Hội An- Ngôi mộ lạ của vị quan triều Nguyễn

Nằm sâu trong kiệt đường Lê Quý Đôn, khối Tu Lễ, phường Cẩm Phô, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam, có một ngôi mộ cổ rêu phong phủ màu thời gian. Ngôi mộ có lối kiến trúc rất lạ, được nhiều người cho rằng chưa thấy trùng lặp dáng vóc với bất cứ ngôi mộ nào về mái che. Vậy người nằm dưới nấm mộ này là ai mà “mái nhà” lúc yên nghỉ lại khác lạ như vậy?

Phải đi loanh quanh dò hỏi tới hai lần, người viết mới tìm thấy ngôi mộ cổ vì ngay cả người địa phương cũng rất ít biết. Tuy là phố nhưng khối Tu Lễ, nơi có ngôi mộ vẫn khoác trên mình đậm nét dáng vóc làng quê và ngôi mộ này nằm im lìm trong một mảnh vườn rậm rạp cây xanh râm mát. Một số cụ cao niên ở gần mộ thì bảo đó là mộ của ông Trần Ngọc Dao, vị quan to của triều đình Nhà Nguyễn chứ không rõ cụ thể chức tước gì do không biết chữ Hán.

Toàn cảnh mộ ông Trần Ngọc Dao với lối kiến trúc rất lạ. Ảnh: T.K.V
Toàn cảnh mộ ông Trần Ngọc Dao với lối kiến trúc rất lạ. Ảnh: T.K.V

Còn theo gia phả tộc Trần ở Hội An cũng như căn cứ vào văn bia tại mộ, thì dòng họ của ông Trần Ngọc Dao xuất xứ từ phủ Tuyền Châu, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc. Vào khoảng giữa thế kỷ XVII, ông Trần Văn Cồn là vị thủy tổ của họ sang làng Mậu Tài (nay là xã Mậu Tài, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế) của Đại Việt xin chúa Nguyễn được phép cư ngụ và lập nghiệp mưu sinh bằng nghề thau thiếc tại đây.

Khi Hội An trở thành thương cảng hưng thịnh, sầm uất, tàu buôn của nhiều nước ra vào giao lưu, buôn bán nhộn nhịp thì các vị tộc Trần ở làng Mậu Tài di cư lần nữa vào Hội An, lập ra làng Mậu Tài (nay thuộc phường Sơn Phong, Hội An) nổi tiếng với nghề thau thiếc.

Theo văn bia, ông Trần Ngọc Dao sinh năm Kỷ Mùi - 1799, thụy là Trang Khải thuộc đời thứ 8 tộc Trần ở đây, thân phụ là Trần Hiếu Luân. Ông sinh được 3 người con trai, con trai trưởng là Trần Bá Lượng. Năm Kỷ Sửu - 1829, Minh Mạng thứ 10, ông Trần Ngọc Dao dự khoa thi Hội và đỗ phó bảng cùng với 4 vị khác, được triều đình nhà Nguyễn giao giữ nhiều chức tước quan trọng như: Đề đốc Quân vụ, Tuần phủ tỉnh Định Tường (tức quan võ rồi bổ tiếp chức quan đứng đầu một tỉnh của miền Tây Nam bộ); Phó hữu Đô ngự sử Đô sát viện (tương đương cấp thứ trưởng ngày nay); Tham tri Bộ binh (người có quyền lực thứ hai, sau chức Thượng thư bộ, ngang với chức Phó hữu Đô ngự sử Đô sát viện).

Theo sách Đại Nam thực lục, dưới triều Nguyễn, Đô sát viện là cơ quan tối cao, có trọng trách thay mặt vua giám sát và kiến nghị mọi hoạt động của quan lại các cấp, việc chấp hành pháp luật cũng như các quy tắc của triều đình ban hành từ Trung ương đến địa phương. Là cơ quan độc lập, được vua trực tiếp điều hành, không phụ thuộc vào bất kỳ cơ quan nào trong hoạt động quyền giám sát, góp phần làm trong sạch bộ máy quan lại triều đình.

