Yêu cầu Trung Quốc rút toàn bộ tàu ra khỏi vùng biển hoàn toàn của Việt Nam
"Trong những ngày qua, nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 của Trung Quốc đã có hành vi vi phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam ở khu vực phía nam Biển Đông. Đây là vùng biển hoàn toàn của Việt Nam, được xác định theo đúng các quy định của Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) 1982 mà Việt Nam và Trung Quốc đều là thành viên".
Tàu Hải Dương địa chất 8 của Trung Quốc l Ảnh nhỏ: Hình ảnh được phó giáo sư Ryan Martinson đăng tải trên Twitter cho thấy hải trình của tàu Hải Dương địa chất 8 từ ngày 3-7 tới 19-7, vi phạm vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam- Ảnh chụp màn hình HK01
Cũng theo bà Hằng, Việt Nam đã tiếp xúc nhiều lần với phía Trung Quốc ở các kênh khác nhau, trao công hàm phản đối, kiên quyết yêu cầu chấm dứt ngay các hành vi vi phạm, rút toàn bộ tàu ra khỏi vùng biển Việt Nam; tôn trọng quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam vì quan hệ hai nước và ổn định, hòa bình ở khu vực.
Các lực lượng chức năng trên biển của Việt Nam tiếp tục triển khai nhiều biện pháp phù hợp thực thi chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán một cách hòa bình, đúng pháp luật nhằm bảo vệ vùng biển Việt Nam.
Tàu Hải Dương địa chất 8 của Trung Quốc - Ảnh: Cục Khảo sát địa chất Trung Quốc (ảnh góc nhỏ) và hình ảnh được phó giáo sư Ryan Martinson đăng tải trên Twitter cho thấy hải trình của tàu Hải Dương địa chất 8 từ ngày 3-7 tới 19-7, với điểm đầu ở phía đông bắc - Ảnh chụp màn hình
Như đã khẳng định tại phát biểu của người phát ngôn Bộ Ngoại giao ngày 16-7, lập trường nhất quán của Việt Nam là kiên quyết, kiên trì đấu tranh bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, UNCLOS 1982 trước bất cứ hành vi nào xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam trên các vùng biển được xác định phù hợp với UNCLOS 1982.
Theo người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng, duy trì trật tự, hòa bình, an ninh ở khu vực Biển Đông là lợi ích chung của các nước trong và ngoài khu vực cũng như cộng đồng quốc tế. Do đó, Việt Nam mong muốn các nước liên quan và cộng đồng quốc tế cùng nỗ lực đóng góp nhằm bảo vệ và duy trì lợi ích chung này.
Trước đó, từ ngày 12-7, báo chí quốc tế đã đưa tin về sự xuất hiện của tàu Hải Dương địa chất bát hào (Hai Yang Di Zhi Ba Hao, tức tàu Hải Dương địa chất 8).
Thông tin xuất phát từ những cập nhật của GS Ryan Martinson của Học viện Chiến tranh hải quân Mỹ trên trang Twitter cá nhân từ ngày 10-7.
Vị chuyên gia của Viện Nghiên cứu hàng hải Trung Quốc khẳng định Hải Dương địa chất 8 đã thực hiện một hoạt động thăm dò địa chất ở vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam, thuộc vùng nước ngay phía tây quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Cũng theo GS Martinson, các tàu dân quân của Trung Quốc cũng tham gia hộ tống cho hoạt động thăm dò của con tàu trên.
Hải Dương địa chất 8 là con tàu thuộc sở hữu của Cục Khảo sát địa chất Trung Quốc (China Geological Survey - CGS), theo thông tin từ chính website cơ quan này.
Hai Yang Di Zhi 8 (Hải Dương địa chất 8) là một trong hai con tàu thăm dò địa chất hiện đại được Trung Quốc ra mắt vào tháng 2-2017, cùng với tàu Hai Yang Di Zhi 9. Đến tháng 6 cùng năm, Trung Quốc tiếp tục cho hạ thủy tàu thăm dò Hai Yang Di Zhi 10.
Theo Hãng thông tấn Tân Hoa xã, Hai Yang Di Zhi 8 sử dụng các "công nghệ hàng đầu thế giới" để thu được hình ảnh 3 chiều có độ phân giải cao về cấu trúc địa chất của đáy biển.
Hai Yang Di Zhi 8 dài 88m, có thể hoạt động trong phạm vi lên tới 16.000 hải lý và có tốc độ tối đa khoảng 28km/h. Hai Yang Di Zhi 8 dài hơn Hai Yang Di Zhi 10 (75,8m) và có tầm hoạt động gấp đôi Hai Yang Di Zhi 10 (8.000 hải lý).
BÌNH AN