Đường vào vùng nguyên liệu ở Tây Giang và Nam Trà My: Giải tỏa nhiều “điểm nghẽn”
“Nghẽn” vì đường xấu
Cách đây chừng 5 năm, tuyến giao thông qua trung tâm thôn Tr’Lêê của xã A Tiêng (huyện Tây Giang) là đường đất, mùa mưa lầy lội khiến lưu thông hết sức khó khăn. Đường sá trắc trở nên nông sản người dân làm ra bán rẻ như cho.
Những năm 2017, 2018, con đường dài khoảng 6km này được Nhà nước đầu tư có bề rộng nền 5m và mặt bê tông xi măng rộng 3,5m. Đường sá được kiên cố hóa, người dân có đất sản xuất ở khu vực xa xôi trước kia quyết định cất nhà, đưa cả gia đình vào định cư. Giờ đây, hàng chục ngôi nhà mọc lên, cuộc sống ở làng mới khởi sắc do người dân trồng thêm cây ăn quả và chăn nuôi.
Đường đến thôn Tr’Lêê được kiên cố hóa, nhân dân đi lại sản xuất thuận lợi. Ảnh: C.T
Theo ông Lê Hoàng Linh - Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Giang, lồng ghép các chương trình, dự án, những năm qua địa phương đã dành nguồn lực đầu tư cho hạ tầng giao thông (HTGT).
Đến nay, toàn bộ đường vào trung tâm xã đã thông suốt; đường từ trung tâm xã tới các thôn được đầu tư khoảng 70%; hơn 50% đường vào vùng nguyên liệu đi lại thuận lợi, tiêu biểu như đường vào thôn Tr’Lêê, xã A Tiêng.
Song, Tây Giang hiện vẫn còn nhiều tuyến giao thông qua khu dân cư chưa được đầu tư kiên cố. Như ở xã biên giới Ch’Ơm, đường từ thôn H’júh đi Atu 1 về thôn Cha’nốc đi lại hết sức khó khăn vì nắng bụi, mưa lầy. Người dân sinh sống chủ yếu dựa vào nương rẫy, các mô hình trồng cây dược liệu chưa được nhân rộng, nên đời sống còn khó khăn.
Chia sẻ về thực trạng HTGT ở địa phương, Trưởng phòng Kinh tế và hạ tầng huyện Nam Trà My - ông Nguyễn Công Dũng cho hay, những năm qua địa phương tập trung vào kiên cố hóa đường trục chính liên xã, phục vụ nhân dân đi lại.
Đường vào vùng nguyên liệu chưa thể đầu tư do nguồn vốn lớn, ngân sách địa phương khó thể kham nổi. Vì vậy, tuyến giao thông nối từ đường liên xã Trà Dơn - Trà Leng (ĐH2.NTM) hướng đi thôn 4 (nóc Ông Bình, xã Trà Dơn) dài gần 4km hiện vẫn là đường đất lồi lõm. Đường sá đi lại khó khăn nên nông sản thu hoạch chủ yếu phục vụ hàng ngày, còn sản phẩm khác đem trao đổi bị tư thương ép giá.
Cần thiết đầu tư
Trưởng phòng Quản lý kết cấu hạ tầng Sở GTVT - ông Võ Công Phúc cho biết, năm 2019 Sở GTVT xây dựng Đề án phát triển kết cấu HTGT gắn với phát triển vùng nguyên liệu trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2019 - 2025. Tuy nhiên, trong quá trình nghiên cứu, xây dựng đề án và kiểm tra thực tế, Sở GTVT nhận thấy các địa phương có kế hoạch phát triển cho từng khu vực nhưng thiếu cơ sở bảo đảm tính khả thi. Do vậy, nếu HĐND tỉnh ban hành nghị quyết triển khai đề án với kinh phí lớn sẽ có nguy cơ lãng phí khi hạ tầng đã làm xong nhưng vùng nguyên liệu không thể hình thành, đường không được khai thác, sử dụng. Do đó, sở báo cáo UBND tỉnh trình HĐND tỉnh xem xét, chưa thông qua đề án; đồng thời có chủ trương thực hiện thí điểm tại địa phương, sau đó đánh giá lại tính hiệu quả. Vì vậy năm 2020, HĐND tỉnh đã ban hành nghị quyết quyết định chủ trương đầu tư nhóm dự án đường vào vùng nguyên liệu, gồm 9 công trình thí điểm tại 9 huyện miền núi.
Kể về kỷ niệm liên quan đến giao thông hơn 10 năm trước, ông Lê Hoàng Linh cho rằng đó là bài học còn nguyên giá trị. Cụ thể, trước đây địa phương vận động người dân ở các xã vùng cao cứ trồng bắp, gieo lúa đi, thế rồi nông sản thu hoạch xong thì mùa mưa bắt đầu, đường đất bị trơn trượt, sạt lở gây ách tắc lưu thông, người dân phải đem nông sản về nhà cất do không ai vào mua. Thành thử, huyện phải “giải cứu” bằng cách cho xe tải “chuyên dụng” lên tận nơi chở xuống. “Không thể vận động nhân dân nuôi con gì, trồng cây gì mà không có đường vận chuyển” - ông Lê Hoàng Linh đúc kết.
Thực hiện chủ trương của tỉnh, mỗi huyện miền núi chọn làm thí điểm một tuyến giao thông vào vùng nguyên liệu, Tây Giang đề xuất đầu tư đường từ thôn H’júh đi thôn Atu I về thôn Cha’nốc (đầu tuyến giao với ĐH4.TG, cuối tuyến giáp với ĐT606 đi cửa khẩu phụ). Bởi lẽ, cung đường dài 12km đi qua 6 thôn của xã Ch’Ơm lầy lội và sạt lở nghiêm trọng, vào mùa mưa phương tiện hầu như không thể di chuyển.
Việc đầu tư con đường (giai đoạn 1 làm trước 5,5km) phù hợp với quy hoạch, đúng theo tinh thần các nghị quyết của Tỉnh ủy và huyện. Công trình sẽ tạo động lực, niềm tin cho nhân dân phát triển sản xuất, đảm bảo an ninh - quốc phòng khu vực biên giới. Tây Giang đã quy hoạch vùng sản xuất xã Ch’Ơm khoảng 1.000ha để trồng đảng sâm, táo mèo, cam, sâm bảy lá, rừng gỗ lớn… Đường sá rộng mở sẽ thu hút doanh nghiệp đầu tư trồng cây dược liệu, giúp người dân tăng thu nhập, thoát nghèo và xây dựng nông thôn mới.
Đối với Nam Trà My, huyện quyết định chọn tuyến đường vào vùng nguyên liệu xã Trà Dơn để đề xuất tỉnh hỗ trợ kinh phí đầu tư. Tuyến đường này sau khi đưa vào sử dụng sẽ góp phần phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội. Khi lưu thông thuận lợi, các sản phẩm chủ lực ở Trà Dơn như lúa, bắp..., hay dược liệu sẽ tăng giá trị.
TRẦN CÔNG TÚ