Hiệp Đức- Về Bình Lâm nghe hát dân ca

Câu lạc bộ (CLB) đàn hát dân ca xã Bình Lâm, huyện Hiệp Đức thành lập cách đây tròn 15 năm. Ngần ấy thời gian đã ghi dấu bao tình cảm yêu thương, say đắm của các thành viên CLB với làn điệu dân ca xứ Quảng.

Anh Trịnh Ký Đức là một trong những người góp công đầu hình thành CLB. Trịnh Ký Đức sinh ra trong một gia đình có truyền thống nghệ thuật: cha anh là nghệ sĩ tuồng có tiếng của Hiệp Đức, anh trai là Trịnh Ký Hiệp - hiện cũng là thành viên CLB, là người đàn và viết kịch bản, dàn dựng các tiểu phẩm dân ca, còn các em gái trong gia đình đều mê và hát rất tốt loại hình nghệ thuật này. Trước năm 1985, anh làm việc tại đội thông tin lưu động huyện Thăng Bình, sau về  Đài truyền thanh và văn hóa xã Bình Lâm (Hiệp Đức). Từ những vốn liếng dân ca học được, anh đề đạt lên Trung tâm văn hóa huyện tuyển chọn và bồi dưỡng những hạt nhân hát dân ca của xã và huyện để hình thành CLB đàn hát dân ca của huyện. Những giọng hát tham gia ngay từ ngày đầu và cho đến bây giờ vẫn còn ngọt ngào trong từng câu hát như chị Lê Thị Mai (vợ anh Đức), Nguyễn Thị Hương, Nguyễn Thị Tứ hay Tô Văn Ánh, Nguyễn Thị Truyền…


Một buổi sinh hoạt, tập vở mới của câu lậc bộ dân ca xã Bình Lâm.

Hàng tháng, CLB tổ chức sinh hoạt định kỳ vào ngày 14 âm lịch. Bên cạnh việc thăm hỏi động viên nhau, biểu diễn dân ca, các thành viên còn được tập luyện một số làn điệu dân ca theo lời mới được anh Trịnh Ký Đức hay Trịnh Ký Hiệp biên soạn và đánh đàn, sau đó dần dần nâng lên thành tiểu phẩm nhằm phục vụ cho các ngày lễ, các hội thi văn nghệ… Theo anh Trịnh Ký Hiệp: “Việc vận dụng lời mới vào dân ca nhằm tuyên truyền chủ trương, chính sách, pháp luật dựa trên nguyên tắc giữ cái gốc và lồng cái mới. Điều này đã được lồng ghép khéo léo và có duyên, tạo nên tiếng cười, niềm hứng khởi cho người nghe mà không sa vào nặng nề hay khô cứng. Ví dụ như khi hô hát bài chòi về an toàn giao thông, Trịnh Ký Đức viết: Nghe đồn vua mở khoa thi/ Vội vàng tìm đến kinh kỳ xa xôi/ Ra đi vợ có dặn rồi/ Không mũ bảo hiểm chớ ngồi lên xe…”.

Mỗi lần sinh hoạt CLB là các thành viên được thả hồn mình theo câu hát dân ca, được anh em góp ý, điều chỉnh từng câu, từng nốt… Nhờ vậy mà giọng hát, phong cách thể hiện của nhiều thành viên tiến bộ không ngừng. Tiếng hát chị Tứ, chị Mai hay chị Hương… khi cất lên đều để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng người nghe. Vì thế mà nhiều năm nay, dù có khó khăn nhưng CLB luôn nhận được sự động viên, hâm mộ của khán giả ở nhiều lứa tuổi… Điều đáng quý hơn nữa là thành tích của CLB, của cá nhân các thành viên mang về từ các hội thi, hội diễn dân ca cấp huyện, tỉnh và ngành đoàn thể từ địa phương đến Trung ương trong suốt 15 năm qua là không hề nhỏ. Nhiều huy chương vàng, bạc cho tiểu phẩm dân ca về an toàn giao thông, về chính sách pháp luật, về môi trường hay liên hoan đàn, hát dân ca toàn tỉnh đã thể hiện được khả năng ca hát của các thành viên CLB nơi miền sơn cước này.

Năm 2018, xã Bình Lâm có chủ trương đưa dân ca bài chòi về từng thôn, qua đó lồng ghép tuyên truyền chủ trương, chính sách mới đến nhân dân. CLB được giao trọng trách thực hiện mười đêm biểu diễn ở 10 thôn trong xã. “Đó là những đêm đông vui như hội” - anh Trịnh Ký Đức nói - “Thấy bà con, nhất là các bạn trẻ cũng hồ hởi đưa nhau đến xem hô hát dân ca, bài chòi, chật kín sân nhà thôn… thì trong lòng vui lắm. Ước gì đêm nào cũng được đi hát như thế…”. Anh Trần Đoàn Minh Hiệp, cán bộ văn hóa xã Bình Lâm cho hay: “Hoạt động đưa dân ca bài chòi về thôn đã mang lại hiệu quả rất lớn, vừa góp phần “giữ lửa” cho vốn quý âm nhạc truyền thống lại vừa là cách rất tốt để những chủ trương, chính sách pháp luật… đến với người dân nhẹ nhàng, không khô khan gượng ép. Cùng với đó, xã Bình Lâm đang đẩy mạnh việc đưa dân ca vào học đường mà người giảng dạy chính là các thành viên CLB. Đây có thể nói là một lợi thế, để câu dân ca quê xứ thấm dần vào tâm hồn các em”.

Mười lăm năm ra đời và hoạt động là ngần ấy thời gian CLB đàn hát dân ca xã Bình Lâm đã đóng góp hết mình cho phong trào văn nghệ quần chúng huyện Hiệp Đức nói chung và cho dân ca, bài chòi quê xứ nói riêng. Giờ đây, những người khởi xướng cũng đã dần qua thời xuân sắc, giọng hát, tiếng đàn cũng vì thế mà ngày càng giảm đi cái ngọt ngào, đằm thắm. CLB từ 20 người ban đầu giờ chỉ còn 10 người hoạt động thường xuyên, nên cần có những gương mặt mới để bổ sung. Vì vậy, hơn lúc nào hết, sự đầu tư của ngành văn hóa Hiệp Đức để duy trì sức sống ở CLB này là điều cần thiết.

NGỌC KẾT


Comment

Facebook Instagram Youtube Twitter Google+ Top