Tết truyền thống của các quốc gia Đông Nam Á

Đông Nam Á là một không gian văn hóa đa dạng, nhiều màu sắc. Trong đó, phong tục đón năm mới là một trong những hoạt động văn hóa đặc sắc nhất của cộng đồng dân tộc các quốc gia Đồng Nam Á. Tùy theo quan niệm về thời gian, tôn giáo, tiết trời… mà việc đón năm mới của các dân tộc không giống nhau.

1. Thái Lan

Tết cổ truyền của đất nước Thái Lan có tên gọi là Songkran được tổ chức từ ngày 13 đến 15/4 hàng năm. Đây là thời điểm người Thái tỏ lòng kính trọng với Đức Phật.

Ngày Wan Nao (tương tự như ngày 30 của Tết cổ truyền Việt Nam) – ngày dành riêng để chuẩn bị đồ ăn trong những ngày lễ sắp tới. Theo tập tục, người dân sẽ tới bờ sông và thi nhau dựng các ngôi chùa bằng cát, mỗi hạt cát sẽ cuốn đi một tội lỗi. Mở đầu là một số nghi lễ trên chùa vào lúc sáng sớm, người dân sẽ cúng đồ ăn và quần áo. Còn tại nhà, các bức ảnh của Đức Phật sẽ được lau và vẩy nước thơm.

Wan Payawan cũng là ngày bắt đầu của lễ hội té nước. Cuối cùng là ngày Wan Parg-bpee – Ngày để cầu nguyện, tưởng nhớ người già, tổ tiên và rắc nước thiêng.


LỄ HỘI TÉ NƯỚC.

2. Malaysia

Đất nước Malaysia lấy ngày đầu năm của lịch Hồi giáo làm ngày lễ Tết. Trong dịp năm mới, khi gặp gỡ nhau, người Malaysia có tục lệ chạm nhẹ bàn tay mình vào lòng bàn tay người đối diện, sau đó nắm tay lại rồi áp sát vào tim trong khoảng thời gian ngắn. Người nào lớn tuổi hơn thì chào hỏi trước. Tuy nhiên, việc chủ động chạm tay vào tay người phụ nữ là điều hết sức cấm kỵ tại quốc gia này.

Trong dịp này, Malaysia tổ chức nhiều hoạt động vui chơi, điển hình là cuộc thi “đấu lông công”, thu hút nhiều người tham dự và cổ vũ.

TẾT Ở MALAYSIA.

3. Myanmar

Tại khu vực Đông Nam Á, Tết té nước Thingyan – Lễ đón mừng năm mới của người Myanamar, tương tự lễ Songkran ở Lào và Thái Lan cũng như tết Chaul Chnam Thmey ở Campuchia, được bắt đầu từ ngày 12/4 với nhiều hoạt động trên cả nước.

Lễ hội Thingyan xuất phát từ một câu chuyện truyền thuyết liên quan đến các vị thần. Người Myanmar tin rằng, nước sẽ giúp gột rửa những điều không tốt và bệnh tật, đồng thời đem lại sức khỏe và hạnh phúc.

Tết té nước Thingyan là sự kiện quan trọng nhất trong số 12 lễ hội hàng năm tại Myanamar. Người dân tin rằng lễ hội sẽ mang đến hòa bình, thịnh vượng.


LỄ HỘI TÉ NƯỚC Ở MYANMAR.

4. Brunei

Lễ truyền thống quan trọng nhất trong năm của người Brunei được gọi là Hari Raya diễn ra từ ngày 26 đến 28/6, có ý nghĩa tương tự như những ngày Tết của các nước khác.

Trong đêm trước Hari Raya, các gia đình cũng bận rộn chuẩn bị và nấu đồ ăn. Trong suốt 4 ngày lễ, các hoạt động, lễ hội truyền thống được chia ra thực hiện cụ thể rất đặc biệt.

Hari Raya là dịp duy nhất trong năm Hoàng cung Brunei mở cửa chào đón khách thăm quan. Đặc biệt, dịp này du khách sẽ gặp mặt trực tiếp và bắt tay Vua, Hoàng hậu cùng các thành viên gia đình Hoàng gia giàu có bậc nhất thế giới này.


Lễ truyền thống quan trọng nhất trong năm của người Brunei được gọi là Hari Raya

5. Campuchia

Tết cổ truyền của người Campuchia, còn gọi là tết Chol Chnam Thmay diễn ra trong 3 ngày từ 13 – 15/4 Dương lịch hàng năm. Trong những ngày này, người dân Campuchia thực hiện những lễ nghi tín ngưỡng cầu may như: làm mâm cơm dâng cúng Phật và tổ chức lễ tắm tượng Phật; đắp những núi cát nhỏ trên sân chùa…

Sau những lễ nghi trên, họ mới đến chúc Tết cha mẹ, người thân, bạn bè. Thay cho lời chúc mừng đầu năm, người dân chào đón năm mới với nghi thức dội nước lên người nhau, với quan niệm: Người nào được té nhiều nước thì càng thêm nhiều niềm vui, may mắn trong năm.

Tết tại Campuchia còn diễn ra nhiều hoạt động vui chơi sôi nổi như: đua ghe ngo, ca hát và múa những điệu múa cổ truyền…


Tết Chol Chnam Thmay diễn ra trong 3 ngày từ 13 – 15/4 Dương lịch hàng năm.

