Quảng Nam hướng đến chuyển đổi số toàn diện
Thỏa thuận được ký kết với mong muốn góp phần đưa Quảng Nam sớm trở thành một trong những tỉnh đi đầu cả nước về chuyển đổi số với ba trụ cột: Chính phủ số - Kinh tế số - Xã hội số.
Hai bên xác định rõ mục đích là đẩy mạnh chuyển đổi số toàn diện trên địa bàn tỉnh Quảng Nam từ cơ quan nhà nước, đến người dân, doanh nghiệp góp phần xây dựng cách sống, cách làm việc, phương thức sản xuất và tiêu thụ dựa trên công nghệ số.
FPT cũng hỗ trợ Quảng Nam chủ động tham cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, phát triển nền tảng số phục vụ kết nối liên thông đa chiều, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của cấp ủy, chính quyền các cấp trên địa bàn tỉnh.
Các đại biểu tham dự hội thảo chuyển đổi số của UBND tỉnh Quảng Nam chiều 15/7 |
Ông Phan Việt Cường, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Quảng Nam cho biết: Chuyển đổi số được xác định là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của tỉnh trong thời kỳ mới. Vì vậy, tỉnh mong muốn với thế mạnh của mình, FPT sẽ góp phần giúp Quảng Nam đi tắt đón đầu trong phát triển kinh tế xã hội của tỉnh. Đồng thời, tỉnh sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất để FPT kết nối mời gọi các doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước đầu tư thúc đẩy phát triển kinh tế tỉnh.
Ông Cường cũng bày tỏ mong muốn, FPT sẽ giúp 8.000 doanh nghiệp của tỉnh chuyển đổi số thành công.
Thỏa thuận cũng đưa ra các giải pháp công nghệ số tập trung vào Hệ thống giao thông thông minh, Quản lý năng lượng thông minh, Chính phủ số, Giáo dục thông minh, Chăm sóc sức khỏe thông minh, và các nền tảng tích hợp dữ liệu.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh bày tỏ tin tưởng, các chương trình thúc đẩy chuyển đổi số sẽ mở ra tầm nhìn mới, mục tiêu mới cho sự phát triển của tỉnh.
Trước Quảng Nam, TP.HCM và Quảng Ninh là hai địa phương đã áp dụng chương trình chuyển đổi số này rất thành công.
Quảng Nam hướng đến chuyển đổi số toàn diện |
Theo thống kê, tỉnh Quảng Ninh đã giảm 40% thời gian đi lại của người dân và các tổ chức, doanh nghiệp, tiết kiệm 30 tỷ/năm chi phí hành chính, tất cả các đơn vị, việc tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính được máy tính hóa 100%.
Đối với TP.HCM đã có 42 đơn vị kết nối vào hệ thống với hơn 840.000 hồ sơ liên thông, tích hợp được hơn 8.000 GB dữ liệu của thành phố, hơn 12 triệu người dùng được xác thực và định danh. Đặc biệt, cơ quan quản lý chỉ cần một nhân viên giám sát nền tảng và hơn một giờ để xuất báo cáo thay vì hai người làm toàn thời gian trong 4 ngày để xử lý mỗi GB dữ liệu.
Trước đó, tỉnh Quảng Nam đã ban hành Nghị quyết số 04 về chuyển đổi số tỉnh Quảng Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 với mục tiêu chuyển đổi số đồng bộ, toàn diện trên phạm vi toàn tỉnh, đưa Quảng Nam vào nhóm các tỉnh, thành phố thực hiện chuyển đổi số tốt.
Công Sáng - N.Hiền