Chuyện quy hoạch khu liên hợp thể dục - thể thao mới

Khu trung tâm TD-TT tỉnh tại phường Hòa Hương (Tam Kỳ) được quy hoạch từ năm 1998 và hiện có các công trình cơ bản đáp ứng yêu cầu tổ chức các hoạt động tập luyện và thi đấu của tỉnh, thậm chí quốc gia. Vậy vì sao phải tính chuyện quy hoạch khu liên hợp TD-TT tỉnh mới? Chung quanh việc này thì câu chuyện nguồn lực về đất đai, tài chính được giải quyết như thế nào?

Khu trung tâm TD-TT tỉnh tại phường Hòa Hương (Tam Kỳ) được quy hoạch từ năm 1998 và hiện có các công trình cơ bản đáp ứng yêu cầu tổ chức các hoạt động tập luyện và thi đấu của tỉnh, thậm chí quốc gia. Vậy vì sao phải tính chuyện quy hoạch khu liên hợp TD-TT tỉnh mới? Chung quanh việc này thì câu chuyện nguồn lực về đất đai, tài chính được giải quyết như thế nào?

Nhà thi đấu xuống cấp song không thể nâng cấp. Ảnh: T.V
Nhà thi đấu xuống cấp song không thể nâng cấp. Ảnh: T.V

XUỐNG CẤP VÀ QUÁ TẢI

Có tương đối đầy đủ cơ sở hạ tầng phục vụ tập luyện, thi đấu như sân vận động, nhà thi đấu, nhà tập luyện, song hiện tất cả đều đã xuống cấp, quá tải dù nhiều lần được đầu tư cải tạo, nâng cấp.

Đáp ứng nhu cầu

Ngay sau khi tái lập năm 1997, tỉnh bắt tay ngay vào quy hoạch cơ sở vật chất ngành TD-TT. Cuối năm 1998, quy hoạch chi tiết khu trung tâm TD-TT tỉnh được phê duyệt và đây là cơ sở để đầu tư xây dựng các công trình thể thao sau này. Đến nay đã trải qua 4 lần điều chỉnh quy hoạch với quy mô 15,3ha, trong đó gồm đất công trình thi đấu hơn 7ha, đất ở và tập luyện 4,6ha, đất dịch vụ hơn 1ha và 2,6ha đất khác. Thời điểm vừa mới tái lập, trong điều kiện ngân sách còn khó khăn nhưng tỉnh rất quan tâm đến việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ ngành TD-TT. Nhiều công trình, dự án đã được xây dựng mới như nhà tập luyện, nhà thi đấu, nâng cấp sân vận động Tam Kỳ.

Có thể nói, thời gian qua cơ sở vật chất ngành TD-TT về cơ bản đáp ứng yêu cầu của tỉnh và một số giải thể thao toàn quốc. Nhà thi đấu có quy mô gần 2.000 chỗ ngồi đã tổ chức nhiều hoạt động TD-TT của tỉnh, quốc gia và cả quốc tế, tiêu biểu như Đại hội TD-TT toàn quốc năm 2010, giải Bóng chuyền nữ quốc tế cúp VTV9 năm 2018. Sân vận động Tam Kỳ với sức chứa 15.000 người, khu trung tâm khán đài A có mái che và tất cả khán đài còn lại đều được bố trí ghế ngồi, nhiều năm qua đủ điều kiện tổ chức giải bóng đá vô địch quốc gia, các sự kiện chính trị, văn hóa, thể thao lớn của tỉnh. Nơi đây người hâm mộ từng chứng kiến đội bóng Quảng Nam giương cao chiếc cúp vô địch V-League 2017. Ngoài ra, tỉnh cũng đã đầu tư xây dựng nhà tập luyện, khu hiệu bộ, khu ký túc xá vận động viên Trường Năng khiếu nghiệp vụ TD-TT Quảng Nam và đang xây dựng khu nhà ở cho cầu thủ trẻ của Câu lạc bộ Bóng đá Quảng Nam.

Khu trung tâm TD-TT tỉnh hiện nay được xem là nơi tập trung “bộ não” của ngành TD-TT xứ Quảng. Tại đây có 3 đơn vị làm việc là Trường Năng khiếu nghiệp vụ TD-TT Quảng Nam, Trung tâm TD-TT tỉnh (tại nhà thi đấu) và Câu lạc bộ Bóng đá Quảng Nam (gầm khán đài A). Ngoài ra, đây còn là nơi ăn ở của hơn 120 cầu thủ bóng đá, trong đó đội Quảng Nam ở khu nhà cấp 4 bên cạnh khán đài B còn các tuyến trẻ sinh hoạt ở dưới gầm khán đài A.

