Về bãi ngang kéo rùng
1. Quệt mớ mồ hôi đầm đìa trên khuôn mặt, bà Lẹ cầm chai nước mát tu ừng ực một lèo ngon lành. Đây mới là mẻ rùng thứ hai trong ngày nhưng cái nắng gắt tháng Năm khiến nhiều phụ nữ trong nhóm thở hổn hển.
“Một ngày kéo nhiều nhất khoảng 5 mẻ rùng thôi, mỗi lần mất cũng hòm hòm 2 tiếng đồng hồ chớ ít chi. Nhiều bữa kéo xong về ngủ đến sáng hôm sau dậy đi không nổi. Tuy mệt nhưng cũng ham lắm, kiếm được mớ cá bán mới có đồng ra đồng vô đi chợ” - bà Nguyễn Thị Lẹ (trú Duy Hải, Duy Xuyên) bộc bạch.
Nói đoạn, bà Lẹ buông chai nước bước vội qua đụn cát để trở lại với đội hình, chuẩn bị “vào vị trí” cho một mẻ kéo mới. Nhẩm đếm, có 5 phụ nữ. Họ đều trạc từ 40 đến 50 tuổi. Trông họ có dáng vẻ cao lớn với những đường nét thô mộc quen thuộc như người đàn bà làng chài trong “Chiếc thuyền ngoài xa” của nhà văn Nguyễn Minh Châu.
Lúc này, một lão ngư vạm vỡ tất tả chèo thúng chở rùng ra phía biển. Thúng đi đến đâu thì thả rùng đến đấy. Chỉ mươi phút sau, chiếc thúng đã vẽ một đường cong như vầng trăng khuyết. Lúc này, nhóm người gồm 5 nam, 5 nữ hì hục kéo. Chẳng có tiếng hô đồng thanh “một, hai, ba” nhưng nhịp kéo vẫn đều tăm tắp.
Cảm tưởng như họ đang thể hiện một tiết mục biến tấu của nghệ thuật diễn xướng bả trạo. Còn nếu nhìn biển cả là một sân khấu thì trông họ chẳng khác gì những diễn viên đang trình diễn nghệ thuật sắp đặt.
Kéo rùng là nghề truyền thống ở xã bãi ngang Duy Hải. Ảnh: TUẤN CHÂU
Tiếng thở dốc càng lúc càng rõ. Khi rùng sắp cập bờ, có mấy người vừa kéo vừa nhấp nhổm. Phù! Những tràng cười rôm rả vang lên khi mẻ cá tươi sòng sọc, giãy giụa trong tấm rùng dưới ánh nắng lấp loáng.
Mọi người xúm xít lại gỡ. La liệt cá ông già, cá bi, cá nhám… To có, nhỏ có. Thương lái chờ sẵn trên bờ, tách ra xong là họ... chốt đơn luôn. Bà Nguyễn Thị Đào hớn hở: “Con ni cũng phải 5 ký, bán hơn triệu bạc. Ngày ni chắc trúng, vị chi chị em mỗi người chia nhau cũng được hơn năm, sáu trăm ngàn. Nói chung cũng phải nhờ một phần vô kinh nghiệm chọn chỗ thả rùng của mấy lão ngư nữa”.
Một tấm rùng dài chừng 200m đến 300m, bao gồm lưới, chì và gạch đúc để cố định lưới. Mấy năm nay, người dân không kéo bằng tay nữa vì tốn sức quá, mà mỗi người thắt thêm một cái dây quanh bụng nối với rùng rồi cứ thế vừa đi thụt lùi, vừa kéo.
Từ lâu, họ đã biết nương theo con sóng của mỗi ngày đi lên hay đi xuống để dễ kéo rùng vào bờ hơn và xác suất cá, tôm mắc lưới cũng nhiều hơn. Khi đang kéo thì bất cứ ai cũng không được bước ngang qua rùng. Thông thường hằng năm, cứ ra sau tết mãi đến khi mùa biển sắp trở động là lại thấy người Duy Hải kéo rùng.
Ông Nguyễn Văn Thống - Chủ tịch UBND xã Duy Hải chia sẻ, nghề kéo rùng đã tồn tại ở vùng bãi ngang Duy Hải từ lâu đời, người dân kéo được cá thì đem vô chợ Nồi Rang đổi mớ rau, lon gạo những mong dắt díu nhau qua đận gian khó…
Hiện nay, chỉ còn khoảng 3 nhóm với khoảng 30 người thường xuyên hành nghề này trong mùa biển êm. Trong cơn lốc đô thị hóa ở miệt biển mấy năm gần đây thì việc bà con vạn chài còn giữ được nghề kéo rùng cũng là một chuyện đáng mừng vì nét văn hóa độc đáo của quê hương.
2. Đứng trưa. Một dải biển dài hun hút vắng ngắt. Nhóm phụ nữ ngồi bệt trên nổng cát ăn sùm sụp tô mì Quảng ngon lành. Họ túm tụm bàn tán, rồi hướng cái nhìn về khu phức hợp du lịch sang trọng cách đó không xa. Có mấy đứa con của họ đang làm ở đó.
