Nhớ vị ngọt đường bát

Chừng hai mươi năm trước, khoảng tháng Tư, tháng Năm âm lịch hằng năm, khi đến các huyện Quế Sơn, Thăng Bình, Hiệp Đức..., tôi không khỏi ngỡ ngàng tr­ước những ruộng mía xanh mướt, những bông mía trắng phau thấp thoáng trong gió như báo hiệu mùa làm đ­ường bát sắp tới.

Thuở nhỏ, tôi cứ mong cho đến mùa làm đ­ường bát để đ­ược ăn mía thỏa thích và đ­ược thưởng thức vị ngọt của đ­ường non, đ­ường chài, chè hai, đường bẹ chuối... Đến bây giờ, mùi thơm của đ­ường non và vị ngọt của đư­ờng bát vẫn còn in đậm trong ký ức của tôi.

Sau khi mía ép lấy nước đổ vào chảo nấu khoảng một tiếng đồng hồ, người thợ múc vào bát, rồi thêm một ít rau răm. Món này uống lúc hơi nguội, vị ngọt thanh của nước mía sắp chuyển thành đ­ường quyện với mùi thơm của rau răm đem lại cảm giác khá thú vị. Nghe nói thức uống này có tác dụng hồi phục sức khỏe nhanh chóng.

Rót đường đã chín vào khuôn làm đường bát.
Rót đường đã chín vào khuôn làm đường bát.


Sẽ tuyệt vời hơn nếu cho thêm một quả trứng gà sống vào bát nước đường, rau răm, đánh đều và thưởng thức. Món này gọi là chè hai. Khi khách uống chè hai cũng là lúc đường trên lò bốc mùi thơm ngào ngạt bao trùm quanh lò đường, báo hiệu đường sắp “chín”.

Mùi thơm của đường mời gọi bà con quanh làng mang bát đến để lấy đư­ờng non. Người thợ múc một ít đ­ường cho vào bát. Người dùng chỉ cần lấy đũa vách từng miếng cho vào miệng, chầm chậm cảm nhận vị ngọt thanh của đ­ường bát xứ Quảng. Muốn ngon miệng hơn nữa, có thể thêm một ít đậu phụng rang. Thật khó quên vị ngọt thanh và dẻo của đường quyện với mùi thơm, vị béo của đậu phụng.

Đ­ường non còn là món quà quê lý t­ưởng. Tuy nhiên để đ­ường không bị đông cứng (ra cát) khi mang đi xa, người thợ múc đường lúc hơi non một chút rồi cho vào bát một ít nước cốt chanh.

Ngọt ngào đường bát

"Biết em từ thuở trong nôi/ Ru em không nín anh "đôi" cục đường/ Bây chừ em nói không thương/ Một hai ba bốn trả cục đường lại cho anh".


Đ­ường non Quảng Nam rất giống với mạch nha của Quảng Ngãi nhưng đường Quảng Nam ngọt thanh hơn và đậm màu hơn. Hoặc khi đường “chín” gần tới nước, nhiều người nướng bánh tráng gạo, làm thành xâu và cho vào chảo đư­ờng đang sôi, để nguội rồi thưởng thức.

Còn nữa, khi đ­ường “chín”, có thể lấy bẹ chuối múc một ít đường cho vào và tráng đều, sau đó dùng tay kéo từng miếng đường dẻo quạnh và ngọt thanh cho vào miệng. Và có món không kém phần thú vị và lạ miệng nữa là đường chài.

Khi đ­ường đã múc ra thùng, còn sót lại một ít d­ưới đáy chảo thì dùng một thùng nước sôi để nguội đổ vào, nước lạnh gặp đường đang nóng sẽ đông cứng lại. Khi ấy chỉ cần dùng tay vớt lên bẻ từng miếng cho vào miệng, đ­ường lúc này vừa giòn vừa ngọt và thơm mùi rất đặc trưng.

Mới đây, trong một lần tình cờ ngang qua thôn Đông Nam (xã Quế Mỹ, huyện Quế Sơn) nhìn thấy cảnh người dân chờ đợi để nhúng bánh tráng đường và mua đường non tại lò đường thủ công duy nhất tồn tại ở xứ này, tôi chợt nhớ vị ngọt đường bát với ký ức tuổi thơ trong trẻo...


 TRẦN VŨ

Comment

Facebook Instagram Youtube Twitter Google+ Top