Đại Lộc- Đón nhận Bằng xếp hạng di tích cấp tỉnh mộ cụ Lương Thúc Kỳ

UBND xã Đại Lãnh (Đại Lộc) vừa tổ chức lễ đón nhận Bằng di tích lịch sử cấp tỉnh mộ cụ Lương Thúc Kỳ.

Cụ Lương Thúc Kỳ sinh năm Quý Dậu (1873) tại làng Hà Tân, xã Đại Lãnh trong một gia đình nhà nho hiếu học. Ở tuổi 27 (tức năm 1900), cụ đỗ cử nhân, đồng khoa với Huỳnh Thúc Kháng, Phan Châu Trinh… và là người đầu tiên đỗ cử nhân của huyện Đại Lộc thời bấy giờ.

Lãnh đạo và nhân dân huyện Đại Lộc viếng hương mộ cụ Lương Thúc Kỳ. Ảnh: N.DUY
Lãnh đạo và nhân dân huyện Đại Lộc viếng hương mộ cụ Lương Thúc Kỳ. Ảnh: N.DUY

Sau khi thi đỗ, cụ được triều đình nhà Nguyễn cử ra làm Hậu bổ tại tỉnh đường Bình Thuận; năm sau làm Tri huyện Tuy Phong, cũng ở Bình Thuận. Năm 1908, Lương Thúc Kỳ bị cách chức và bắt giam hơn một năm tại nhà lao Phan Thiết vì tội tham gia phong trào chống sưu thuế khởi đi từ quê hương Đại Lộc rồi lan rộng khắp Trung Kỳ.

Trong hơn 10 năm nghỉ việc quan, Lương Thúc Kỳ giảng dạy tại các trường tân học. Kiến văn uyên bác, thi phú tài hoa và uy tín của ông được giới nhân sĩ, thanh niên khắp ba kỳ biết đến. Để định chế một nhân vật như vậy, triều đình Huế tái bổ Lương Thúc Kỳ làm Huấn đạo tại Quảng Nam rồi lần lượt ở các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Phú Yên. 

Mộ cụ Lương Thúc Kỳ ở Đại Lãnh. Ảnh: N.DUY
Mộ cụ Lương Thúc Kỳ ở Đại Lãnh. Ảnh: N.DUY

Năm 1919, ông được triệu về Sở Tu thư tại kinh thành Huế. Tại đây, Lương Thúc Kỳ tham gia vào ban chủ biên các bộ sách quan trọng của triều đình: Hán Việt từ điển, Thừa Thiên địa lý chí, Thừa Thiên đăng khoa lục... 

Đặc biệt, trong thời gian 5 năm làm quan ở Huế, Lương Thúc Kỳ đã dày công soạn bộ Quốc ngạn gồm 1.500 liên, tức 3.000 câu ngạn ngữ và được NXB Tiếng Dân in năm 1931. Năm 1923, ông nghỉ hưu với tước vị Hàn lâm viện Thị độc học sĩ. Hai năm sau được truy thăng Quan lộc tự thiếu khanh, hàm tứ phẩm. Hai năm sau, ông mất, hưởng thọ 75 tuổi.

Trước những công lao to lớn của cụ Lương Thúc Kỳ đối với đất nước và quê hương, ngày 10.6.2019, UBND tỉnh có Quyết định số 1693 về việc xếp hạng di tích cấp tỉnh đối với di tích mộ cụ Lương Thúc Kỳ. Đây không chỉ là niềm vinh dự của gia tộc tộc Lương mà còn là niềm tự hào chung của cán bộ và nhân dân huyện Đại Lộc.


H.LIÊN - N.DUY


Comment

Facebook Instagram Youtube Twitter Google+ Top