Mấy tư liệu từ làng Phú Quý Hạ xưa

Trong Địa bạ triều Nguyễn còn lưu lại, làng/xã Phú Quý Hạ được ghi nhận nằm trong địa bàn của “thuộc Liêm hộ, huyện Hà Đông, phủ Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam xưa”. Địa phương này, nay thuộc xã Tam Phú, TP.Tam Kỳ. Căn cứ vào một số tư liệu còn lưu ở tộc Trần Kim - một tộc phái được phong danh vị tiền hiền làng vào thời Nguyễn - có thể biết được nhiều nét về lịch sử làng này.

Ngôi làng ven sông Trường Giang

Làng/xã Phú Quý Hạ xưa nằm ven bờ phía tây con sông Trường Giang,  đoạn chảy qua địa bàn xã Tam Phú, TP.Tam Kỳ hiện nay. Theo công bố của nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu trong sách “Nghiên cứu địa bạ triều Nguyễn” (NXB Đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh, năm 2010) thì làng này bị “mất địa bạ”. Căn cứ vào mô tả vị trí của các làng lân cận (hiện còn địa bạ) ở cùng địa phương, có thể xác định tứ cận của làng Phú Quý Hạ như sau: “Phía đông, đông nam và đông bắc giáp sông Trường Giang; phía nam, tây nam và tây bắc giáp các xã Tân Lộc Ngọc Giáp, xã Quảng Phú và xã Tứ chánh An Hà”. Các xã giáp giới này, đối chiếu với địa bàn hành chính hiện nay, nằm trong các xã Tam Tiến thuộc huyện Núi Thành; xã Tam Phú và phường An Phú thuộc TP.Tam Kỳ.

Sông Trường Giang được nhiều bản sách Đại Nam nhất thống chí xưa ghi bằng hai tên khác nhau: Bản lưu tại miền bắc, được Viện Sử học ở Hà Nội ghi là “sông Phước Yên 福 安” (Nxb Khoa học Xã hội - 1960). Bản hiện nay lưu tại Thư viện Tổng hợp TP.Hồ Chí Minh thì ghi là “sông Phước Toản 福 鑽”. Tự dạng chữ Nho của hai bản sách hiện còn lưu ở hai thành phố ghi khác nhau, chưa rõ vì sao? Trong nhiều tư liệu hiện còn về làng xã địa phương liên hệ, không thấy ghi rõ tên con sông này là gì? Chỉ thấy ghi khá nhiều tên xứ đất ven bờ, nơi những cư dân đầu tiên đến khẩn hoang và lập nên đơn vị hành chính ban đầu có tên “Vi tử nhiêu phu Phú Quý Hạ”.

Nhà thờ tộc Trần Kim ở thôn Phú Quý xã Tam Phú. Ảnh: PHÚ BÌNH
Nhà thờ tộc Trần Kim ở thôn Phú Quý xã Tam Phú. Ảnh: PHÚ BÌNH

Tư liệu từ tộc Trần Kim

Năm 1996, ông Trần Kim Trương (nguyên giáo viên trường PTTH Phan Bội Châu, Tam Kỳ - đã qua đời năm 2007) cho chúng tôi xem toàn bộ tư liệu lưu tại tộc của ông gồm một bộ gia phả, một bản “trứ thuật” có niên đại đầu thế kỷ 17 và nhiều văn bản do các tộc phái ở làng Phú Quý Hạ cùng ký kết công nhận danh vị tiền hiền, hậu hiền của làng. Xưa, đó là những văn bản rất quan trọng làm cơ sở, để đến năm Duy Tân thứ 7 (1913), triều Nguyễn phong danh vị tiền hiền cho làng Phú Quý Hạ, cùng lúc với việc công nhận danh vị tiền hiền cho khá nhiều làng xã vùng ven các con sông ở Tam Kỳ xưa.

Đến năm 2000, hậu duệ tộc Trần Kim đã gửi toàn bộ văn bản nói trên ra Hà Nội nhờ Viện Nghiên cứu Hán Nôm khảo chứng và giúp sưu tra thêm tư liệu. Nhờ đó, một bản khai về “Các tiền hiền có công gầy dựng các làng xã xứ Trung Kỳ” của lý hương xã Tam Quý (tên mới đổi của xã Phú Quý Hạ cũ) với Đoàn điều tra của Trường Viễn Đông bác cổ vào năm Bảo Đại thứ 17 (1942) đã được tìm thấy.

Nhờ toàn bộ các văn bản này, lịch sử thành lập một ngôi làng tiêu biểu ở vùng đông Tam Kỳ đã được biết một cách rõ ràng.

Lịch sử lập làng Phú Quý Hạ

Nội dung bản “trứ thuật” của ông Trần Kim Khôi  (đời thứ ba kể từ khi ông thủy tổ vào Nam) viết vào “ngày tốt, tháng Tư, năm Vĩnh Hựu nguyên niên -1735” còn lưu ở tộc Trần Kim có thể trích dịch tóm tắt các chi tiết chủ yếu như sau: “Người đầu tiên của tộc Trần Kim vào vùng Tam Kỳ là ông Trần Kim Bình. Ông này có quê ở xã Y Bích, huyện Thuần Hựu, phủ Hà Trung, thừa tuyên Thanh Hoa. Do chiến tranh đã phiêu dạt vào vùng “tổng Phú Quý Hạ”, “Nội phủ Liêm hộ thuộc” của huyện Hà Đông, phủ Thăng Hoa, xứ Quảng Nam hồi giữa thế kỷ 17. Buổi mới vào, ông Trần Kim Bình đến ở một vùng có tên (ghi chữ Nho) là Diễn Nhược Trường Câu (chưa rõ địa danh này - NV) làm nghề đánh cá; sau đó chiếm một khoảng đất rộng ở xứ Bãi Tra khai khẩn thành các sở ruộng đầu tiên.

