Chuyện cảm động của thầy trò vùng núi lở Phước Sơn

Tại huyện vùng cao Phước Sơn cơn bão số 9 quét qua đã đánh sập nhiều ngôi trường, khu nội trú. Sự nghiệp đưa con chữ lên vùng núi cao vốn khó khăn giờ lại càng gian khổ hơn. Thế nhưng các thầy, cô nơi đây vẫn không chùn bước.

Trận sạt lở đất kinh hoàng chiều ngày 28/10 xảy ra tại thôn 3, xã Phước Lộc, huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam làm nhiều người bị vùi lấp, tử vong. Nữ sinh Hồ Thị Sơ, người dân tộc Giẻ Triêng, học sinh lớp 11/2, trường THPT Dân tộc nội trú Phước Sơn bỗng chốc mồ côi mẹ. Là con út trong gia đình có 5 anh chị em, 4 anh chị Sơ đã lập gia đình, nhà chỉ còn mình em với bố, mẹ. Sơ bảo, học trường nội trú mỗi tháng chỉ được về nhà 1 lần, nhưng trước bão số 9, mưa lớn nên giáo viên không cho các em về nhà để đảm bảo an toàn. Và rồi, em không được nhìn thấy mẹ trước lúc mẹ ra đi vĩnh viễn. Đêm nghe tin mẹ mất, nước mắt em tuôn như mưa.

Quãng thời gian này Sơ được các thầy cô giáo, bạn bè thường xuyên gần gũi, động viên, chăm sóc. “Em ít đi ăn, đi học cũng không chép bài, các bạn phải chép bài giúp, em chỉ khóc thôi. Mỗi lần các bạn nhắc tới là em nghĩ, mấy bạn có mẹ còn em không còn mẹ nữa nên em khóc. Có nhiều đoàn từ thiện cũng như cô Ly, cô Thứ an ủi, động viên nhiều nên em cũng vơi đi phần nào nỗi nhớ mẹ”, Sơ nghẹn ngào.


Các giáo viên Trường PTDT bán trú Tiểu học và THCS phải che tạm mấy tấm bạt làm chỗ ăn uống cho hơn 200 học sinh.


Con đường từ trung tâm huyện Phước Sơn dẫn vào xã Phước Kim, huyện Phước Sơn những ngày này đã thông tuyến nhưng đi lại vẫn còn nguy hiểm. Sau nhiều đợt mưa liên tiếp, ngọn núi bao quanh đường với hàng nghìn mét khối đất đá đổ xuống chắn ngang, nền đường được thay thế bằng bùn đất nhão, nhiều hố nước sâu hoắm.

Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Phước Kim là một trong 3 điểm trường bị thiệt hại nặng nề do bão số 9 vừa qua. Nước lũ cuốn trôi nhà ăn bán trú, bàn ghế, giường ngủ cùng toàn bộ sách, vở cũng như quần áo của học sinh trong trường. Bờ đất phía sau phòng ăn trượt xuống vực, thủng nhiều chỗ ngay sát mép bờ sông, sẵn sàng “nuốt” ngôi trường trong tích tắc.

Cô Đoàn Thị Oanh, giáo viên trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Phước Kim cho biết, hiện nay nhà trường phải mua 5 tấm bạt che tạm trước hiên phòng ở cho các em sinh hoạt, ăn uống tạm. Thầy cô phải đi xin từng bộ áo quần, quyển sách cho các em học.


Nước sông chảy xiết gây xói lở vào nền móng nhà bán trú.


Đã 2 tuần nay, 26 cán bộ, giáo viên trong trường phải thay cha, mẹ, vừa dạy học, vừa nuôi hơn 200 học sinh vì các em không thể về nhà. Một phần do nhiều nhà của học sinh bị trôi và phần lớn do chiếc cầu qua sông tới trường cũng đã bị nước lũ cuốn đi. Khó khăn chồng chất là thế nhưng theo cô Đoàn Thị Oanh, các giáo viên sẽ cố gắng hết sức để lo cho các em tiếp tục ăn học.

“Nhà trường ban đầu cũng có chia lịch trực cho các thầy cô, tuy nhiên, sau bão số 9, học sinh ở lại rất đông, các thầy cô ở đây đều chia sẻ lượng công việc với nhau. Ngoài giờ trực của mình, các thầy cô vẫn thực hiện giống như ngày mình trực như vậy. Thấy các em cần cái gì đó mình sẽ giúp. Nói chung là chúng tôi luôn trong tâm thế sẵn sàng giúp đỡ các em”, cô Đoàn Thị Oanh nói.


Tất cả giường ngủ của học sinh cũng bị ngâm trong nước.


Mưa vùng cao dai dẳng, núi thì vẫn chực chờ đổ ập xuống. Khi bão vừa đi qua, giáo viên ở Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Phước Kim đã vội vã đến trường. Thầy Trần Văn Thắng, quyền Hiệu trưởng nhà trường cho biết, có nhiều giáo viên con nhỏ, nhưng mỗi ngày đều đặn vượt hơn 20 km đến trường. Đường đèo dốc, vách núi dựng trên đỉnh đầu, đầy vết sạt lở, hiểm nguy nhưng các thầy cô vẫn băng bộ đến trường giữ học trò.

“Chúng tôi luôn thương học trò của mình. Khi bước qua cầu, nhìn xuống trường thấy ngổn ngang cây cối, toàn bộ sân trường không còn gì hết thì tôi nghĩ, thời gian quay trở lại trường của học sinh sẽ còn rất lâu. Nhưng nhờ sự nỗ lực cùng sự đồng lòng của các thầy cô, có những thầy cô làm việc tới 1h giờ trưa, tới tối không ăn cơm để làm cho xong việc. Nói chung các thầy cô ở đây rất đoàn kết và có sự cống hiến rất lớn”, thầy Trần Văn Thắng chia sẻ.

Ông Hà Thanh Quốc, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Nam lo lắng, chưa bao giờ ngành giáo dục địa phương lại chịu nhiều thiệt hại và đau thương đến vậy. Nhưng thầy và trò cùng động viên nhau vượt qua khó khăn trước mắt.

“Bây giờ, cách khắc phục là đón các em học sinh trở lại trường theo tinh thần 4 tại chỗ. Các trường vận động phụ huynh, các đơn vị bộ đội để tăng cường nhân công. Tạm thời lấy nguồn kinh phí của nhà trường lo mua tôn, ngói, và các vật dụng khác để xử lý trước”, ông Hà Thanh Quốc cho biết.


Phương Cúc

Comment

Facebook Instagram Youtube Twitter Google+ Top