Đến Diêm Phổ gặp thơ Hà Đình

Tại ngôi nhà cổ của lương y Phạm Tấn Tuấn (sinh năm 1945) ở thôn Diêm Phổ, xã Tam Anh Nam, huyện Núi Thành, ngoài tấm hoành phi và cặp liễn đối rất lạ ở gian thờ, còn có các vách ván gỗ khắc nổi nhiều chữ Nho viết thảo rất đẹp. Gia chủ cho biết, đến nay, chưa gặp ai nhận dạng đầy đủ để giúp ông biết nội dung các hàng chữ được trình bày như tranh thư họa đó thể hiện những gì?

Ông Tuấn cho biết: “Cha tôi là cụ Phạm Tâm (1900 - 1982) mua lại ngôi nhà rường này - nghe nói là của một gia đình ở Hội An, qua tay một người buôn đồ cổ vào cuối năm 1946. Khi ấy nhiều gia đình ở vùng bắc Quảng Nam rời vùng Pháp tạm chiếm, tản cư vào vùng tự do ở phía nam tỉnh. Ngôi nhà được chất cẩn thận lên ghe, theo đường sông, đến Diêm Phổ. Ban đầu người bán dùng ghe chở sườn nhà vào, sau đó chở đầy đủ các cấu kiện trang trí nội thất vào tiếp. Do ngói lợp bị hao hụt khi vận chuyển, cha tôi đã giảm bốn mái thành hai mái như hiện nay. Tuy vậy mọi kiến trúc và trang trí nội thất trong ba gian chính vẫn được giữ nguyên, đặc biệt là các tấm phên lụa khắc nổi các chữ Nho”.

Đó là tám tấm ván gỗ khắc chữ được chia đều và đóng khung thành hai phên lụa nằm hai bên bàn thờ. Bên hữu, từ tấm 1 đến 4 có cả thảy 112 chữ Nho tương ứng với hai bài thơ Đường luật. Bên tả, từ tấm 5 đến 8 cũng có hai bài thơ với số chữ tương ứng. Cuối mỗi bài thơ đều khắc tên các nhan đề với cỡ chữ nhỏ hơn. Kết thúc bài 1 và bài 2 là một dòng riêng ở cuối tấm thứ 4, ghi: “Thành Thái - Ất Vị - Đông - Hà Đình - sao sứ trình thi tác” (Thành Thái - 1895 - mùa Đông - Hà Đình chép lại thơ viết trên đường đi sứ). Ở cuối tấm thứ 8 - vách trái cũng có dòng riêng ghi niên hiệu, tháng năm cho khắc và tên tác giả như bên vách kia.

Ông Phạm Tấn Tuấn trước bàn thờ nhà cổ có lưu thơ Hà Đình. Ảnh: PHÚ BÌNH
Ông Phạm Tấn Tuấn trước bàn thờ nhà cổ có lưu thơ Hà Đình. Ảnh: PHÚ BÌNH

Sau khi đọc được các chữ thảo, chúng tôi nhận ra đây là bốn bài thơ trong tập “Mỗi hoài ngâm thảo” của cụ Hà Đình Nguyễn Thuật (1842 - 1911) - một người Quảng Nam “hay chữ”, sáng tác nhiều và có nhiều thơ văn, câu đối… được người đương thời khen ngợi. Ông Nguyễn từng hai lần được vua Tự Đức phái đi sứ sang Trung Hoa (1881 và 1883). Trong sứ trình, ông đã có dịp thăm nhiều nơi và đã sáng tác nhiều bài thơ ghi lại cảm nhận riêng tư khi đặt chân đến một số di tích văn hóa - lịch sử nổi tiếng ở xứ người.

Bốn bài ghi nhan đề “Du Ngô khê”, “Đăng Nhạc Dương lâu”, “Đăng Hoàng Hạc lâu” và “Trùng đăng Tình Xuyên các” khắc trên vách phên lụa trong nhà ông Phạm Tấn Tuấn ở Diêm Phổ đều được Hà Đình viết trong hai chuyến đi sứ và đã được chép vào hai tập “Mỗi hoài ngâm thảo”; được hậu duệ lưu tại nhà thờ ở Hà Lam - Thăng Bình. Thơ Hà Đình rất bóng bẩy, chữ dùng nhiều tầng nghĩa; một số được chép lại với nét chữ thảo nên rất dễ bị nhận nhầm mặt chữ.