Làng Phú Quý Hạ xưa (ảnh chụp từ chân cầu Tam Thanh). Ảnh: PHÚ BÌNH
Làng Phú Quý Hạ xưa (ảnh chụp từ chân cầu Tam Thanh). Ảnh: PHÚ BÌNH

Về sau, do nơi này địa thế chật hẹp, cuộc sống khó khăn ông Bình bèn chuyển nơi sinh sống đến xứ Gò Quán (cùng xã) và vẫn lấy việc giăng câu, bắt cá làm nghề chính. Vợ chồng ông Bình sinh được một con trai đặt tên là Trần Kim Bảng (đời thứ hai). Khi trưởng thành, ông Bảng học đạo pháp sư, làm thầy phù thủy. Theo chiếu chỉ có từ thời Hồng Đức (?) cho phép những người ngụ cư được xếp vào diện “phụ canh” tại nơi ở mới, cha con ông Bình đã khai khẩn đất hoang thành ruộng (ở các xứ Gò Quán, Vũng Nãy, Vườn Bà, Vũng Cầu cùng xứ Lồi Lá ở vùng rừng phía tây) lập thành thôn ấp; các xứ này hợp thành xã hiệu ban đầu là “Vi tử nhiêu phu Phú Quý Hạ”, chịu sưu dịch, chịu trưng binh theo lệ. Đất đai đã khai khẩn, canh trưng được giao thành đất riêng và chịu thuế theo nguyên tắc: ba phần lấy một…”.
Bản trứ thuật trên là một tài liệu rất quý. Nó cung cấp nhiều dẫn chứng đặc sắc về hoàn cảnh buổi đầu vào nam cũng như việc khai hoang lập ấp của những di dân đầu tiên có quê gốc ở vùng ven biền Nghệ An - Thanh Hóa vào vùng ven các nhánh sông ở Tam Kỳ xưa.

Thiết chế thờ tự và danh vị tiền hiền

Theo tờ khai của hương chức xã Phú Quý Hạ ký vào ngày 25 tháng 9 năm Minh Mạng thứ 5 (1824) thì ở xã này, từ trước, có 6 ngôi đền miếu thờ các vị thần như sau: Đại Càn Quốc gia Nam Hải tứ vị Thánh nương; Tam vị Thành hoàng: Đô Đại đại vương, Đông Chính đại vương và Dực Thánh đại vương;  Chủ/Chúa Ngọc tiên nương; Hồng Nữ tiên nương; Thần Nông tôn thần; Ngũ Hành tiên nương. Văn bản này cũng ghi tên vị tiền hiền khai canh là ông Trần Kim Bảng và vị hậu hiền khai khẩn là ông Đinh Văn Y nhưng không thấy ghi nơi thờ tự. Văn bản này đã được sao lại vào năm 1867 (Tự Đức thứ 20) có đóng dấu xác nhận của huyện Hà Đông, phủ Thăng Bình thời đó.

Trong bộ tư liệu ở tộc Trần Kim nói trên còn có 5 văn bản ký vào các niên hiệu Duy Tân nguyên niên (1907) và Duy Tân nhị niên (1909) của hào lý xã Phú Quý Hạ cùng xác nhận - theo giấy tờ cũ còn lưu lại - thì “ông họ Trần” là tiền hiền làng, “ông họ Đinh” là hậu hiền và “ông họ Nguyễn” (có tên là Nguyễn Viết Huyền) là “Tòng tự kế tiền hiền chi liệt” (cùng được thờ tự ngang hàng với tiền hiền). Kèm theo đó là các dòng cước chú về hành trạng của ba vị này qua các đời vua như thế nào. Lý do gì mà đa số giấy tờ có liên quan đến ông họ Đinh và ông họ Nguyễn bị thất lạc. Qua các văn bản nói trên, có thể thấy thể thức công nhận danh vị tiền hiền làng phải qua một quá trình chứng thực lâu dài và cụ thể để được phong tặng danh hiệu là “những người mở đất”.

Nhà thờ tộc Trần Kim

Theo chân ông Trần Kim Triệu, hậu duệ tộc Trần Kim, chúng tôi đến viếng nhà thờ tộc - tiền hiền ở thôn Phú Quý, xã Tam Phú. Tại đây, ngoài bài vị (khắc lại theo cũ) thờ ông tiền hiền Trần Kim Bảng, còn có một đài thờ bằng gỗ rất xưa, trong đó đặt hòm phổ ý và hai di vật về ông thầy phù thủy Trần Kim Bảng: một bài vị bằng gỗ ghi “Hiển khảo thụ trì Thượng thanh đạo hiệu Huyền Chân nhất vị” (Tạm dịch: Bài vị thờ thân phụ có đạo hiệu Huyền Chân thuộc phái tu tiên Thượng thanh của đạo Lão) và một cây gậy pháp sư có ghi hình chòm sao Bắc Đẩu (Bắc đẩu tinh quân) và mấy chữ “Ngọc Hoàng sắc hạ”.

Qua các tư liệu kể trên, đối chiếu với văn hóa làng xã vùng ven biển Bắc Trung bộ thời xưa, có thể thấy dấu ấn vùng quê gốc ven biển Nghệ An - Thanh Hóa rất đậm nét trong nhiều thiết chế làng xã, thiết chế thờ tự và tín ngưỡng của cư dân vùng đông Tam Kỳ vào thời phong kiến.


PHÚ BÌNH


Comment

Facebook Instagram Youtube Twitter Google+ Top