Xuống cấp

Theo đánh giá của ngành chức năng, đến nay, các hạng mục công trình về cơ bản đều được đầu tư xây dựng theo đúng quy hoạch, so với quy định tối thiểu của một trung tâm TD-TT cấp tỉnh, chỉ thiếu bể bơi thành tích cao. Tuy nhiên, có thể thấy hầu hết công trình do xây dựng đã lâu nên hiện xuống cấp khá nặng dù không ít lần được sửa chữa, nâng cấp. Nhà thi đấu khởi công xây dựng từ năm 2000, kéo dài đến năm 2010 mới hoàn thành và sau đó nhiều lần phải sửa chữa. Mới đây nhất, tỉnh tiếp tục đầu tư hơn 5 tỷ đồng để cải tạo, nâng cấp một số hạng mục và mua sắm trang thiết bị phục vụ cho giải Bóng chuyền nữ quốc tế cúp VTV9 năm 2018. Dù vậy, nhiều hạng mục xuống cấp mà vì thiết kế hiện tại nên không thể sửa chữa hoặc nâng cấp. Chẳng hạn, hệ thống cửa sắt bị gỉ sét, không đảm bảo độ kín nên nước mưa lọt vào bên trong; hay không gian nhà thi đấu không phù hợp cho việc sử dụng điều hòa. Hơn nữa, quy mô nhỏ, không đáp ứng nhu cầu của công tác tổ chức thi đấu cũng như lượng khán giả, mà giải Bóng chuyền nữ quốc tế cúp VTV9 là một minh chứng. Sắp tới đây, nhà thi đấu tỉnh là nơi diễn ra giải Bóng chuyền nữ quốc tế VTV Cup 2019 và có lẽ nơi đây lại phải tiếp tục đối mặt với tình trạng quá tải khán giả.

Tương tự, năm 2004 sân vận động Tam Kỳ được cải tạo, nâng cấp, kể cả đầu tư xây mới nhiều hạng mục như khán đài A có mái che, khán đài B, các phòng chức năng. Tuy nhiên, hiện nay một số hạng mục bị xuống cấp, thấm dột, không thể cải tạo được nữa. Năm 2017, đội Quảng Nam đoạt chức vô địch V-League và được thi đấu tại AFC Champions League song cuối cùng mất quyền tham gia. Trong số nhiều lý do có việc sân Tam Kỳ không đáp ứng các tiêu chí của Liên đoàn Bóng đá châu Á. Vừa qua, Câu lạc bộ Quảng Nam đề nghị tỉnh hỗ trợ nâng cấp mặt sân để đủ tiêu chuẩn tổ chức thi đấu giải bóng đá V-League. Cạnh đó, nhà tập luyện xây dựng năm 1999, trải qua 20 năm sử dụng nhưng không được bảo dưỡng. Hiện nay, công trình này vừa xuống cấp, quy mô lại khá nhỏ, không đủ cho Trường Năng khiếu nghiệp vụ TD-TT Quảng Nam tổ chức tập luyện.

NHỮNG BĂN KHOĂN

Những vấn đề như địa điểm, nguồn lực đầu tư, công tác giải tỏa đền bù, quản lý hiện trạng… được quan tâm khi đề xuất quy hoạch mới về khu liên hợp TD-TT của tỉnh.

Nhiều hạng mục sân vận động Tam Kỳ như mặt sân, phòng chức năng, khán đài xuống cấp nặng. Ảnh: T.V
Nhiều hạng mục sân vận động Tam Kỳ như mặt sân, phòng chức năng, khán đài xuống cấp nặng. Ảnh: T.V

