Hậu quả lâu dài của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung
21/05/2019 08:14
1423
Căng thẳng thương mại gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc nếu tiếp tục kéo dài và và leo thang sẽ dẫn đến tình trạng suy thoái vào năm tới, các chuyên gia kinh tế cảnh báo.
Mới 2 tuần trước, Washington và Mỹ dường như sắp đạt được thỏa thuận để chấm dứt cuộc chiến thương mại gây tổn thất cho những doanh nghiệp Mỹ đang dựa vào sản phẩm sản xuất ở Trung Quốc, làm gia tăng chi phí cho các công ty và người tiêu dùng Mỹ, cũng như góp phần làm giảm tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc.
Nhưng tranh chấp đó đang tăng nhiệt thêm sau khi Mỹ áp mức thuế 25% lên gần 200 tỷ USD hàng nhập từ Trung Quốc, bắt đầu từ hôm 10/5, và đang chuẩn bị tăng thêm thuế lên tất cả hàng hóa Trung Quốc từ cuối năm nay. Đáp lại, Bắc Kinh áp chính sách thuế trả đũa, bắt đầu từ ngày 1/6.
Một chiến dịch khơi gợi không khí chiến tranh và bày tỏ lòng yêu nước trước cuộc chiến thương mại đã được phát động trên báo đài Trung Quốc.
Sự đảo ngược giọng điệu của hai quốc gia đang khiến giới đầu tư bồn chồn và lo ngại về nguy cơ suy thoái kinh tế sắp kéo đến, hơn 1 thập kỷ sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu gần đây nhất.
Chiến tranh thương mại kéo dài khiến giới đầu tư lo lắng về nguy cơ suy thoái kinh tế đang ở phía chân trời. (Ảnh: Roy Issa)
“Nếu tình trạng này kéo dài đến cuối năm nay, bạn sẽ phải lo lắng nhiều hơn về tăng trưởng”, SCMP dẫn lời ông Esty Dwek, giám đốc thị trường toàn cầu của hãng quản lý tài sản toàn cầu Natixis Investment Managers.
“Tôi không cho rằng suy thoái sẽ xảy ra năm 2019, nhưng nó có thể đến khoảng năm 2020”, ông Dwek nhận định.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dự kiến sẽ gặp nhau bên lề thượng đỉnh G20 tại Osaka, Nhật Bản, vào cuối tháng 6. Nhưng chưa có lịch gặp nào được chuẩn bị cho họ.
Ông Julian Cook, một chuyên gia về quản lý danh mục đầu tư tại hãng quản lý tài sản Mỹ T. Rowe Price, cho rằng việc Mỹ - Trung tăng thuế lên hàng của nhau có thể ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế của Mỹ trong quý 2 và 3 năm nay. Trong quý 1, kinh tế Mỹ tăng trưởng 3,2%.
“Đó không phải vấn đề sống còn đối với Mỹ. Những thứ hiện nay có dẫn đến suy thoái? Đó không phải luận đề trung tâm của chúng tôi hiện nay. Duy trì và kéo dài? Có thể lắm”, ông Price nói.
Hãng S&P Global Ratings đánh giá cả Mỹ và Trung Quốc đều có thể quản lý tác động của chính sách tăng thuế trong ngắn hạn, nhưng tác động lâu dài đối với tăng trưởng “có vẻ đã bị đánh giá thấp”.
“Tác động lên niềm tin kinh doanh rất đáng kể, như phản ứng gần đây trên thị trường chứng khoán. Tình hình này có thể làm giảm hứng thú đầu tư”, 2 nhà phân tích David Tesher và Terry Chan của S&P Global Ratings viết trong báo cáo đưa ra tuần trước.
Báo cáo vẫn cho rằng Mỹ và Trung Quốc có thể đạt được thỏa thuận trong năm nay, nhưng con đường dẫn tới nó “dường như gập ghềnh hơn” dự tính trước đây.
Biếm họa chiến tranh thương mại Mỹ - Trung.
“Một thỏa thuận vào tháng 6-7 sẽ khác vào tháng 11-12. Thỏa thuận muộn hơn sẽ khiến Trung Quốc và chứng khoán toàn cầu trải qua nhiều bất định kinh tế - xã hội và địa chính trị hơn”, nhà phân tích Wendy Liu thuộc tổ chức tài chính ngân hàng UBS viết trong đánh giá đưa ra tuần trước.
Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung sẽ ảnh hưởng đến niềm tin của giới đầu tư và kinh doanh như thế nào vẫn còn là câu hỏi bỏ ngỏ.
“Đối với chúng tôi, bối cảnh vĩ mô tổng thể vẫn tích cực nhờ tăng trưởng kinh tế toàn cầu tích cực; tác động tức thì của chính sách tăng thuế vẫn chưa thể làm chệch hướng xu thế đó. Dù rủi ro đàm phán thất bại và tăng thuế gia tăng, đến giờ vẫn chưa khiến chúng tôi lo lắng về nguy cơ nền kinh tế sẽ rơi vào môi trường suy thoái”, ông Shoqat Bunglawala, trưởng nhóm giải pháp đầu tư toàn cầu của hãng quản lý tài sản Goldman Sachs, nói.
Ông Ivan Colhoun, nhà kinh tế trưởng tại Ngân hàng quốc gia Úc, nói rằng chiến tranh thương mại nếu kéo dài sẽ gia tăng sức nặng lên tăng trưởng toàn cầu vốn đang chậm lại. Nhưng ông dự đoán sẽ kinh tế giảm tăng trưởng ở quy mô nhỏ hơn, thay vì một cuộc khủng hoảng toàn cầu.
“Mọi người đều chịu hậu quả ở chừng mực nào đó nếu tăng trưởng toàn cầu chậm lại. Những nước đứng ngoài chiến tranh thương mại có thể hưởng lợi tương đối, nhưng ai cũng phải gánh hậu khi tăng trưởng toàn cầu chậm lại”, ông Colhoun nói.
Ông Robert Carnell, nhà kinh tế trưởng tại tập đoàn tài chính Hà Lan ING, cho rằng Trung Quốc không nên chờ đợi môi trường thay đổi nhanh chóng, đặc biệt khi ông Trump vẫn tại nhiệm.
Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ cuộc chiến tranh thương mại này.
“Đây là một quá trình đang diễn ra. Mỹ và Trung Quốc. Mỹ và châu Âu. Mỹ và bạn sẽ tiếp tục nói về thương mại cho đến khi chúng ta không còn nói về Tổng thống Donald Trump nữa. Điều đó không phải chỉ trong 18 tháng. Đó có thể là 5 năm rưỡi đến 6 năm”, ông Carnell nói.
BÌNH GIANG
theo SCMP