Nhiều dự án thủy điện sẽ bị loại bỏ
Sáng ngày 23/6, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh thay mặt Ban cán sự Đảng vừa ký văn bản Số: 36-CV/BCSĐ về việc, thực hiện quy hoạch, đầu tư xây dựng các dự án thủy điện trên địa bàn tỉnh. Trong đó có việc thống nhất loại khỏi quy hoạch đối với 6 dự án thủy điện.
Dự án Nhà máy thủy điện Sông Tranh 4 tại Hiệp Đức được HĐND tỉnh thông qua nghị quyết chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng tại kỳ họp gần đây. Ảnh: H.P
Văn bản nói trên được gửi đến các sở như Sở Công Thương, Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và PTNT, Giao thông vận tải và các đơn vị liên quan.
Trong đó thống nhất chủ trương các chủ đầu tư dự án thủy điện đã được cấp Quyết định chủ trương đầu tư và đang thực hiện thủ tục đầu tư xây dựng, đang triển khai thi công, được tiếp tục thực hiện các thủ tục đầu tư xây dựng đảm bảo vấn đề bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai, giải quyết kịp thời các vấn đề phát sinh.
Tuy nhiên trong văn bản này nhấn mạnh, “Đối với dự án thủy điện A Vương 5 và Sông Bung 3A: Giao Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Công Thương yêu cầu chủ đầu tư cam kết thực hiện, trường hợp không đảm bảo điều kiện, yêu cầu đầu tư thì tham mưu cấp có thẩm quyền thu hồi dự án, loại khỏi quy hoạch theo quy định”.
Theo số liệu chúng tôi có được, Quảng Nam đã quy hoạch 46 dự án thủy điện với tổng công suất 1.816 MW. Trong đó, có 22 dự án đã vận hành, công suất 1.273 MW; 8 dự án đang triển khai xây dựng; 12 dự án đang chuẩn bị đầu tư và 4 dự án khảo sát xin chủ trương đầu tư.
Trong 42 dự án, có 9 dự án ảnh hưởng đến di dân tái định cư với 1.735 hộ, 8.517 nhân khẩu. Tổng 46 dự án chiếm 12.303 ha đất, trong đó 190 ha đất ở; 114 ha giao thông; 260 ha đất chuyên dùng; 1.512 ha sông suối, mặt nước; 1.804 ha đất khác, chưa sử dụng; 2.267 ha đất trồng cây lâu năm; 2.399 ha đất trồng cây hàng năm, sản xuất; 659 ha đất rừng phòng hộ; 122 đất rừng đặc dụng và 191 ha chuyên trồng lúa nước.
Không phủ nhận việc xây dựng thủy điện đã góp phần quan trọng trong việc đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, thu ngân sách cho địa phương, điều tiết lũ,…nhưng bên cạnh đó cũng còn nhiều vấn đề bất cập. Ông Trương Xuân Tý, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, ngoài việc góp phần năng lượng quốc gia, các thủy điện đã vận hành ở Quảng Nam góp phần điều tiết lũ, cung cấp nước cho hạ du vào mùa nắng tốt. Tuy nhiên cần xem xét quá trình xây dựng thủy điện như việc mở đường, nơi xây dựng hạ tầng phải đánh giá ảnh hưởng, tác động đến môi trường và mức độ ảnh hưởng.
Tái định cư của các dự án thủy điện cũng là nỗi lo lớn của địa phương.
“Hiện nay việc mở đường, xây dựng hạ tầng của các dự án chưa có đánh giá”, ông Tý nêu và cho rằng phải đánh giá hậu thủy điện đến việc ảnh hưởng.
Với nhiều lý do chính đáng, Ban cán sự Đảng UBND tỉnh Quảng Nam “Thống nhất chủ trương loại khỏi quy hoạch đối với 6 dự án thủy điện: A Vương 4, Sông Bung 3, Đăk Di 4, A Banh, Chà Vàl, Đăk Pring 2. Giao Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành, địa phương liên quan kiểm tra, rà soát kỹ các điều kiện, cơ sở pháp lý để thực hiện theo quy định hiện hành và tham mưu UBND tỉnh báo cáo HĐND tỉnh tại kỳ họp thứ 3, khóa X để xét theo thẩm quyền”.
Thời gian qua, trên địa bàn Quảng Nam có nhiều sự cố liên quan đến các dự án thủy điện miền núi mà Đại Đoàn Kết từng phản ánh, như Dự án Thủy điện Nước Chè, cơ quan chức năng đã khởi tố vụ án, khởi tố 8 bị can liên quan để điều tra về hành vi tàng trữ, sử dụng trái phép vật liệu nổ.
Đây là dự án sau một thời gian tạm dừng hoạt động với nhiều lý do, đến tháng 6/2018, dự án này bắt đầu triển khai lại. Thế nhưng, đến tháng 8/2020, Giám đốc Công ty CP Thủy điện Nước Chè cùng hàng loạt những người liên quan bị truy tố về hành vi “mua bán, tàng trữ, sử dụng trái phép vật liệu nổ”.
Dự án nói trên có tổng diện tích khoảng 120 ha, chiều dài theo dòng sông bị ảnh hưởng 7 km, tác động đến hơn 1.000 hộ dân 2 xã Phước Năng, Phước Mỹ thuộc huyện Phước Sơn. Thế nhưng, sau khi giám đốc dự án bị khởi tố, dự án dừng thi công, nơi đây để lại các hạng mục dang dở và tồn đọng nhiều vấn đề liên quan khác, trong đó có việc nhiều hộ dân của địa phương bị ảnh hưởng của dự án chưa được chủ đầu tư đền bù.
Thủy điện Nước Chè giờ đang bị bỏ hoang.
Hay như Thủy điện Đăk Di 4 có công suất lắp máy 19,2 MW, điện lượng bình quân 59,523 triệu KWh/năm, dung tích toàn bộ hồ chứa 13,582 triệu m3. Dự án được cấp phép từ năm 2003 thế nhưng sau đó doanh nghiệp đã không triển khai thực hiện dự án kế hoạch. UBND tỉnh Quảng Nam cũng đã cho gia hạn tiếp với yêu cầu phải khởi công trong Quý IV/2009 nhưng doanh nghiệp vẫn không thực hiện như kỳ vọng,…
Dẫn đến việc xem xét, thu hồi các dự án nói trên cho thấy, ngoài việc tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp được cấp phép xây dựng thủy điện thực hiện đúng cam kết, cùng tháo gỡ những khó khăn để doanh nghiệp sớm hoàn thành dự án. Nhưng tỉnh Quảng Nam rất quyết liệt đối các dự án thủy điện không đáp ứng các yếu tố pháp lý, triển khai thi công chậm, gây ảnh hưởng nhiều mặt đến môi trường, đời sống của người dân, ảnh hưởng đến việc phát triển kinh tế của địa phương và nhiều vấn đề quan trọng khác.
TẤN THÀNH