Nhu cầu cần thiết

Lý giải về việc lập quy hoạch mới khu liên hợp TD-TT tỉnh, Giám đốc Sở VH-TT&DL Nguyễn Thanh Hồng cho rằng, sau khi tái lập, tỉnh lấy sân vận động Tam Kỳ làm sân tỉnh và dựa trên cơ sở này quy hoạch mở rộng thành trung tâm TD-TT. Có thể nói, trung tâm TD-TT tỉnh thời gian qua đáp ứng yêu cầu. Tuy nhiên, hiện nay việc tiếp tục triển khai thực hiện khu trung tâm TD-TT theo quy hoạch trước đây gặp rất nhiều khó khăn, bất cập. “Quy hoạch hơn 15ha nhưng đến nay chưa tạo quỹ đất sạch, mới xây dựng trên diện tích hơn 6ha, còn lại nằm xen kẽ với nhà dân. Nếu tiếp tục đầu tư sẽ vướng mắc đền bù giải tỏa nhà ở của người dân khá nhiều, diện tích không đảm bảo. Các công trình cũng đang xuống cấp khá nặng. Vì vậy, để có một khu TD-TT xứng tầm, đáp ứng yêu cầu phát triển trong tương lai, cần quy hoạch khu liên hợp TD-TT tỉnh tại một địa điểm mới” - ông Hồng nói.

Trong khi đó, theo ông Mai Đình Tuấn - Giám đốc Công ty CP đầu tư tư vấn kiến trúc Ánh Việt, quy hoạch chi tiết có đầy đủ sân vận động, nhà thi đấu, bể bơi, khu nhà ở. Nhưng do kinh phí khó khăn nên việc đầu tư manh mún, sân vận động, nhà thi đấu, nhà tập luyện, ký túc xá nằm ở vị trí không thuận lợi, giao thông khó khăn, khó cho công chúng tiếp cận. Khu vực không gian phía trước sân vận động lẽ ra phải rộng, thoáng dạng như quảng trường song hiện nay quá chật hẹp, khó cả cho các nhà quy hoạch. Qua khảo sát địa điểm và phân  tích nhu cầu, định hướng phát triển, đơn vị tư vấn đã đề xuất quy hoạch khu mới có quy mô 20 - 25ha, thậm chí có thể tăng lên 30ha để trong tương lai phát triển hơn nữa, trở thành một trong những trung tâm của cả nước. Lộ trình triển khai đến năm 2020 dứt điểm đền bù, giải phóng mặt bằng, tạo ra quỹ đất sạch, từ 2020 đến 2030 bố trí các nguồn vốn đầu tư xây dựng dứt điểm các công trình.

Băn khoăn tài chính, quản lý quy hoạch

Tại cuộc họp mới đây, qua 3 địa điểm mà đơn vị tư vấn đề xuất, khu đất quy hoạch dành cho GD-ĐT và nghiên cứu khoa học nằm trên đường Lê Thánh Tông (đối diện tượng đài mẹ Việt Nam anh hùng) được nhiều đại diện cơ quan chức năng của tỉnh lựa chọn, thống nhất đề nghị UBND tỉnh quyết định. Theo ông Trần Thanh Dương - Phó phòng Quản lý đô thị Tam Kỳ, đây là khu mới chủ yếu là hoa màu, nhà dân rất ít (khoảng 15 nhà trong đó phần lớn là cấp 4), phù hợp với quy hoạch chung của thành phố là quần thể văn hóa, thể thao, du lịch. Một đại diện Sở Tài nguyên - môi trường cũng cho rằng, về mặt pháp lý thì khu vực được chọn phù hợp với quy hoạch chung, tạo nên quần thể liên hoàn, hài hòa. Tuy nhiên, khi quy hoạch đặc biệt lưu ý đến công tác quản lý thật tốt hiện trạng. Nếu quyết định chọn địa điểm này để quy hoạch thì cần phải kiểm kê, cắm mốc, sớm giải phóng mặt bằng sạch và cần thiết làm tường bao, tránh tình trạng diễn ra như ở nhiều dự án khác hay như quy hoạch khu trung tâm TD-TT tỉnh hiện nay.

Một vấn đề gây rất nhiều băn khoăn cũng là nan giải nhất khi quy hoạch khu liên hợp TD-TT tỉnh chính là nguồn lực tài chính. Cũng dễ hiểu, bởi thực tế trước đây khi triển khai quy hoạch khu trung tâm TD-TT tỉnh gặp rất nhiều khó khăn về nguồn vốn. Nhà thi đấu đầu tư xây dựng kéo dài 10 năm vẫn không xong. Phải đến khi tỉnh đăng cai Đại hội TD-TT toàn quốc năm 2010 nhờ có nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương mới có thể hoàn thành. Tương tự, dù chỉ đầu tư cho một số hạng mục nhưng do thiếu vốn đầu tư nên sân vận động Tam Kỳ cũng kéo dài đến 6 năm mới xong. Điều đó cho thấy nếu xây dựng cả một hệ thống hạ tầng khu liên hợp TD-TT thì nguồn vốn đầu tư là cả một câu chuyện dài.

