Ký ức Tết Đoan ngọ

Cứ mỗi Tết Đoan ngọ, sau khi sắm mâm cỗ cúng ông bà, anh em tôi thường cùng mẹ đi hái lá mùng Năm.

Mẹ bảo rằng, phải xuất hành lúc đúng ngọ, đúng giờ thiêng, lá mới có vị thơm và tốt nhất cho sức khỏe. Quê tôi bốn mùa, thức uống quen thuộc là nước chè xanh. Chè xanh trong bếp, chè xanh trên bình ủ ấm, chè xanh ra đồng. Phải nói rằng, không gì đậm đà bằng chén nước chè xanh trong những thân thương tình làng nghĩa xóm.

Tết Đoan ngọ, thức uống lại thêm món lá mùng Năm. Hình như đúng thời khắc này, lá gì cũng thơm và tốt cho sức khỏe. Lá mùng Năm, cụm từ tự nó đã nồng nàn mùi thiên nhiên cây cỏ. Lá sả, tía tô, hoắc hương, lá dủ dẻ, lá dâu tằm, lá nhân trần, ổi sẻ, rẻ quạt, vối, ngọt đường… Từ cây thân thảo đến các loại thân mộc và dây leo, loại nào cũng thơm, cũng quý.

Hái lá "mồng năm".

Những bó lá được vác về sân được chúng tôi rửa cho sạch bụi và sâu bọ. Sau đó, đem băm nhỏ cỡ 5 - 10cm và rải đều ra nong phơi khô giòn. Nhà nào cũng trữ nhiều bao lá mùng Năm khô để dành uống xen với nước chè. Nhà cậu Cả tôi muốn kiếm thêm thu nhập, mấy anh trai đi hái lá đem xuống chợ bán. Lá ngoài rẫy thì nhiều vô kể. Đó cũng là cách lấy công làm lãi của nhà nông.

Mùng Năm, vừa được nghỉ hè, vừa được ăn tết, lòng đã sung sướng vô kể. Lại thêm “tiết mục” đi hái lá mùng Năm. Vui không thể nào tả xiết. Cái rộn ràng nhất của ngày Tết Đoan ngọ này là nhà nhà đi hái, người người đi hái lá. Hành trình ra vườn, dọc theo lối đi trong làng rồi lên rẫy để chứng tỏ mình là đứa trẻ lớn, đảm đang và rành thạo ấy năm nào cũng lặp lại đều đặn và vui tươi.

Chúng tôi còn tranh thủ chơi trò đố lá. Lén nhau giấu kỹ những chiếc lá hiếm gặp để tranh phần thắng. Chúng tôi hái về những chùm dủ dẻ chín vàng như nải chuối tí hon ăm ắp trong vành nón lá. Chúng tôi còn giành nhau những trái ngọt đường chua chua ngọt ngọt được bọc trong đài xanh như các chiếc xương cá úp tròn. Và nhiều khi còn tham lam ôm thêm bó lan Huệ hồng tươi, mùa này vẫn nở khắp các khu vườn. Anh em tôi ham chơi, nhưng không quên giúp mẹ vác lá về…

Lá mồng Năm, có thể nấu nước uống tươi hoặc phơi khô hãm như nước chè. Những vị lá hòa quyện với nhau tạo nên vị thơm như mùi thuốc bắc, vừa ngon, vừa thanh mát, lại có tác dụng chữa được nhiều bệnh nên ai cũng thích.

Ở các chợ quê bây giờ, người ta vẫn bày bán các loại lá từ đầu tháng Năm âm lịch. Lá vẫn thơm, nhưng dân gian quan niệm, phải đúng trưa mùng Năm mới tốt, mới quý. Có lẽ, đó là nét văn hóa độc đáo cần được bảo tồn.

Những loại thảo dược mang đậm hương quê nhà, hương tuổi thơ lại nồng nàn trong tôi một trời thương nhớ: mùng Năm theo mẹ ra vườn.


NGUYỄN THỊ DIỆU HIỀN


Comment

Facebook Instagram Youtube Twitter Google+ Top