Bánh đúc xứ Quảng thắm đượm tình quê
Thời thơ ấu, khi tóc còn để chỏm, không có niềm vui gì hơn khi đợi mẹ đi chợ về, thế nào anh em tôi cũng có những món quà quê dân dã như bánh ram, bánh gói, kẹo ú…. Song chúng tôi thích nhất là món bánh đúc gạo quê.
Ngày ấy, khi vừa chia những gói bánh đúc đùm trong lá chuối, mẹ tôi bảo, bánh đúc được làm bằng gạo lứt của vùng quê ăn mới thơm ngon. Gạo quê màu nâu được xay thành bột rồi hấp chín, đổ lên cái sàng bánh dày 2-3 phân có màu hường “bánh đúc”. Mặt trên của bánh được rắc lên các gia vị như: đậu phộng rang giã dập, lá hẹ xắt nhỏ mỏng, tôm khô… ăn kèm với thịt heo ba chỉ.
Bánh đúc chế biến bằng gạo quê, bùi, béo, thơm tho
Mẹ lấy dao thái nhỏ từng miếng bỏ vào bát của anh em tôi. Mùi thơm dìu dịu, dễ chịu của gạo lứt hoà quyện với mùi đậu phộng rang, mùi mắm nêm mằn mặn, thơm ngọt và cả những cử chỉ ân cần của mẹ chăm sóc đàn con.
Hôm nay, tôi có dịp ghé thăm cái chợ miền quê ở bên bờ sông Vu Gia vùng Đại Lộc (Quảng Nam) tôi không cưỡng được cái mùi thơm của bánh đúc lan tỏa trong không gian thoáng đãng buổi chiều về.
Và ai đó, như dáng mẹ tôi ngày xưa đang chia quà bánh đúc cho anh em tôi mỗi khi mẹ đi chợ về. Tôi liền ngồi vào bàn ăn một đĩa và cảm nhận vị bùi béo của đậu phộng rang, cái giòn của bánh gạo quê, mùi thơm của lá hẹ, của mắm nêm xứ Quảng.
Ai đó, như dáng mẹ tôi chia quà bánh đúc cho anh em chúng tôi mỗi khi mẹ đi chợ về thời thơ ấu
Ngày nay, mái tóc tôi đã lên màu “sương khói” nhưng khi ăn lát bánh đúc gạo quê, tôi bỗng liên tưởng, nhớ về những ngày thơ tấm bé, nhớ bóng dáng người mẹ hiền “lặn lội thân cò”, tần tảo nuôi con; nhớ về câu ca của mẹ:” Mấy đời bánh đúc có xương/ Mấy đời dì ghẻ lại thương con chồng”.