Hai bài thơ chữ thảo của Hà Đình ở vách bên hữu. Ảnh: PHÚ BÌNH
Hai bài thơ chữ thảo của Hà Đình ở vách bên hữu. Ảnh: PHÚ BÌNH

Xin lược dịch bài đầu và giới thiệu đầy đủ ba bài còn lại trên hai tấm phên lụa rất đặc biệt này.

Thăm suối Ngô

Trong nguyên bản tập thơ “Mỗi hoài ngâm thảo”, Hà Đình Nguyễn Thuật ghi ngay dưới nhan đề “Du Ngô khê hữu hoài Nguyên Thứ Sơn” (Thăm suối Ngô nhớ đến Nguyên Thứ Sơn) dòng chú thích cho biết: “Suối Ngô ở huyện Kỳ Dương, nguyên là nơi ở của danh sĩ Nguyên Thứ Sơn đời Đường. Bên vách đá gần suối có khắc bài tụng của Tăng Lỗ Công ca ngợi quan Trung Điển của nhà Đường”. Nguyên văn bài khắc gỗ ở Diêm Phổ như sau:

“Nhưỡng khê hà xứ mịch di phong/ Miểu miểu Ngô khê nhất thủy đông/ Chung cổ đình đài danh thử địa/ Đương niên bang bá triệu(?) như Công/ Vân khai thúy bích bi phong tại/ Tuyết mãn hương kiều cố trạch không/ Khí tiết uyển nhiên nguyên bất hủ/ Cảm tùng nhị tuyệt cánh cầu công”.

Do chưa tra cứu được hành trạng các nhân vật nói trên và hoàn cảnh viết bài tụng của Tăng Lỗ Công nên một số câu người viết không dịch được - câu không dịch xin để dấu chấm lửng. Câu 1, 2: Dấu vết ngọn nguồn dòng chảy này ở nơi đâu?/ (Chỉ thấy) man mác một dòng suối Ngô chảy về hướng đông/ Câu 3: Xưa đây là đất nên danh bởi các đền đài/ Câu 4: (…)/ Câu 5, 6: Mây tan (lộ ra) vách núi xanh (vẫn còn) sừng sững tấm bia (khắc bài tụng)/ Tuyết phủ đầy cây cầu (ngày xưa ngát hương hoa); không còn (thấy dấu vết) nơi ở của ông ngày xưa nữa/ Câu 7: (Nhưng) khí tiết sáng ngời của ông thì vẫn mãi còn/ Câu 8: (…).

Lên lầu Nhạc Dương

Bài thơ này được khắc trên nửa sau dòng cuối tấm ván lụa thứ hai và chấm dứt ở giữa tấm thứ tư: “Thủy quang sơn sắc bán tiêu trầm/ Đường Tống thi văn tự tích kim/ Ngô Sở càn khôn không nhãn giới/ Giang hồ lang miếu thử hung khâm/ Hoàng lăng viễn thụ tòng Tương phố/ Thanh thảo quy phàm quyển tịch âm/ Cổ sắt bất văn xuy địch miểu/ Hoài nhân vô hạn thác thanh ngâm”.

Dịch nghĩa: (Cảnh) núi sông (bên lầu Nhạc Dương) nay hẳn đã mất đi một nửa hình sắc (so với ngày xưa)/ (Nhưng) thơ văn đời Đường, đời Tống (viết về ngôi lầu danh tiếng này) vẫn còn đến nay!/ (Đến đây), phóng tầm mắt, không phân biệt đâu là trời Ngô, đâu là đất Sở/ (Chỉ có) tấm lòng này (đầy cảm xúc) trước đền đài, miếu mạo bên mặt hồ (Động Đình) mênh mông/ Cây trên gò Hoàng Lăng trải dài theo cửa sông Tương (đổ vào hồ Động Đình)/ Trên hồ Thanh Thảo (gần hồ Động Đình - NV) cánh buồm quay về như quyện theo ánh trời chiều/ Cầm đàn sắt gảy, không còn nghe tiếng sáo thổi nơi xa xăm/ Nỗi nhớ người (xưa?) khôn nguôi (xin) gửi vào lời ngâm tiếng hát.