Theo ông Phạm Tấn Minh - Phó Giám đốc Sở Kế hoạch đầu tư, khu trung tâm TD-TT cũ 15ha nhưng quản lý quy hoạch tồi, đầu tư manh mún nên không quản lý được hiện trạng. Sau 20 năm đầu tư mới có được cơ sở như hiện nay nhưng bây giờ quy hoạch khu mới thì liệu có tiền để đầu tư cả nghìn tỷ đồng? Khu mới cũng phải giải tỏa đền bù, làm hệ thống giao thông. Vì vậy, hình thành khu mới phải 20 năm nữa, còn nếu có tài chính dồi dào thì cũng mất 10 năm.

Tại buổi làm việc với Sở VH-TT&DL cuối năm 2018, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân khẳng định, với những tồn tại, bất cập trong quy hoạch cũng như khó khăn khi triển khai đầu tư xây dựng khu trung tâm TD-TT tỉnh thời gian qua, rõ ràng nghiên cứu quy hoạch khu liên hợp TD-TT tỉnh tại địa điểm mới là nhu cầu cần thiết. Nhưng quy hoạch khu liên hợp TD-TT mới phải trên tinh thần xứng tầm của tỉnh, vừa phục vụ nhiệm vụ chiến lược phát triển TD-TT trong thời gian tới, vừa đáp ứng nhu cầu tổ chức các hoạt động thể thao tầm quốc gia, thậm chí để đón các giải thể thao lớn quốc tế. Còn vấn đề nguồn lực tài chính với tỉnh hiện nay cũng không phải là khó.

NHIỀU BẤT CẬP

Bên cạnh sự xuống cấp và quá tải của các công trình, khu trung tâm TD-TT tỉnh hiện nay còn tồn tại nhiều bất cập như hạ tầng kỹ thuật chưa đồng bộ, vấn đề giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất sạch…

Nhà tập luyện của Trường Năng khiếu nghiệp vụ TD-TT tỉnh chật chội, không đáp ứng nhu cầu cho các vận động viên luyện tập. Ảnh: T.V
Nhà tập luyện của Trường Năng khiếu nghiệp vụ TD-TT tỉnh chật chội, không đáp ứng nhu cầu cho các vận động viên luyện tập. Ảnh: T.V

Khó nâng cấp, mở rộng

Thông thường, nếu công trình bị xuống cấp thì cách đơn giản là sửa chữa, cải tạo, nếu có nhu cầu nhiều hơn thì nâng cấp. Tuy nhiên, với các công trình thể thao của tỉnh hiện nay, cụ thể là nhà thi đấu và sân vận động, cái khó lớn nhất là không thể tiếp tục cải tạo, nâng cấp. Theo các chuyên gia, nguyên nhân là vì hiện trạng các khu nhà đã xuống cấp quá nặng và nhất là kiến trúc không còn phù hợp với quy chuẩn, tiêu chuẩn hiện hành để có thể “lên đời” nhằm đảm bảo yêu cầu của công tác tập luyện, thi đấu.

Ông Mai Đình Tuấn - Giám đốc Công ty CP Đầu tư tư vấn kiến trúc Ánh Việt, đơn vị được Sở VH-TT&DL mời xây dựng đề án quy hoạch khu liên hợp TD-TT tỉnh, cho rằng sân vận động Tam Kỳ được cải tạo, xây mới khán đài A có mái che và các phòng chức năng với chất liệu chủ yếu là kết cấu bê tông cốt thép, kèo thép, mái tôn, hệ thống cửa sắt từ năm 2004. Đến thời điểm hiện tại, các tiêu chuẩn kỹ thuật áp dụng công nghệ cho sân đã lạc hậu, thời gian sử dụng theo niên hạn sắp hết nên việc tiếp tục đầu tư là không cần thiết. Tương tự, nhà thi đấu xây dựng năm 2000, đến nay công trình đã có biểu hiện xuống cấp như: kết cấu chịu lực yếu; hệ thống điều hòa không phát huy hiệu quả do thiết kế không gian không phù hợp; việc nâng cấp, tăng số chỗ ngồi cũng bất khả thi.

Comment

Facebook Instagram Youtube Twitter Google+ Top