Quảng Nam sắp xếp lại dân cư khu vực miền núi
Hàng nghìn hộ dân đã rời bỏ nơi sống chơi vơi bên sườn núi để đến các khu tái định cư (TÐC) xây dựng khang trang; qua đó giảm được rủi ro từ sạt lở núi, đồng thời góp phần xây dựng nông thôn mới (NTM).
Hạn chế rủi ro do thiên tai gây ra
Trở lại huyện miền núi cao Tây Giang, nơi tiếp giáp với biên giới Việt Nam - Lào, chúng tôi chứng kiến dấu vết cơn lũ tàn phá vẫn đọng lại bên những dòng suối, cánh đồng và con đường nơi đây. Sau bão số 5, nhiều tuyến đường trên địa bàn Tây Giang bị lũ quét, lũ ống gây sạt lở hàng trăm điểm, nhiều cây cầu bị lũ cuốn trôi gây ách tắc giao thông nghiêm trọng, hệ thống cột điện bị gãy, đổ khá nhiều. Bốn xã vùng cao của huyện lúc ấy bị cô lập hoàn toàn. Bão, lũ chồng bão, lũ, trong khi địa phương vừa dồn sức khắc phục, thông xe tạm thời lên các xã biên giới thì bão số 9 ập đến gây sạt lở trở lại… Ðáng mừng là trong đợt bão, lũ khủng khiếp vừa qua, nhiều nơi bị sạt lở đất chết người, nhưng ở huyện Tây Giang chỉ thiệt hại về hạ tầng giao thông, điện, thủy lợi… còn nhà ở và người dân sống tại các khu dân cư đều an toàn.
Khu tái định cư thôn Cha Lăng, xã Ch’ Ơm, huyện Tây Giang được xây dựng khang trang.
Ông A Mưr, thôn A Banh 1 (xã A Xan) chỉ tay về phía dòng suối nhỏ nói, cây cầu võng này bắc qua thôn A Banh 1 và thôn A Banh 2 bị lũ cuốn đứt, nhưng hai ngôi làng ở đây vẫn bình yên. Ông A Mưr cho biết, khu TÐC thôn A Banh 1 được xây dựng năm 2016. Làng cũ trước đây nằm dưới chân núi và cách làng mới bây giờ khoảng một cây số. Khu TÐC thôn A Banh 1, nơi gia đình ông A Mưr và hàng chục hộ dân đang sinh sống được hình thành trên mặt bằng rộng, cách xa chân núi và các khe suối; nhà ở được xây dựng khang trang, có hệ thống điện, nước sinh hoạt và có đường bê-tông… đi lại thuận lợi hơn trước.
Khi chúng tôi ghé thăm điểm TÐC ở thôn Da Dinh 2 (xã Gari), ông Hôih Mem, Trưởng thôn Da Dinh 2 vui vẻ thông tin, khu TÐC làng Da Dinh 2 được hình thành cách đây bảy năm. Trước khi đến đây, đồng bào sống rải rác bên các triền núi, luôn bị lũ ống và sạt lở đất đe dọa. Từ ngày về đây, bà con trong làng không còn lo núi lở, lũ cuốn nữa. Trong đợt mưa bão vừa qua, dù tuyến đường huyết mạch từ trung tâm huyện lên bốn xã vùng cao của huyện bị sạt lở, giao thông bị cắt đứt, gây cô lập nhiều ngày, nhưng khu TÐC này vẫn không bị sạt lở hay nước lũ tràn qua, nhờ đó cuộc sống người dân không thiệt hại gì lớn.
Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Giang Lê Hoàng Linh cho biết, qua gần 15 năm thực hiện, đến nay, Tây Giang đã cơ bản hoàn thành việc sắp xếp, bố trí dân cư tập trung, với 115 điểm TÐC ở 63 thôn, tổng diện tích hơn 370 ha. Qua đó, địa phương đã bố trí nơi ở ổn định cho 4.690 hộ (19.000 người) đến nơi ở mới an toàn, với tổng kinh phí đầu tư hơn 500 tỷ đồng. Tại các điểm TÐC này, đồng thời với hình thành mặt bằng, địa phương tập trung đầu tư xây dựng hạ tầng thiết yếu như: đường giao thông, điện sinh hoạt, nhà sinh hoạt cộng đồng (Gươl) và các mô hình phát triển sản xuất, cải tạo đồng ruộng, khu chăn nuôi... vừa ổn định nơi ở gắn với ổn định cuộc sống, từng bước phát triển sản xuất.
Theo Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My Trần Duy Dũng, từ năm 2017, huyện miền núi Nam Trà My đã triển khai công tác di dời dân theo chủ trương của tỉnh. Qua khảo sát, địa phương đã chọn làng Long Túc (thôn 5, xã Trà Nam) làm thí điểm công tác sắp xếp dân cư. Chỉ trong thời gian ngắn, đã có 52 hộ dân tại đây được chuyển nhà vào điểm TÐC tập trung. Năm 2017, do bão số 12 đã gây sạt lở lớn tại thôn 2, xã Trà Vân, làm thiệt hại về người và nhà cửa, tài sản của người dân, UBND huyện đã di dời, sắp xếp cho 121 hộ, với 431 khẩu tại các làng thuộc thôn 2, bị sạt lở và có nguy cơ sạt đến khu dân cư mới tại làng TÐC Khe Chữ, cũng thuộc thôn 2.
Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Nam Trà My Trịnh Minh Hải thông tin, sau gần bốn năm triển khai, đến nay, toàn huyện đã hình thành được 45 khu TÐC mới, qua đó đã bố trí chỗ ở an toàn cho 1.991 hộ dân; trong số này, bố trí TÐC tập trung cho khoảng 1.500 hộ, với tổng kinh phí đầu tư hơn 135 tỷ đồng.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Hồ Quang Bửu cho biết, qua gần bốn năm triển khai thực hiện việc sắp xếp dân cư theo Nghị quyết 12 của HÐND tỉnh, đến nay, đã có hơn 6.500 hộ dân ở chín huyện miền núi tham gia di dời chỗ ở, vượt gần 30% chỉ tiêu đề ra. Ðể công tác sắp xếp, bố trí dân cư đạt kết quả cao, ngoài công tác rà soát đối tượng cần di dời, khảo sát tìm mặt bằng và tuyên truyền vận động người dân, từ năm 2017 đến 2020, UBND tỉnh đã ưu tiên nguồn ngân sách để bố trí cho chín huyện miền núi, với số tiền 385 tỷ đồng. Dự kiến đến hết tháng 12 này, cả tỉnh sẽ giải ngân 365 tỷ đồng, đạt 94,6% kế hoạch giao.
Tiếp tục sắp xếp dân cư gắn với xây dựng NTM
Nghị quyết Ðại hội đại biểu Ðảng bộ tỉnh Quảng Nam lần thứ 22 đề ra mục tiêu giai đoạn 2020 - 2025, tầm nhìn đến 2030 phấn đấu hoàn thành việc bố trí, sắp xếp, ổn định dân cư gắn với xây dựng NTM và giảm nghèo bền vững vùng trung du, miền núi của tỉnh. Theo số liệu báo cáo của các huyện, nhu cầu sắp xếp, ổn định dân cư các huyện miền núi của tỉnh giai đoạn 2021 - 2025 hơn 8.000 hộ, trong đó hơn 1.700 hộ vùng nguy cơ cao bị thiên tai cần phải di dời. Tỉnh xác định, di dời, bố trí dân cư vùng có nguy cơ cao bị thiên tai, như: vùng nguy cơ lũ ống, lũ quét, sạt lở đất, ngập lụt sâu nguy hiểm… vừa là mục tiêu, vừa là giải pháp chủ động trong phòng, chống thiên tai, hạn chế rủi ro do thiên tai gây ra. Tỉnh chỉ đạo các địa phương tiếp tục rà soát đối tượng hộ cần di dời và thực hiện theo thứ tự ưu tiên. Trước hết, ưu tiên di dời, bố trí sắp xếp cho đối tượng vùng thiên tai rồi mới đến các đối tượng khác như: hộ nghèo xã khu vực III - vùng đặc biệt khó khăn; hộ dân tộc thiểu số sống phân tán, ở nơi không có điều kiện đầu tư kết cấu hạ tầng hay không bảo đảm điều kiện phát triển sản xuất, ổn định đời sống; hộ sống trong rừng phòng hộ, đặc dụng.
