Liên kết phát triển du lịch miền núi

Liên kết, hợp tác phát triển du lịch các huyện miền núi Tây Giang, Đông Giang, Nam Giang (Quảng Nam), A Lưới (Thừa Thiên Huế) đã và đang mang lại nhiều tín hiệu tích cực. Cách làm này thúc đẩy hợp tác phát triển du lịch theo hướng bền vững, tạo sự kết nối liên vùng, góp phần mở rộng và đa dạng sản phẩm du lịch trên tuyến đường Hồ Chí Minh huyền thoại.

Phát huy tiềm năng và lợi thế

Để phát triển du lịch các huyện Tây Giang - Đông Giang - Nam Giang cùng với huyện A Lưới đã chủ động xây dựng nghị quyết, các kế hoạch ngắn hạn và dài hạn, đưa vào quy hoạch các điểm du lịch trên địa bàn để việc phát triển du lịch được thực hiện một cách khoa học cũng như thu hút thêm nguồn vốn của các nhà đầu tư.

Cụ thể huyện Tây Giang ban hành Nghị quyết số 17 của Huyện ủy, Nghị quyết 32 của HĐND huyện “Kêu gọi thu hút đầu tư phát triển du lịch huyện Tây Giang giai đoạn 2014 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2030”; Huyện Nam Giang ban hành Nghị quyết số 08 của Huyện ủy về phát triển du lịch đến năm 2020 định hướng đến năm 2025; huyện Đông Giang ban hành Kế hoạch phát triển du lịch huyện đến năm 2020; huyện A Lưới đã quy hoạch các điểm du lịch và kêu gọi đầu tư khu du lịch sinh thái A Nôr (xã Hồng Kim) với diện tích 7,5ha, khu du lịch sinh thái suối Pârle diện tích 5ha, khu du lịch suối nước nóng A Roàng diện tích 10ha; Cấp phép hoạt động kinh doanh dịch vụ, du lịch sinh thái - tâm linh - khám phá thiên nhiên và mô hình du lịch cộng đồng xã Hồng Hạ giai đoạn 2016 - 2020...

Đây là những địa phương có tiềm năng lớn về du lịch, bao gồm du lịch cộng đồng, du lịch lịch sử và du lịch sinh thái. Trong thời gian qua giữa các huyện bước đầu đã có sự phối hợp trong công tác phát triển du lịch, tạo mọi điều kiện thuận lợi phát triển các dịch vụ du lịch đảm bảo chất lượng và bền vững, từng bước xây dựng được hình ảnh các điểm đến du lịch hấp dẫn, an toàn, thân thiện và tin cậy. Trong năm 2018 và 6 tháng đầu năm 2019 lượt khách đến tham quan tại 4 huyện ước đạt khoảng 40.735 lượt, tổng doanh thu từ du lịch đạt 9,4 tỷ đồng.

Làng du lịch sinh thái Pơmu, xã A Xan, huyện Tây Giang.
Làng du lịch sinh thái Pơmu, xã A Xan, huyện Tây Giang.

Phát huy tiềm năng và lợi thế, huyện Đông Giang đã và đang tập trung đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch, gắn với những công trình cụ thể như xây dựng nhà vệ sinh công cộng tại Làng du lịch cộng đồng Đhờ Rôồng, xã Tà Lu; khảo sát lập dự án đầu tư điểm du lịch sinh thái suối nước nóng tại thôn Bhờ Hôồng 2, xã Sông Kôn; khu du lịch Hang Gợp tại thôn A Sờ, xã Mà Cooih và khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp phía tây Bà Nà đang được triển khai đầu tư.

Trong khi đó, huyện Tây Giang huy động các nguồn lực mở 6km đường vào làng du lịch sinh thái Pơmu; xây dựng điểm dừng chân Eo Aliêng gồm 12 nhà sàn, 1 nhà rường, 1 công trình vệ sinh; xây dựng nhà Bảo tàng dân tộc Cơ Tu; xây dựng các điểm du lịch như thác R’cung, làng truyền thống Cơ Tu, làng du lịch sinh thái Pơmu, rừng hoa đỗ quyên trên độ cao 2.005m…

Còn huyện Nam Giang hỗ trợ Hợp tác xã du lịch dựa vào cộng đồng Cơ Tu xã Tà Bhing đầu tư xây dựng 2 mô hình lưu trú homestay và các điều kiện sinh hoạt cần thiết để đáp ứng nhu cầu thăm quan, lưu trú của khách du lịch; hỗ trợ Hợp tác xã dệt Za Ra đầu tư xây dựng nhà trình diễn dệt thổ cẩm; xây dựng điểm bán hàng lưu niệm dệt thổ cẩm và hàng nông sản tại thị trấn Thạnh Mỹ…

