Ký ức mùa duông

Người ta vẫn hay mặc định duông (nhà rẫy) là nơi gắn với những cuộc tình “đi sim” thuở ấy của đồng bào vùng cao. Mùa trăng, phía sâu cánh rừng - nơi có những mái duông hiện hữu, những chàng trai, cô gái hẹn hò nhau, xây nên bao cuộc tình rất đẹp.

Nhưng, đó là chuyện của quá khứ, dĩ vãng xa như một giấc mơ cũ. Duông với chúng tôi, không còn là nơi hò hẹn đôi lứa, mà là những căn nhà rẫy của làng, nơi gói trọn từng ký ức tuổi thơ theo chân cha đi suốt mùa mưu sinh gian khó.

Duông gắn với ký ức tuổi thơ của nhiều lớp người đồng bào vùng cao. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC
Duông gắn với ký ức tuổi thơ của nhiều lớp người đồng bào vùng cao.

“Ngôi làng” ở rừng

Mùa lúa, thường kéo dài từ lần đặt chân đầu tiên của người làng đến cánh rẫy cho đến sau mùa thu hoạch. Vòng đời của lúa, của rẫy gắn với của những cuộc mưu sinh người vùng cao, hình thành nên từng mái duông giữa cánh rừng già. Thuở trước, duông thường được xây dựng ở một vị trí rất đẹp, tập trung theo từng làng, từng hộ gia đình, nơi gần khu rẫy, gần nguồn nước. Mùa rẫy, duông sầm uất không khác gì một ngôi làng thực sự. Cả vài tháng trời, người ta ở duông, gia đình ở duông, chỉ về nhà khi có công việc gì cần thiết. Vì thế, duông gắn với ký ức tuổi thơ của bao lớp người vùng cao rất sâu đậm.


Dẫn em lên rẫy.

Trong hồi ức của ông Alăng Ngơơr (ở thôn Bh’lô Bền, xã Sông Kôn, huyện Đông Giang), những ngày cùng gia đình sống chung ở duông cách đây hơn 20 năm trước, hệt như một thước phim đời người. Thời đó, đồng bào vùng cao thường làm duông ở nơi cách nhà chừng 2 - 3 giờ đồng hồ băng theo đường rừng. Duông của ông Ngơơr, được dựng ở phía cuối “làng”, xung quanh được phủ bởi lớp rừng xanh thẳm. Người Cơ Tu dựng duông hệt như dựng làng. Từng mái nhà nhỏ xinh xắn được bố trí theo mô hình khép kín bầu dục, đủ đầy không gian sinh hoạt, ngủ nghỉ, bếp núc và cả không gian vui chơi của trẻ nhỏ. Ban ngày, người lớn đi rẫy, thu hoạch lúa mùa, trẻ nhỏ ở duông dắt díu nhau dọc theo bờ suối để mò cua, bắt ốc cải thiện bữa ăn. Lúa sau khi được thu hoạch, đồng bào phơi khô trên từng giàn tre trước sân, rồi cất vào bên trong kho duông, trước khi mang về nhà. “Cuộc sống ở duông, tuy có khó khăn, thiếu thốn nhưng bù lại rất vui và đầm ấm. Những đêm trăng, sau đợt thu hoạch lúa, bà con thường tổ chức cúng thần linh, rồi ăn mừng lúa mới. Dưới ánh đèn dầu leo lét, từng đoàn người đến thăm chúc nhau, vui say theo điệu hát lý giữa rừng” - ông Ngơơr hồi tưởng.

Chừng hơn 20 năm trước, tôi cũng từng đặt chân đến duông của người làng Bút Tưa. Lúc đó, tôi theo anh chị trông đứa cháu, tiện thể đi “du lịch hè”. Mùa rẫy, nên duông đông đúc người. Những buổi trưa giữa rừng, từ chiếc máy cát-sét vọng ra từng giai điệu bolero trữ tình nghe da diết. Nhiều lần tôi bật khóc, vì nhớ nhà, vì đứa cháu khóc quấy…

Làm kinh tế ở duông

Khi mọi thứ đã dần thay đổi, số phận của duông cũng trở nên khác so với thời điểm cách đây hàng chục năm về trước. Duông bây giờ, không còn là nơi hẹn hò đôi lứa, lại càng không còn là không gian riêng theo vụ mùa rẫy của người làng. Mà duông, chính xác là nơi gắn với những mô hình phát triển kinh tế trang trại chăn nuôi, nơi dừng chân trên hành trình đến thăm, chăm sóc vườn cây dược liệu dưới tán rừng già. Vai trò của duông, đã ở một khía cạnh khác, ghi dấu những cuộc đổi thay trong cuộc sống, từ canh tác nương rẫy sang các mô hình kinh tế mới.


Vùng cao xứ Quảng.

Duông rất nhiều loại, được dựng lên với nhiều mục đích khác nhau. Nhưng cái chung nhất, ở duông, là nơi lưu giữ những ký ức, những câu chuyện đời thường trong cuộc sống mưu sinh, trong tập quán canh tác của đồng bào. Bởi thế, nhắc đến duông, ở lớp người vùng cao thuở ấy, nhỏ nhất là thế hệ chúng tôi bây giờ, bao hồi ức ngày cũ cứ ùa về, gợi lên những khoảng trời thơ mộng mà đầy khốn khó. Giờ đây có nơi, duông mang ý nghĩa phục vụ các mô hình kinh tế trang trại kiểu mới. Lại có một số vùng, đồng bào dựng duông để phục vụ một thú vui điền dã trong những ngày nghỉ cuối tuần. Có khi là nơi đón tiếp bạn bè quý hoặc du khách từ nơi xa ghé thăm. Và, trong tương lai không xa, biết đâu từ những ngôi duông này, sẽ mở ra cơ hội phát triển du lịch trải nghiệm cho du khách thích khám phá, tìm hiểu tập tục xưa cũ của đồng bào. Duông, từ căn nhà rẫy đơn thuần, hứa hẹn sẽ có thêm một vai trò mới hình thành nơi dừng chân cùng các tour du lịch cộng đồng vùng cao.

*
*                *

Tôi đi dọc bản làng vùng cao, thỉnh thoảng vẫn thấy duông ở nơi góc rẫy, nhưng nhỏ lắm, chừng chỉ đủ để một người lui tới. Duông không còn lớn như ngày trước, không hiện diện theo một ngôi làng chung giữa rừng. Có người nói, duông bây giờ, nếu được dựng ở điểm trung tâm của cánh rẫy hoặc ruộng lúa nước, cũng chỉ là kiểu nhà trại tượng trưng để xua đuổi chim muông không đến phá hoại mùa màng. Duông thật sự, như thời tuổi thơ chúng tôi sống, đã là quá khứ…


ALĂNG NGƯỚC


Comment

Facebook Instagram Youtube Twitter Google+ Top