Cải ngồng tháng 3

Cứ mỗi độ tháng 3 về cùng với màu đỏ của hoa gạo, màu tím của hoa xoan là màu vàng của những bông hoa cải. Cải ngồng thường trổ bông vào những ngày cuối tháng 3, khi những đợt gió se lạnh cuối cùng của mùa xuân còn sót lại tràn về.

Cải ngồng ưa thời tiết lạnh, độ ẩm không khí cao nên chỉ thích hợp trồng ở miền lạnh, miền có khí hậu nóng  không có thứ rau đặc sản này. Trong rất nhiều loại cải, cải xanh, cái trắng, cải bẹ… thì cải ngồng đặc biệt nhất, vì chỉ ăn ngồng chứ không ăn thân, lá, bẹ như các loại cải thông thường.


Đám cải ngồng của mẹ.

 
Ăn cải ngồng ngon nhất vẫn là vào tiết trời tháng 3 hàng năm. Vào đầu tháng những người nông dân mới gieo những hạt cải được chọn giống từ vụ trước xuống những luống đất đã được xới lên tơi xốp. Cải phát triển rất nhanh, chừng 3 ngày rau đã nhú mầm lên khỏi mặt đất. Nhiều người đã tỉa bớt những mầm cải trong gia đoạn này để ăn sống, rất tốt cho sức khỏe. Vì mần cải chứa nhiều chất dinh dưỡng và vitamin tự nhiên.
Để có những ngồng cải là cả một quá trình của vòng đời cải, từ hạt, thành mầm, phát triển thành ngồng. Giai đoạn từ mầm cải thành ngồng rất ngắn khoảng chừng 20 ngày. Khi những ngồng cải bắt đầu nhú lên, toàn bộ chất dinh dưỡng của thân cây chỉ tập trung nuôi ngồng.
Khi ngồng cải bắt đầu có những nụ hoa vàng hé nở thì củng là lúc thu hoạch. Người ta chỉ bẻ ngồng ăn chứ không thu hái hết cả thân cây như cải xanh, cải trắng. Hái và nhặt ngồng cải cũng phải biết mới làm được. Nhiều người khi mua ngồng cải về, cứ thế vứt bỏ hết, chỉ lấy mình lá để rồi sau đó thở dài chê rau này già quá. Cải ngồng đặc biệt là thế, ngọt ngon chính ở cái mà người ta không biết đã vội vứt bỏ đi ấy. 


Đám cải rực vàng sau Tết. 

Làm ngồng cải phải thật khéo và đòi hỏi sự kiên nhẫn, dùng tay tước nhẹ, lột lớp vỏ xơ bên ngoài ngồng, sau đó bẻ thành từng khúc, vừa có lá, vừa có hoa… Cải ngồng luộc lên chấm nước mắm hay xào với chút hành, gừng cũng đủ ngon ngọt. Ai đó đã từng ăn cải ngồng hẳn thèm mỗi khi tới mùa cải mà chưa được thưởng thức. Sẽ nhớ hương vị giòn, ngon, ngọt, trong từng ngọn cải ngồng…
Và để có những ngồng cải cho mùa sau, người nông dân đã lo chọn những thân cây mập làm giống, ngồng cải không bị bẻ cứ thế vươn cao trổ bông vàng rực cả một góc trời, rồi kết lại thành hạt cho một vòng đời cải ngồng sau đó.
 
Đoàn Xuân

Comment

Facebook Instagram Youtube Twitter Google+ Top