Làng Đo Đo của tôi

Từ khi bộ phim “Mắt biếc” ra đời, làng Đo Đo (Bình Quế, Thăng Bình) của tôi bỗng trở nên nổi tiếng hơn, những hình ảnh check-in thực tế về quê hương của nhân vật Ngạn và Hà Lan được treo khá nhiều trên mạng xã hội. Tuổi thơ tôi cũng có nhiều kỷ niệm dạt dào quanh ngôi làng Đo Đo bé nhỏ.

Phía đầu làng là cánh đồng Đông Hòa men dọc theo con đường duy nhất từ quốc lộ 1 chạy lên. Những gò cây cao chen lẫn với bao nhiêu thửa ruộng vuông vức. Đầu mùa, lúa và cây cùng một màu xanh. Cuối vụ, lúa ngả vàng cả một góc quê. Nếu có dịp đi trên đường cao tốc nhìn xuống, làng Đo Đo mùa lúa chín như một bức tranh khổ lớn với hai gam màu xanh vàng nổi bật.

Một góc làng Đo Đo.
Một góc làng Đo Đo.

 Bọn nhỏ làng tôi thích nhất lúc mùa gặt vừa xong, chỉ còn lại những bờ xanh lởm chởm cỏ, chạy trên đó êm chân như thảm nhung. Tôi thường hái mấy chuỗi cỏ kê kết vòng tròn đội lên đầu, nhìn xa trông giống như vòng nguyệt quế.

Người trong làng hình như một ngày ai cũng ít nhất một lần đi qua cánh đồng Đông Hòa ấy. Bác nông dân thăm ruộng, anh chị công nhân ra Hà Lam vào Tam Kỳ, bọn nhỏ chúng tôi thì xuống Quán Gò đi học… Bao năm tháng trôi qua, cánh đồng ấy là người bạn cuối cùng tiễn những người con làng Đo Đo lúc bình minh lên và là người đầu tiên đón họ về khi hoàng hôn buông xuống.

Ở giữa làng có ngôi chợ Đo Đo nằm trên khu đất Đá Đặng và Lý Đô thời trước. Bây giờ chợ không còn “cây bàng già và những căn lều trống trải ọp ẹp” như trong truyện “Mắt biếc”, chợ không còn họp đêm nữa, những mùa cá tươi từ làng biển Bình Minh cũng vắng bóng. Những con tò he nhiều màu sắc nặn bằng bột nếp thơm lựng các bà, các mẹ thường mua cho trẻ con được thay thế bằng những món đồ chơi hiện đại. Chợ mới giờ vẫn có tên gọi Đo Đo được làm bằng những trụ bê tông và sườn sắt kiên cố nằm lệch vào trong của con đường chạy lên các thôn xóm phía trên của dòng kênh chính Phú Ninh. 

Check-in làng Đo Đo trong Mắt Biếc
Chợ Đo Đo thân quen ngoài đời (Ảnh: Nguyễn Trọng Hùng)

Hồi học cấp 3, vào những ngày cuối tuần được nghỉ học, tôi thường theo mẹ lên chợ Đo Đo bán xôi và sữa. Dưới mái vòm chợ chỉ khoảng 100 mét vuông mà người ta bày bán không biết bao nhiêu thứ, tiếng người bán người mua xen lẫn rộn ràng. Mẹ bảo, làng tôi đông vui nhất cái chợ này. Mỗi ngày miếng cơm tôi ăn, cái áo tôi mặc là từ một phần tiền bán xôi, sữa mà mẹ tôi kiếm được. Tôi thương mẹ nên cứ lên Đo Đo cùng mẹ mỗi tuần.

Cuối làng là con suối Đá Bạc quanh co theo những triền ruộng, có lẽ ngày xưa đập Phú Ninh chưa có nên người làng tôi dùng nước từ suối Đá Bạc phục vụ cho việc tưới tiêu, canh tác. Suối Đá Bạc bắt đầu từ những dòng chảy nhỏ từ các thôn phía trên Bình Phú, Bình Chánh rồi gom lại tại làng tôi thành dòng nước lớn trước khi chia thành dòng nhỏ trốn vào lòng đất. Nhìn trên bản đồ dòng suối uốn lượn như con rồng vắt quanh các triền đồi xanh ngắt. Mùa nắng người ta chắn một con đập nhỏ chặn dòng Đá Bạc, nước từ thượng nguồn chảy về không thoát được nên ứ lại, tràn vào những con mương rồi tưới khắp ruộng đồng.

Mấy đứa bạn tôi thích lên Đá Bạc vào mùa hè vì ở đó chúng có thể chạy nhảy vô tư, rồi kéo nhau “ùm” xuống dòng nước trong vắt. Bọn con gái thì ngồi ở khoảnh vườn nhà bà Liên cạnh dòng suối kể chuyện ma. Ngôi nhà vắng bóng người đã lâu nên hoang lạnh, bọn con gái thích nghe chuyện ma mà lâu lâu ré lên vì sợ.

Làng Đo Đo của tôi còn có những đêm rằm sáng trăng sáng, ngồi ở hiên chùa Bình Quế nghe gió thổi, hay những buổi chiều hè thả diều ven đường sắt. Đơn giản vậy mà luôn trỗi dậy trong tôi cảm giác yêu quê hương bình dị.


 KHÁNH NHI

Comment

Facebook Instagram Youtube Twitter Google+ Top