Chuyến tuần du Quảng Nam của vua Minh Mạng

Đối với 9 đời chúa và các vua đầu triều Nguyễn, đất Quảng Nam có phố Hội An, núi Ngũ Hành luôn là một nơi đến kỳ thú. Riêng vua Minh Mạng (1820 - 1841) - người được xem là văn võ song toàn - trong 21 năm cầm quyền của mình đã tuần du đến Quảng Nam ba lần, vào những năm 1825, 1827 và 1837. Chuyến đi cuối cùng lưu lại nhiều kỷ niệm sâu sắc nhất trên mảnh đất “địa linh, nhân kiệt” này.

Quốc sử quán triều Nguyễn chép: “Đinh Dậu, Minh Mạng năm thứ 18 (1837), mùa hạ, tháng tư ngày mùng một; vua đi tuần du tỉnh Quảng Nam, trước khi xuất hành, sai Thị lang bộ Hộ là Vũ Đức Khuê đi trước, đến hành cung dọc đường dò xét dân tình, truyền dụ rằng: “Thăm địa phương, xem phong hóa là việc lớn của Nhà nước; Ngu, Thuấn đời thịnh còn có việc 5 năm 1 lần đi tuần, huống chi Quảng Nam là nơi gần kinh kỳ, đã gần 10 năm nay chưa từng đi tới, lòng dân trông ngóng đã lâu, năm ngoái định muốn đi tuần, lại vì mưa lụt hoãn lại. Nay tiết trời hòa thuận, năm lại được mùa, cử hành điển lễ to lớn… vốn để xem phong tục, xét quan lại, gia ơn cho các làng, khiến cho dân ta có lợi không hại...” (Đại Nam thực lục, Tập 5, Nxb Giáo dục 2004, trang 67 - 68).

Trước chuyến đi này xảy ra một sự kiện: Năm 1836, một số huyện thuộc trấn Quảng Nam bị mất mùa nghiêm trọng. Minh Mạng dự kiến tiến hành ngự lãm Ngũ Hành Sơn thì quan Hiệp trấn Quảng Nam lúc bấy giờ là Phan Thanh Giản dâng sớ can gián vua nên sau đó đã bị giáng cấp sung quân ở đồn Trà My. Và sau đó một năm, cuộc tuần du của vua vẫn cứ tiến hành như đã định. Thực ra chuyến đi này của Minh Mạng nói lên được rất nhiều điều, thể hiện qua lời tuyên dụ là để: xem xét đổi mới, xem địa phương, xét quan lại, gia ân cho các làng...

Xem địa phương

Trước hết, với việc “xem địa phương”, có thể nói ngoài huyện Tống Sơn, Thanh Hóa và Thừa Thiên - Huế thì Quảng Nam là mảnh đất có sự gắn bó với dòng họ Nguyễn Phước sớm nhất và gần gũi nhất, được các chúa Nguyễn xem như quê hương của mình… Trải từ vua Gia Long cho đến vua Tự Đức rồi Thành Thái, Khải Định, vị nào cũng đi Quảng Nam. Tài nguyên phong phú, vị trí chiến lược quan trọng là hai yếu tố để Quảng Nam trở thành vùng đất luôn được các chúa, vua Nguyễn coi trọng.

Khi đến hành cung Vĩnh Điện, Minh Mạng nhận thấy sau chiến tranh với Tây Sơn, Hội An đã xuống cấp, vị trí của Hội An ngày càng mờ nhạt, đã nhường lại vị trí  thương cảng hàng đầu cho Đà Nẵng nhờ vào địa thế đặc biệt của nó. Chính trong chuyến đi này ông đã triệu Hộ phủ Hồ Hựu, lãnh binh Nguyễn Văn Lượng tại tỉnh Quảng Nam nhắc nhở rằng: “Cửa biển này, hai bờ giáp núi, thuyền tàu ra vào không dễ” vì thế “cần phải đào giếng chứa nước ở đài thành để phòng khi có cấp báo”. Ðồng thời nhà vua cũng cho thành lập các xưởng để hiện đại hóa việc đóng tàu thủy chạy bằng hơi nước, chỉ đạo tiếp tục khơi thông rộng  sông đào Câu Nhí ngoài việc tưới nước và giao thông còn có mục đích khai mở công cuộc xuất khẩu hàng hóa sang các nước lân cận.


Lăng Minh Mạng. (Nguồn: Internet)

Riêng với Hội An, trong những lần vua Minh Mạng tuần du vào Quảng Nam, cư dân ở đây đã ghi dấu ấn của mình bằng một đặc sản của địa phương, dâng tiến loại bánh đậu xanh thượng hạng để ngài ngự dụng. Thực tế, bánh in bột đậu xanh ở Hội An có lịch sử lâu đời, là một món quà có giá trị được cư dân địa phương dùng để dâng tặng các quan lại, sách Đại Nam nhất thống chí, quyển II, tập VII, trang 397 ghi: “Bánh đậu xanh ở Hội An là ngon nhất ”.

