Phước Sơn- Nỗ lực mở đường vào 2 xã bị cô lập
Con đường dẫn vào 2 xã vùng cao Phước Thành, Phước Lộc, huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam đang bị sạt lở nghiêm trọng, hơn 3000 hộ dân bị cô lập. Trong tình hình thời tiết mưa kéo dài khiến công tác khắc phục gặp nhiều khó khăn.
Cây rừng nằm xếp lớp trên đường.
Sau cơn bão số 9 vừa qua, tuyến đường ĐH1 đoạn từ xã Phước Kim vào xã Phước Thành; tuyến đường ĐH 2 đoạn từ xã Phước Thành vào xã Phước Lộc, huyện Phước Sơn bị sạt lở, sụt trượt nghiêm trọng. Từ ngày 29/10 đến nay, hàng chục xe cơ giới của các đơn vị bảo trì các tuyến đường trên liên tục khắc phục, tuy nhiên do khối lượng sạt lở quá lớn, nhiều cầu cống bị cuốn trôi nên công tác khắc phục gặp rất nhiều khó khăn.
Hàng chục tảng đá nằm ngay giữa mặt đường sau lũ lớn.
Ông Nguyễn Nhật Tú, Giám đốc công ty Đầu tư xây dựng Ngân Phát, đóng tại huyện Phước Sơn cho biết, từ khi xảy ra sạt lở, công ty đã huy động 5 chiếc máy xúc, xe lật ủi để san lấp những khu vực bị sạt lở, bồi lấp trên tuyến đường này. Do lượng cây gỗ, đá lớn nằm dày trên mặt đường làm chậm tiến độ thông tuyến. Hai xã vùng cao Phước Thành, Phước Lộc đang bị cô lập nên việc thông tuyến phải làm rất khẩn trương để sớm đưa lương thực vào cho bà con.
Hiện nay cây gỗ chất đầy trên đường nên chính quyền đang huy động lực lượng để cắt cây nhằm sớm thông xe.
“Hiện tại chúng tôi đã thông tuyến đến Km34, chỉ còn 6km nữa làm đến xã Phước Thành, huyện Phước Sơn. Trở ngại lớn nhất hiện nay là thời tiết mưa, nếu mưa lớn phải cho công nhân và máy móc nghỉ. Còn mưa nhỏ vẫn thông tuyến liên tục đến 19h, đêm nghỉ.”- ông Nguyễn Nhật Tú cho biết.
Nhiều km đường bị vùi lấp.
Tại hiện trường, tuyến giao thông từ xã Phước Kim đi Phước Thành, Phước Lộc huyện Phước Sơn bị hư hỏng rất nặng. Hàng chục km đường bị cây rừng, đá lớn phủ lấp hết lòng đường. Đoạn từ xã Phước Kim đi Phước Thành có nhiều điểm taluy âm bị sạt lở khiến mặt đường bị cắt đứt hoàn toàn. Các lực lượng chức năng đang khẩn trương cưa cắt số cây gỗ nằm trên mặt đường để thông xe.
Những ngày qua, Ban Chỉ huy tiền phương đóng tại huyện Phước Sơn phối hợp Sở Giao thông Vận tải tỉnh Quảng Nam và chính quyền địa phương đã huy động phương tiện tại chỗ, cõng dầu vào cho các phương tiện tại chỗ hoạt động để thông tuyến vào 2 xã vùng cao này.
Việc khắc phục giao thông rất khó khăn.
Ông Văn Anh Tuấn, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Quảng Nam cho biết, Sở đã điều động phương tiện máy móc và nhân lực lên khảo sát, tập kết các thiết bị tại hiện trường. Theo đó, huy động một mũi từ trong xã Phước Thành để thông tuyến ra bên ngoài. Các khu vực có nguy cơ bị sạt lở phải huy động lực lượng xung kích dùng rọ đá kè tạm, tránh sạt lở đứt đường. Ngoài ra nghiên cứu làm cầu tạm nhanh nhất có thể để sớm thông tuyến, xe ô chở hàng vào các xã cô lập.
Nhiều vị trí bị đứt gãy mặt đường.
Ông Văn Anh Tuấn đề nghị huyện Phước Sơn khẩn trương tập kết hàng hóa để khi ngành giao thông vừa thông tuyến sẽ chở ngay hàng vào cứu trợ bà con.
“Trước mắt để đảm bảo giao thông cho các phương tiện đi lại, trong điều kiện thời tiết còn khá phức tạp thì sẽ có những phương tiện và thiết bị để dự phòng rải rác trên các tuyến để kịp thời thông tuyến khi có xảy ra sạt lở, đảm bảo giao thông”- ông Văn Anh Tuấn cho biết.