6. Philippines

Năm mới ở Philippines diễn ra từ ngày 30/12 (Dương lịch) cũng chính là dịp lễ kỷ niệm ngày Philippines Jose Lisarơ – nhà thơ yêu nước, người anh hùng dân tộc khởi xướng phong trào độc lập, vì thế ngày nay người ta còn gọi là “ngày anh hùng”.

Tại Philippines, dù Giáng sinh là ngày lễ được chờ đợi nhất trong năm, nhưng Tết dương lịch lại là ngày vui nhất, rộn rã và náo nhiệt nhất. Ngày tết là dịp để những người trong gia đình suy ngẫm về những chuyện đã diễn ra trong một năm qua, và cùng hướng về tương lai với những hy vọng tươi sáng.

Đối với người Philippines, ngày tết biểu tượng cho sự thay đổi, hy vọng, cơ hội sửa sai và làm những điều tốt đẹp.

Người dân Philippines đón chào năm mới với những đồ vật hình tròn. Họ thường ăn 12 loại hoa quả có hình tròn – mỗi quả tượng trưng cho một tháng trong năm. Đối với họ, hình tròn có ý nghĩa về tiền tài và sức khỏe bởi hình dạng đồng xu của đất nước Philippines cũng có hình tròn.


TẾT PHILIPPINES.

7. Singapore

Tết ở Singapore nhộn nhịp với hàng loạt lễ hội mang đậm phong cách phương Tây xen lẫn nét văn hoá truyền thống của người Trung Quốc. Trong những ngày này diễn ra các cuộc thăm viếng, chúc Tết và đi chùa cầu may.

Tại Singapore, phần quan trọng nhất của năm mới chính là bữa cơm tất niên của cả gia đình vào đêm Giao thừa. Dù bữa cơm đó có làm ở nhà hay ở nhà hàng thì cá vẫn là món ăn không thể thiếu. Bởi người Singapore cho rằng ăn cá vào đầu năm sẽ mang lại may mắn.

Người dân Singapore thường tặng nhau những trái quýt căng mọng là biểu tượng của sự may mắn.

8. Indonesia

Indonesia là một quốc gia có nhiều tôn giáo và sắc tộc, do đó cách đón Tết cũng rất đa dạng và khác biệt. Đó là Tết của người Hồi giáo (Tahun Baru Hijiriah), Tết của người Hindu tại đảo Bali (Tahun Baru Saka hay Nyepi) và Tết của người Hoa (Tahun Baru Imlek).

Tết ở Indonesia được chuẩn bị rất công phu và tốn nhiều thời gian. Người dân nước này cùng nhau dựng những ngai thờ cao 2m bằng gạo nhuộm đủ mầu sắc, bằng những trái dừa, lá dừa và cây mía để tế thần linh. Các sản phẩm thủ công mỹ nghệ sặc sỡ được bày trong nhà tế thần. Một đám rước lớn diễu hành khắp nơi rồi người ta đem kiệu thần dìm xuống nước, mở màn cho các cuộc vui tưng bừng đón mừng Năm mới.

9. Lào

Năm mới của nhân dân Lào bắt đầu từ ngày 13-15/4 Dương lịch. Theo truyền thống cách đây hàng nghìn năm, mỗi khi Tết đến xuân về, người Lào lại tổ chức lễ hội té nước.

Vào những ngày Tết Bun Pi May, người Lào tổ chức các hoạt động vui chơi giải trí với nhiều hình thức phong phú, hấp dẫn, phù hợp đặc điểm dân cư, tập quán của từng vùng.

Ðối với người Lào, ở đâu có tiếng trống nổi lên và điệu múa Lăm-Vông làm xốn xang lòng người thì ở đó vui từ đêm đến sáng.

10. Việt Nam

Người Việt Nam tổ chức đón năm mới theo Âm lịch, gọi là tết Nguyên Đán. Tết Nguyên Đán là một ngày lễ quan trọng nhất trong văn hóa của người Việt Nam.

Tết bắt đầu cho việc khởi đầu một năm mới với những điều tốt đẹp nhất, hy vọng một năm mới an lành, may mắn, thành công.

Hàng năm, Tết được tổ chức vào ngày mồng 1 tháng 1 theo Âm lịch trên đất nước Việt Nam và ở một vài nước khác có cộng đồng người Việt sinh sống.

Tết Nguyên Đán cũng chính là việc mọi người trở về nhà sum họp, hỏi thăm nhau sau một năm dài xa nhà. Đây là một ngày lễ rất quan trọng với người Việt, bởi vậy trong ngày Tết cổ truyền này, có những phong tục tập quán đã được lưu truyền từ xa xưa cho đến tận bây giờ và dần trở thành nét đẹp trong văn hóa ngày Tết như: tục cúng ông Công, ông Táo (23 tháng Chạp, tháng 12 Âm lịch), đi thăm mộ tổ tiên, dọn dẹp, trang hoàng nhà cửa trước Tết, bày mâm ngũ quả, làm lễ cũng tổ tiên, cúng giao thừa, xông đất, hái lộc đầu năm, đi chúc Tết và lì xì… Bánh chưng, bánh tét là món ăn không thể thiếu trong ngày Tết của người Việt Nam.

Tết cũng là dịp để người Việt Nam bày tỏ thành kính và biết ơn đến ông bà, cha mẹ, thăm hỏi họ hàng làng xóm và cùng chúc nhau những điều may mắn. Trong dịp này, các hoạt động văn hóa – văn nghệ truyền thống cũng được tổ chức sôi nổi.

M.Đ

Comment

Facebook Instagram Youtube Twitter Google+ Top