Xét quan lại

Thứ đến, là việc “xét quan lại”. Được xem là một ông vua năng động và quyết đoán, luôn thức khuya dậy sớm để xem xét công việc, Minh Mạng là người đã chia nước ta ra làm 31 tỉnh, tổ chức lại bộ máy Nhà nước thống nhất từ Trung ương đến làng xã theo một trật tự chặt chẽ. Ông cũng không ngần ngại cách chức, thậm chí chém đầu một viên quan đốc công đào sông Câu Nhí vì có biểu hiện nhũng nhiễu dân gây nhiều tai tiếng.

Dễ hiểu vì sao ông lại giáng tội Phan Thanh Giản dù rằng những lời tâu của viên quan này là hoàn toàn đúng, nhưng với Minh Mạng thì đó là sự “phạm thượng” và là biểu hiện của cát cứ, chuyên quyền địa phương, phải răn đe để thể hiện uy quyền và đảm bảo một xã hội được tổ chức theo chính sách Trung ương tập quyền với quyền lực của nhà vua là tối thượng. Dẫu vậy, sau chuyến đi, khi nhận ra sự thật và tấm lòng của Phan Thanh Giản, ông đã truyền dụ phục chức: “duy trước đã giáng bổ, tội không xét lại, chuẩn cho cung chức như cũ, tha cho nghị lại, vậy sai bộ Lại thông dụ cho trong ngoài đều biết” (sđd, trang 71). Đồng thời vua ban khen, thưởng cho Kinh doãn và quan tỉnh Quảng Nam cùng các người làm việc như lãnh binh, quản vệ cơ, phủ huyện đều gia một cấp, các biền binh làm việc đều thưởng tiền lương một tháng, ty lại binh đinh cùng các trạm dọc đường đều thưởng cho có cấp bậc. Chính điểm này càng khẳng định cái tâm và tầm của Minh Mạng.

Vị vua “cận nhân tình”

Cuối cùng, đó là vấn đề “gia ân cho các làng, dân tình đều thỏa thuận”. Phải nói rằng, Minh Mạng là một vị vua rất “cận nhân tình”. Trước chuyến đi, ông đã lệnh đặt trước các sở hành cung (nơi vua dừng nghỉ) một cái trống, gọi là trống đăng văn. Ai có điều gì oan uổng thì đánh trống kêu bày, các quan ở 6 bộ cùng quan đạo đi theo vua lần lượt thu nhận đơn, rồi thực tâu lên, để biết hết sự tình cuộc sống muôn dân; mỗi ban một ngày đêm, đường quan cùng khoa đạo đều 2 người  để tránh những chuyện hối lộ, mờ ám.

Biết rằng những chuyến tuần du dù thế nào cũng sẽ tốn kém và gây phiền toái cho quan lại địa phương và dân chúng nên Minh Mạng lệnh trích ngân khố trả tiền công, tiền vật liệu các sở hành cung dọc đường với giá hợp lý (Quảng Nam giá phải đắt hơn Thừa Thiên do rừng hơi xa, lấy vật liệu hơi khó, làm các sở hành cung vững chắc, rộng rãi chỉnh tề hơn). Vua lại thưởng tiền dân các xã bày hương án quỳ đón 20 quan tiền; các xã thôn không ở ven đường mà tình nguyện đặt hương án quỳ đón (thuộc Quảng Nam 58 xã thôn) đều thưởng 10 quan tiền. Lại dụ: “tha thuế thân cho toàn hạt, để thỏa lòng trông mong của dân ta” (sđd, trang 71).

Điều đó không có gì là lạ, bởi chính những điều mắt thấy, tai nghe đã khiến Minh Mạng đưa ra những quyết sách cụ thể và tức thì, rất hợp lòng dân, sử cũng ghi lại: “làng mạc vui vẻ, dọc đường đốc hương cúi lạy, đèn lửa huy hoàng, ông già trẻ con hoan nghênh sợ chậm. Xem lòng dân kính yêu xuất tự lòng thành, tình thực vui mừng được đón rước”. Những điều đó vẫn còn hiện diện trong sách sử, trong ký ức, lời kể của các bậc tiền nhân đã cho chúng ta những ấn tượng đẹp về vị vua với cá tính, phong cách và bản lĩnh độc đáo này.

...

Hàng trăm năm trôi qua kể từ chuyến tuần du ấy, nhưng bài học về gần dân, sâu sát cơ sở, về sự công tâm chính trực, sáng suốt của người trị vì mà vua Minh Mạng đã đem lại vẫn còn nguyên giá trị trong xã hội thời nay.

NGUYỄN HOÀI QUẢNG


Comment

Facebook Instagram Youtube Twitter Google+ Top