1996). Nhờ cuốn sách này với rất nhiều tư liệu chưa từng được công bố trước đó mà tư tưởng, cốt cách, đạo đức cao đẹp của Phan Thúc Duyện đã phần nào được làm sáng tỏ để hậu thế ngưỡng vọng về một Phan Thúc Duyện luôn đau đáu ưu tư, khắc khoải trước sự tăm tối, đói nghèo kéo dài của quê hương.

Thầy giáo Phan Minh Vinh, là lớp con cháu trong dòng tộc Phan Minh ở làng Phong Thử hiện là Hiệu trưởng Trường THCS  Phan Thúc Duyện cũng là người luôn đau đáu câu chuyện làm sao để những bài học lịch sử diễn ra trên chính quê hương mình thấm vào lòng các thế hệ học sinh hôm nay. Bởi những gì từng diễn ra ngay trên mảnh đất nơi các em được sinh ra, chắc chắn sẽ là những bài học quý giá góp phần tạo nên niềm tự hào về đất nước. Ngay chính giữa không gian sân trường Phan Thúc Duyện rợp bóng cây xanh là bức tượng chân dung nhà trí thức Phan Thúc Duyện. Nét mặt nghiêm trang như ẩn chứa bao dự định chưa thành phảng phất trong khói hương trầm sớm mai... Chợt nhớ mấy câu mà bạn tù Huỳnh Thúc Kháng tặng Phan Thúc Duyện: “Tư bề bủa lưới mây dàn/ Hội buôn, trường học bóng tan bọt chìm/ Cảnh tù tội mười năm Côn hải/ Tầng quay đầu ngắm lại non sông/ Vẫn cầm cái chết như không/ Chưa nên một việc tấm lòng chưa cam…”.

Tư tưởng cách mạng, đầu óc sáng tạo luôn luôn nghĩ đến cái mới và ý chí quyết không từ bỏ mục tiêu của Phan Thúc Duyện rất cần được soi rọi trong bối cảnh hiện tại. Điều quan trọng là đừng để thời gian xóa nhòa đi những dấu ấn canh tân của các bậc tiền bối, như những địa danh gắn liền tên tuổi nhà chí sĩ, với cuộc Duy tân, những câu chuyện in đậm bóng dáng ông.

NGỌC KẾT


Comment

Facebook Instagram Youtube Twitter Google+ Top