Ðể công tác sắp xếp dân cư đạt kết quả cao, Quảng Nam tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp. Trong đó, chú trọng công tác tăng cường tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, khắc phục tư tưởng trông chờ ỷ lại, nâng cao khả năng tự chủ của nhân dân miền núi trong tổ chức sản xuất và đời sống; phát huy vai trò chủ thể của người dân trong thực hiện và hưởng lợi. Nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, quản lý và thực hiện quy hoạch; tổ chức rà soát quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch các loại rừng của từng địa phương; quy hoạch phát triển các khu dân cư, điểm dân cư gắn với quy hoạch xây dựng NTM, phù hợp điều kiện, địa hình của từng địa phương và gần khu vực đất sản xuất, đất rừng được giao khoán, bảo vệ. Ðồng thời triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời, đồng bộ và hiệu quả các cơ chế, chính sách của Trung ương, của tỉnh về bố trí sắp xếp, ổn định dân cư vùng dân tộc thiểu số và miền núi; lồng ghép các nguồn vốn thực hiện trên địa bàn miền núi để bảo đảm tập trung, hạn chế phân tán nguồn lực và chồng chéo trong quản lý, tạo sự chủ động cho các địa phương trong việc huy động nguồn vốn để thực hiện đạt chỉ tiêu đề ra.
Trao đổi với chúng tôi về công tác sắp xếp dân cư, đồng chí Phan Việt Cường, Ủy viên T.Ư Ðảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HÐND tỉnh cho biết, thời gian tới Quảng Nam sẽ tiếp tục rà soát và điều chỉnh quy hoạch sắp xếp, bố trí dân cư theo nội dung xây dựng xã NTM phù hợp với điều kiện địa hình, kinh tế, văn hóa miền núi. Theo đó, tiếp tục đầu tư đồng bộ các khu dân cư nông thôn kiểu mẫu, bảo tồn bản sắc văn hóa, cải tạo cảnh quan môi trường, giữ vững an ninh trật tự, nâng cao thu nhập cho người dân.
Xây dựng kế hoạch và triển khai các điểm định canh, định cư tập trung ở những nơi có điều kiện, phù hợp với địa hình tự nhiên, gần nơi canh tác sản xuất; đồng thời, quy hoạch bố trí lại dân cư tại các vùng đặc biệt khó khăn, biên giới, vùng đệm các khu rừng đặc dụng. "Chủ trương của tỉnh Quảng Nam là bố trí dân cư theo hình thức xen ghép là chủ yếu; trường hợp cần thiết thì bố trí theo hình thức tập trung, nhưng hạn chế đến mức thấp nhất việc đào đắp đất khi san lấp mặt bằng, để tránh tác động làm thay đổi địa hình, làm mất chân núi dễ gây sạt lở đất"- đồng chí Phan Việt Cường chia sẻ.
Theo quy định của HÐND tỉnh, mức hỗ trợ người dân đến các khu TÐC: san lấp nền nhà 30 triệu đồng/hộ, di chuyển nhà 20 triệu đồng/hộ, nước sinh hoạt 1,5 triệu đồng/hộ, điện sinh hoạt cao nhất 3,5 triệu đồng/hộ, đường dân sinh cao nhất 10 triệu đồng/hộ, đất sản xuất cao nhất 15 triệu đồng/hộ, di dời chỉnh trang tại chỗ 20 triệu đồng/hộ...
TẤN NGUYÊN