Lên lầu Hoàng Hạc

Bài này khắc từ đầu tấm ván thứ 5, nguyên văn: “Trần cảnh mang mang bất ký thu?/ Thiên hoang địa thế sáng tân lâu/ Tiên ông hà xứ thừa vân hạc?/ Tha khách kim triêu thướng Đẩu Ngưu/ Giang khoát ngư long ba tiệm trướng/ Xuân thâm anh vũ thảo du sầu/ Đăng lâm khước lạc Đường nhân hậu/ Doanh đắc kỳ quan viễn hải châu”.

Dịch nghĩa: Trên chốn này, chẳng biết tự thuở nào, giữa trời đất mênh mông hiện diện một ngôi lầu mới/ (Nghe nói ở đây từng có) một Tiên ông, chẳng rõ ở cõi trời nào, cỡi hạc ghé qua/ Khiến hôm nay (ta là) kẻ sa đà (dạo bước đến thăm) phải ngẩng mặt nhìn lên sao Đẩu, sao Ngưu (tìm kiếm)/ Bên vực Ngư Long, sóng triều dần lên trên dòng sông rộng/ Ở bãi Anh Vũ, cỏ thảm đạm uốn lượn (theo gió) trong mùa xuân chín/ Lên lầu xem, lại nối theo niềm vui của người nhà Đường thời trước/ Thừa thãi (niềm hứng khởi) vì được xem trọn một kỳ quan của miền đất xa ở tận xứ người.

Lại lên gác Tình xuyên

Đây là bài cuối khắc trên khoảng giữa tấm thứ 7 đến gần hết tấm ván thứ 8: “Tạc lai Hán chử thụ thương thương/ Quy khứ Phương châu thảo dĩ huỳnh/ Sơn sắc dữ nhân thành tiểu biệt/ Giang lưu chung cổ tống tà dương/ Lâu đài ảnh ngoại tân phiên bạc/ Tiêu cổ thanh trung cựu chiến trường/ Cao các đăng lâm sinh viễn cảm/ Thiên nhai huống thị khách tư hương”.

Dịch nghĩa: Mới đến (thấy sắc) cây còn xanh trên bãi sông Hán/ (Khi chuẩn bị) quay về Phương Châu (thấy màu) cỏ đã vàng/ Sắc núi (như) cùng người (làm) cuộc chia ly nhỏ (chơi chữ: Tiểu Biệt: tên ngọn núi ở gần sông Hán Khẩu - NV)/ Dòng sông vẫn mãi trôi (như dõi theo để) tiễn ánh mặt trời chiều/ Ngoài kia (trên mặt nước) là bóng các lâu đài và bóng các chiếc tàu buôn lớn của người Âu/ Tiếng tiêu tiếng trống vang trong bến (gợi nhớ) nơi đây từng là chiến trường xưa/ Lên tận lầu cao này (bỗng) sinh những cảm xúc xa xôi/ Nơi (góc bể) chân trời (mênh mông) này làm sao không khỏi (dấy lên) trong lòng khách (đến thăm) nỗi nhớ quê nhà.

Trong hai tập “Mỗi hoài ngâm thảo” còn lưu, gặp chú thích của tác giả về các địa danh trong bài này như sau: “Hán dương hữu sơn biệt danh Tiểu Biệt; Hán Khẩu phụ đầu đa hữu ngoại dương thương bạc” (phía Bắc sông Hán Khẩu có núi mang tên Tiểu Biệt; cửa sông Hán Khẩu có nhiều tàu buôn lớn nước ngoài).


 PHÚ BÌNH

Comment

Facebook Instagram Youtube Twitter Google+ Top