Lò bánh thuẫn hơn 30 năm
Gian nan giữ nghề tổ truyền
Căn nhà ba gian cũ kỹ nằm trong kiệt gần chợ Vĩnh Điện (cũ), khói lò bánh thuẫn luôn nghi ngút và hương thơm của trứng quyện với sữa thôi thúc chúng tôi phải ghé lại. Có dịp nhìn hình ảnh vợ chồng bà Huỳnh Thị Xí luân phiên đánh bột, đập trứng, nướng bánh… mới hiểu hết tất cả công đoạn làm ra chiếc bánh thuẫn.
Vợ chồng bà Huỳnh Thị Xí giữ nghề làm bánh thuẫn hơn 30 năm qua. Ảnh: N.TRANG
Chia sẻ về món nghề tổ truyền ông cha để lại, bà Xí nói: “Hồi con gái tôi đâu biết nghề này. Chỉ biết dệt vải, may vá, cho đến khi về nhà chồng thì được dạy cho cách làm bánh thuẫn. Mãi đến sau này, vợ chồng tôi kế nghiệp dù gặp nhiều gian nan”.
Theo bà Xí, giai đoạn đất nước đổi mới theo đà công nghiệp hóa, nhiều loại thực phẩm và bánh kẹo công nghiệp ra đời, người dân không còn xu hướng dùng bánh thủ công như bánh thuẫn. Có những ngày bà vất vả nướng hơn 10kg bánh, để mãi vẫn không có khách mua.
Công đoạn nướng bánh tốn nhiều thời gian và công sức. Ảnh: N.TRANG
Khó khăn không lùi bước, bà Xí lặn lội đi nhiều quán tạp hóa lớn nhỏ trong và ngoài địa phương để tham khảo một số loại bánh. Về lò bánh của mình, bà hội ý với chồng đề ra cách làm mới, đổi mẫu bao bì cho đẹp mắt mà vẫn giữ nguyên hương vị bánh.
Trải qua một thời gian, khách hàng lại tìm về lò bánh của bà, có người mua số lượng nhiều để đi bán lẻ lại, có người mua biếu hoặc cúng giỗ với giá 30 - 80 nghìn đồng/gói tùy loại lớn hay nhỏ.
Hai năm trở lại đây, xu hướng khách hàng dùng các loại bánh quê bắt đầu tăng. Lò bánh của bà Xí lại thịnh vượng như thuở cha ông nối nghề, giữ nghiệp. Mỗi tháng, lò bánh bán ra hơn 100kg bánh thuẫn các loại, dịp tết làm hơn 1 tấn bánh vừa bán sỉ vừa bán lẻ.
Đưa hương bánh thuẫn đi xa
Người nhà bà Xí cho biết, ngày xưa lò bánh của gia đình luôn có cối xay bột thủ công, nồi gang nướng bánh và các nguyên liệu như bột mì, trứng gà ta… Đời sống càng phát triển, quy trình làm bánh thuẫn cũng được rút ngắn lại, tiện lợi hơn.
Cối xay thay thế bằng máy đánh bột nên công đoạn dễ thực hiện, không cần phải thức khuya dậy sớm như xưa. Tuy nhiên, muốn lưu giữ hương vị bánh thuẫn ngọt thơm thì nhất thiết phải nướng tay bằng lửa than, nồi gang.
Bà Huỳnh Thị Xí bên nia bánh thuẫn mới ra lò. Ảnh: N.TRANG
Sở dĩ lò bánh thuẫn của gia đình bà Huỳnh Thị Xí luôn thu hút khách là nhờ cách trộn nguyên liệu. Để có bánh thuẫn ngon, ngoài bột gạo, bột nếp, trứng, sữa thì thêm gừng giã nhuyễn, nước cốt chanh để bánh dễ nở. Trứng và bột đánh càng mạnh tay và đều đến độ có bột nổi lên thì bánh càng ngon và thơm.
Khâu quyết định chất lượng bánh chính là khâu nướng lửa than, đòi hỏi người nướng phải luân phiên đổ bánh vào khuôn, bánh chín thì thổi than hồng trên mặt bánh… Bà Xí cho biết: “Lò bánh của tôi chỉ có 2 vợ chồng thay nhau nướng. Ai phụ thì chỉ có thể phụ bao bì hoặc đánh bột, chứ khâu nướng mà để người làm không quen tay, bánh rất dễ cháy”.
Đến nay, hương vị bánh thuẫn lò bà Xí được nhiều người biết đến. Hễ có dịp giỗ cúng, hay ai đi xa về quê lại tìm đến lò bánh này để mua ăn.
Chị Ngọc Bích (TP.Đà Nẵng) chia sẻ: “Tôi quê gốc ở Duy Xuyên, sống tại Đà Nẵng, cứ cuối tuần về quê thì tôi ghé Vĩnh Điện mua bánh thuẫn. Bánh ở đây không quá ngọt, lại béo và thơm trứng, sữa, gừng. Tôi và cả nhà đều rất mê, cứ ăn lại nhớ quê xưa!”.
NHƯ TRANG