Liên kết cùng phát triển

Thời gian qua, các địa phương đã kết nối các điểm du lịch sinh thái, du lịch lịch sử, du lịch cộng đồng tạo nhiều chương trình tour mới với điểm đến đa dạng, phong phú hơn, như xây dựng chương trình tour giới thiệu các điểm du lịch homestay tại A Lưới, tour làng du lịch sinh thái Pơmu, xã A Xan, tour du lịch cộng đồng tại huyện Đông Giang. Bên cạnh đó, giới thiệu các làng nghề, sản phẩm thủ công mỹ nghệ, nông sản đặc trưng của mỗi địa phương tại các hội chợ, hội nghị kết nối cung cầu...

Các địa phương đang xây dựng đề án phát triển du lịch để kết nối 3 huyện Đông Giang, Tây Giang, Nam Giang và huyện A Lưới. Đề án được thông qua sẽ góp phần nâng cao đời sống kinh tế cho bà con, thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo. Bà Ating Tươi - Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Giang nhìn nhận, việc kết nối phát triển du lịch dọc tuyến đường Hồ Chí Minh đối với các huyện Đông Giang, Nam Giang, Tây Giang và huyện A Lưới phần nào đã có những thành công trong đầu tư phát triển du lịch. Trong những năm đến, các huyện tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, xây dựng lộ trình phát triển du lịch, có cách làm rõ nét cụ thể, đồng thời quảng bá được hình ảnh du lịch của 4 huyện.

“Để làm được điều này, chúng tôi rất cần sự quan tâm của lãnh đạo hai tỉnh Quảng Nam và Thừa Thiên Huế, nhất là hỗ trợ trong đầu tư phát triển cũng như kêu gọi xúc tiến du lịch tại các huyện” - bà Ating Tươi nói. Đồng quan điểm, tuy nhiên theo ông Bhling Mia - Chủ tịch UBND huyện Tây Giang, các huyện cũng cần phải tạo ra sản phẩm riêng lẻ mang tính đặc thù để thu hút du khách, bởi như huyện Đông Giang, Tây Giang đều có sản phẩm dệt thổ cẩm, huyện A Lưới cũng có dệt thì người ta chỉ cần đến một địa phương và không cần đi đến những địa phương khác.

Hội nghị giao ban liên kết phát triển du lịch 4 huyện Tây Giang, Đông Giang, Nam Giang (Quảng Nam), A Lưới (Thừa Thiên Huế), tổ chức tại huyện Tây Giang. Ảnh: HIỀN THÚY
Hội nghị giao ban liên kết phát triển du lịch 4 huyện Tây Giang, Đông Giang, Nam Giang (Quảng Nam), A Lưới (Thừa Thiên Huế), tổ chức tại huyện Tây Giang. Ảnh: HIỀN THÚY

Ông Lê Ngọc Tường - Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL cho rằng, việc liên kết, hợp tác phát triển du lịch giữa 3 huyện miền núi vùng tây bắc Quảng Nam với huyện A Lưới là cách làm sáng tạo, có ý nghĩa phát huy được các lợi thế so sánh của mỗi địa phương về tiềm năng, nguồn lực phát triển du lịch. Đồng thời là dịp để các huyện trao đổi chia sẻ làm phong phú và đa dạng hóa sản phẩm du lịch, tạo ra những sản phẩm mang tính đặc trưng, có chất lượng cao cho toàn vùng, từ đó tăng cường khả năng cạnh tranh và những lợi thế trong phát triển du lịch.

Trong thời gian tới, ông Tường đề nghị các huyện cần xác định tour tuyến, điểm du lịch trọng điểm, kêu gọi các nhà lữ hành đến tư vấn. Gắn kết du lịch với Đà Nẵng, Hội An để kết nối du lịch rừng với du lịch biển. Trong đó, phát triển loại hình du lịch văn hóa bền vững. Chọn ra một sản phẩm ngắn ngày nhất, lợi ích phân đều để liên kết rồi từ từ nhân rộng ra các liên kết khác. Sở cũng sẽ tham mưu tỉnh kiến nghị với Chính phủ xin cơ chế cho vùng tây Quảng Nam như cơ chế của các tỉnh Tây Nguyên để các địa phương được quan tâm đầu tư và có nhiều cơ hội thoát nghèo bền vững.


HIỀN THÚY


Comment

Facebook Instagram Youtube Twitter Google+ Top