Non chục năm trước, chỗ đó chỉ có bạt ngàn vườn điều, rặng dương liễu heo hút gió cát. Gạt chiếc nón cời phe phẩy quạt. Họ chép miệng thầm thì với nhau điều gì đó. Có lẽ họ chỉ mong bọn trẻ sau này sẽ thôi cảnh ăn chạy long đong như mình.
Bà Lẹ sẽ sàng: “Thực ra hồi trước mình làm cái ni cũng chỉ là thời vụ thôi. Giờ dự án lan đến, đất sản xuất bấy lâu thu hẹp chỉ còn lại một ít, nông sản làm ra bán chỉ ba cọc, ba đồng nên kéo rùng dần trở thành nghề kiếm cơm của gia đình luôn rồi”.
Một người đàn ông trong nhóm nhẩm tính: “Chia theo sức lao động, tính ra mỗi người mỗi ngày cũng được đôi ba trăm, lâu lâu có ngày trúng, người kéo nhiều được hơn cả triệu đồng. Rứa là cũng khá đó chớ. Nhất là thời buổi dịch bệnh bây chừ dễ chi làm ra đồng bạc”.
Bây chừ đến Duy Nghĩa - Duy Hải, người ta rổn rảng bàn về đô thị mới, về “lô này, nền nọ, khu kia” chứ hiếm khi trong câu chuyện nhắc về con cá, cái thúng chai. Đến đây lòng vòng một hồi từ lộ ra biển hoặc lững thững vào mấy con đường trải nhựa dở dang còn lõm lồi sỏi đá, kiểu gì cũng bắt gặp mấy tờ rơi, áp phích chào bán đất nền hoặc vay ưu đãi.
Ông Đặng Văn Minh - Phó Trưởng phòng VH-TT huyện Duy Xuyên cho rằng, việc bảo tồn các giá trị văn hóa cả vật thể, phi vật thể ở vùng đông của huyện đang đứng trước thách thức lớn bởi đô thị hóa, sự phát triển của du lịch - dịch vụ.
Một nhóm kéo rùng có khoảng 8 đến 10 người. Ảnh: TUẤN CHÂU
Thực ra, một số dự án, nhất là phát triển du lịch sinh thái không nhất thiết phải giải tỏa toàn bộ mà cần giữ lại xen kẽ các làng chài, rặng dừa, các nghề truyền thống. Nếu quy hoạch tốt thì việc này còn giúp dự án tăng thêm giá trị bởi nó vẫn duy trì được nét văn hóa, các giá trị đặc trưng bản địa để du khách trải nghiệm.
Từ lâu, tour du lịch trên sông Đế Võng hoặc rừng dừa Bảy Mẫu (Hội An) khám phá sông nước và xem ngư dân quăng chài đã rất “hot”. Ở mạn Tam Thanh (Tam Kỳ) hay ngược lên hồ Phú Ninh, mỗi đoàn khách muốn trải nghiệm việc kéo lưới cùng người dân dưới ánh bình minh cũng phải chi phí lên đến cả triệu đồng một lần.
Ra bãi ngang Duy Hải, ngược tầm mắt chếch về phía bắc là Hoiana, ngoảnh lui về phía nam một chút là Vinpearl Nam Hội An. Khách khứa tấp nập, mà toàn là khách cao cấp. Một số doanh nghiệp khi đầu tư còn mỏi mắt tìm các điểm du lịch cộng đồng làm vệ tinh để khách “đổi gió” sau khi tiêu tiền. Chợt nghĩ, nếu có đơn vị nào đó đứng ra “đỡ đầu” bán cái tour kéo rùng này cho khách thì lợi đủ đường.
“Mấy chú nhắm có kéo nổi không? Có muốn kéo thử không? Vào đây kéo một tay với tụi tui nè” - bà Đào vừa ngoắc tay vừa hét vọng vào. Mặt trời dần ngả bóng nhưng vẫn nóng như đổ lửa. Chỉ mới kéo mươi phút nhưng chúng tôi đã mồ hôi nhễ nhại. Có lẽ, họ mến khách nên mới mời làm thử chứ có thêm người tay ngang, nghiệp dư vào cũng chẳng đỡ sức đi được bao nhiêu.
“Thỉnh thoảng cũng có mấy ông Tây, bà Tây lang thang ngắm biển rồi đứng sững cả buổi nhìn chúng tôi kéo rùng. Trông họ khoái lắm, có người cũng xin xắn tay vô kéo thử. Kéo cho vui thôi chứ họ chân tay lóng ngóng làm đâu có được” - bà Đào vui vẻ kể trong quãng nghỉ lấy đà.
Rùng vào, đàn ông, phụ nữ lại xúm xít gỡ lưới. Những con cá lớn thảy hết cho tiểu thương. Mớ cá vụn còn sót lại được chia cho từng người mang về nấu bữa cơm nhà. Thù lao cho chúng tôi - những kẻ góp tay “vịn lưới” là hai con cá bi tươi rói. Ai nấy cũng đều hồ hởi thu rùng bỏ mặc bộ đồ ướt sũng vị mặn của mồ hôi và nước biển.
Hoàng hôn xuống rồi, bóng ngư phủ đổ dài theo nắng, khuất dần phía đầu làng. Xa xa, chỉ còn vọng lại những tràng cười bất tận của họ từ những câu chuyện không đầu không cuối, từ sự hào phóng và bảo bọc của biển cả…
QUỐC TUẤN - TẤN CHÂU