Văn bia tại mộ ghi chép các chức quan của ông Trần Ngọc Dao. Ảnh: T.K.V
Văn bia tại mộ ghi chép các chức quan của ông Trần Ngọc Dao. Ảnh: T.K.V

Đô Sát viện có 5 quyền hạn chủ yếu là: Quyền vạch rõ những vi phạm, tội lỗi từ các quan lại đến hoàng thân, hoàng tử gọi là quyền đàn hạch; quyền được phép tấu trình trực tiếp với vua; quyền ghi chép lời nói, hành động của vua và các quan lại trong những ngày hội triều, nghe chính sự để nộp cho Quốc sử quán làm tư liệu; quyền kiểm tra hoạt động của các bộ, nha trong triều và quyền phúc duyệt các bản án.
Quan lại thuộc các khoa, đạo của Đô sát viện hoạt động độc lập và tấu sớ của họ có thể được dâng thẳng lên vua mà không phải qua trưởng quan phê duyệt. Với một cơ quan được giao quyền hạn đặc biệt quan trọng như vậy nên việc bổ nhiệm các quan của Đô sát viện, nhất là đối với các chức quan chủ chốt được vua lựa chọn hết sức kỹ lưỡng để giao cho đúng người có đức, có tài. Ông Trần Ngọc Dao là quan Phó hữu Đô ngự sử Đô sát viện, cái chức quan ấy cũng đủ thấy tài năng và đức độ của ông như thế nào rồi.

Những chức vụ của ông Trần Ngọc Dao làm quan triều Nguyễn được đề cập ở trên là căn cứ vào văn bia nguyên văn bằng chữ Hán tại mộ do người con trai trưởng Trần Bá Lượng phụng lập. Tuy các chức vụ của ông được thể hiện rõ ràng trên văn bia một cách ngắn gọn, song quá trình làm quan cũng như thời gian nắm giữ quyền này, chức nọ của triều đình vẫn chưa được ai sưu tầm, khám phá một cách chi tiết.
Về chuyện gia đình, theo hồi cố của một số người hậu duệ tộc Trần ở Hội An thì ông Trần Ngọc Dao có quy định cách lấy tên lót cho các con cháu của ông qua từng thế hệ đều khác nhau như từ đời con ruột của ông tên lót là Bá (Trần Bá Lượng), kế đến là Đăng, Đình, Thể và Thế. Văn bia cũng cho biết ông mất năm 1844 tức năm Thiệu Trị thứ 4, hưởng dương 45 tuổi, được hưởng hàm Tòng nhị phẩm, được ban thụy hiệu Cáo thụ Trung phụng đại phu. Như vậy, ông Trần Ngọc Dao làm quan qua hai đời vua Minh Mạng và Thiệu Trị.

Tuy cuộc đời ngắn ngủi nhưng ông Trần Ngọc Dao được vua bổ 3 chức tương đương là Tuần phủ tỉnh Định Tường; Tham tri Bộ binh, Phó hữu Đô ngự sử Đô sát viện. Vẫn chưa thấy tài liệu ghi rõ chức nào ông giữ trước, chức nào ông nắm sau cũng như thời gian bổ nhiệm, song cả 3 chức ấy đều khẳng định Trần Ngọc Dao là một vị quan được triều Nguyễn tin cậy trọng dụng. Bây giờ thỉnh thoảng cháu chắt tộc Trần ở phố Hội vẫn lui tới mộ ông hương khói để tưởng nhớ công ơn của tiền nhân; có điều, vẫn chưa thấy một nhà nghiên cứu nào quan tâm đến kiến trúc lạ của ngôi mộ...


Thái Kiều Vi


Comment

Facebook Instagram Youtube Twitter Google+ Top