Tuyến đường ĐH1 dẫn vào xã Phước Thành, huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam bị hư hỏng.
Nhằm đảm bảo lương thực, thực phẩm cho hơn 3.000 hộ dân ở 2 xã Phước Thành, Phước Lộc, huyện Phước Sơn trong thời gian chờ thông tuyến, những ngày qua các lực lượng vũ trang, người dân đã vận chuyển 21 tấn lương thực, thực phẩm vào 2 xã này. Hiện chính quyền địa phương đã phân phát số lương thực cho người dân. Tuy nhiên số hàng hóa trên chỉ đủ dùng từ 15 đến 20 ngày tới.
Việc khắc phục giao thông gặp nhiều khó khăn.
“Khoảng 3 ngày nay, chúng tôi đã tiến hành đưa lương thực, thực phẩm đến cho 2 xã. Hiện nay đã vận chuyển lên xã Phước Thành 15 tấn hàng, xã Phước Lộc 6 tấn hàng, số lượng lương thực này bảo đảm từ 15- 20 ngày. Số lương thực này các xã đã tiến hành cấp cho người dân. Nếu bão số 10 vào, trong thời tiết không thuận lợi thì vẫn đảm bảo lượng thực cho người dân”- Oông Nguyễn Mạnh Hà, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy Quảng Nam, người được phân công chỉ đạo công tác cứu hộ cứu nạn tại huyện Phước Sơn cho biết.
Tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động cứu trợ lụt bão
Trong vòng 20 ngày qua, Ủy ban Mặt trận tổ Quốc Việt Nam tỉnh Quảng Nam tiếp nhận sự hỗ trợ của gần 100 tổ chức, cá nhân ủng hộ cho tỉnh hơn 50 tỷ đồng và nhiều hàng hóa để khắc phục hậu quả lụt bão. UBND tỉnh Quảng Nam cũng vừa có văn bản đề nghị các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh hướng dẫn, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân thiện nguyện đến hỗ trợ người dân trên địa bàn bị thiệt hại do bão lũ.
Những đoàn cứu trợ người dân miền núi Quảng Nam nối đuôi nhau trên đường.
Trong số hơn 50 tỷ đồng tiền mặt do các tổ chức, cá nhân đăng ký ủng hộ, đến ngày 4/11, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Quảng Nam đã tiếp nhận hơn 28 tỷ đồng các đơn vị chuyển về. Hơn 20 tỷ đồng đã phân bổ cho các địa phương để hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả lụt bão.
Những ngày này, rất nhiều tổ chức, cá nhân trực tiếp đến các địa phương, gia đình bị thiệt hại để ủng hộ. Để tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân làm thiện nguyện, UBND tỉnh Quảng Nam đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, Hội Chữ thập đỏ tỉnh tiếp tục làm tốt công tác vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng tiền, hàng cứu trợ khắc phục hậu quả do thiên tai đảm bảo kịp thời, đúng mục đích, đúng đối tượng. UBND tỉnh Quảng Nam lưu ý cần tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân thiện nguyện đến hỗ trợ người dân nhưng không để các tổ chức, cá nhân đến địa điểm không đảm bảo an toàn.
Các đoàn thiện nguyện ủng hộ gạo cho người dân xã Trà Leng, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam.
UBND tỉnh Quảng Nam đề nghị các sở, ban, ngành phối hợp thành lập, thông báo các điểm tiếp nhận hàng cứu trợ; hướng dẫn, theo dõi quá trình tiếp nhận, phân phối hàng cứu trợ; xử lý nghiêm đối với các trường hợp vi phạm (nếu có). Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, đoàn thể chính trị - xã hội các cấp trên địa bàn tỉnh phối hợp chặt chẽ với UBND cùng cấp cung cấp thông tin, hỗ trợ, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân, các đoàn thiện nguyện đến cứu trợ tại địa phương mình đảm bảo hiệu quả, đúng đối tượng. Ông Nguyễn Phi Hùng, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Quảng Nam cho biết, đơn vị đề nghị các địa phương thống kê cụ thể thiệt hại, phân phối hàng cứu trợ hợp lý.
“Tất cả các đoàn có liên hệ với Mặt trận, chúng tôi phối hợp Mặt trận các địa phương rà soát thiệt hại từng địa phương, chọn đối tượng, giới thiệu cho họ đến gặp trao quà. Đối với cá nhân, nhà hảo tâm tự phát không thông qua Mặt trận thì Mặt trận huyện, xã theo dõi, giúp đỡ"- ông Nguyễn Phi Hùng cho biết./.
Thanh Thắng-Đình Thiệu