LÁ MÙNG NĂM

Một góc nhỏ trong khu chợ lớn là một rừng cây lá với nhiều những hương vị khác nhau, nào là sim, móc, mua, tía tô, ngải cứu, rau má khô, chè vằn, hoa dứa, mâm xôi, lá lài, hoa lài,…tất cả các loại lá, trái, rễ, hoa của các loại cây thân thuộc mọc hoang dại trong vườn nhà, trong rừng, bờ khe, bờ sông…được bày bán với tên gọi gần gũi, mộc mạc “Lá Mùng Năm”.

Trong tâm thức của những người dân quê tôi thì một năm được đánh dấu bằng hai cộc mốc, quan trọng nhất là ngày Tết Nguyên đán khi kết thúc một năm để tổng kết những gì đã đạt được. Và cột mốc thứ hai chính là ngày Mùng Năm Tháng Năm âm lịch, đấy là khi đã xuống giống xong cho mùa Hè - Thu, đã nhàn việc đồng thì người ta quây quần ăn Tết Đoan Ngọ giữa những ngày mà cái oi nồng của nắng chẳng thể làm tan đi cái nôn nao đón đợi mùng năm.

Chợ lá mùng 5 ở Hội An

Tục hái lá thuốc mùng 5 như nhắc nhở bằng hình thức linh thiêng để mọi người lưu ý hái một ít lá cây - vị thuốc có sẵn để dùng khi cần thiết. Nước lá mồng 5 là loại nước uống truyền thống cần được lưu ý, nghiên cứu, bảo tồn


Khác với những cái Tết khác, Tết Đoan Ngọ mang lại không khí rất riêng, từ cái không khí của đất trời tháng hạ. Rồi đến với những món đặc trưng cho ngày này từ món chè ngọt lịm đến chiếc bánh ú tro giòn sần sật, quả mít đầu mùa thơm ngát mùi hương. Ngày Tết giữa năm còn mang nhiều nét đặc trưng gắn với sinh hoạt lao động của những người thuần nông. Trước kia còn nấu bếp củi thì đúng ngọ người ta khều mối từ lòng bếp, rồi đi bắt thằn lằn giữa trưa. Có độ giữa trưa mấy bác cao niên tay hăm hăm chiếc rựa bổ mấy gốc cây ăn quả không chịu ra trái, mà cũng lạ hầm hầm hổ hổ mà khi bổ thì xoay cái rựa lại mà chặt, với ý định làm phép cho năm sau sai trái. Song có lẽ ấn tượng nhất với nhiều người là lá mùng năm.

Chợ lá mùng 5 ở Hội An

Lá mùng năm có giá từ vài ngàn đồng/bó, đối với loại khó kiếm hơn phải đi vào rừng sâu mới có thì giá từ 15-30 ngàn đồng/bó. Theo những người bán lá cho biết, lá này chỉ có giá trị dịp mùng 5/5 âm lịch nếu qua đợt thì hết giá trị. Cách phối lá uống trị theo bệnh cũng có kinh nghiệm riêng, nên nhiều người không biết thường nhờ người bán chọn lựa giúp


Cứ đúng 12 giờ sau khi cúng bái xong, có khi đã dùng xong bữa cỗ thì mọi người í ới nhau đi hái lá mùng năm. Đấy là các cây thuốc nam thường mọc quanh nhà từ ổi sẻ, tía tô, ngải cứu, lá sả, chè vằn,… các loại cây thuốc nam được hái sẽ cắt gọn lại từng bó. Sở dĩ hái lá giờ đấy bởi vì quan niệm dân gian khi ấy trời đất hội tụ tinh hoa trong cây thuốc, có giá trị cao nhất trong lúc chữa bệnh. Lá mùng năm đem về phơi hong một nắng rồi cắt nhỏ, có nhà kĩ hơn còn sao rang thủy thổ. Phơi dưới nắng giòn năm bảy bận là khô hẳn cho vào cái bọc treo trên chái bếp ấy là đã có mớ lá thuốc mùng năm thơm nồng.

Chợ lá mùng 5 ở Hội An

Tại nhiều chợ, người bán lá rất đông và người mua cũng rộn ràng đi lại.


Lá mùng năm sau đó được đun uống hằng ngày như một loại trà. Nó hiện diện trong đời sống từ những lúc làm đồng, khi cảm vặt, hay cả những lúc cả nhà quây quần lại với nhau. Ngày mưa lất phất thoang thoảng cái lạnh mờ sương mà bưng bát nước lá mùng năm hít hà cái mùi thơm nhẹ nồng nàn rồi uống cái ực sao nghe ấm lòng chi lạ. Có lẽ những tinh chất trong cỏ cây ngày Tết đã đậm hương cho cái vị chát nhẹ mà dư vị lại ngòn ngọt nơi cổ họng, mùi hương thì vương vấn trong cái nâu vàng sóng sánh.

Ai đã từng được tự tay hái lá trưa ngày mùng năm, hay một lần thưởng thức cái bát nước lá ấy đều sẽ không thể quên được cái mùi vị không lẫn vào đâu giữa trăm thức uống. Mà bất giác nghe được cái mùi hương ấy ta lại nhớ cái nôn nao chờ một ngày mùng năm đủ đầy thành viên cùng quây quần bên mâm bánh trái, của chiếc bánh ú tro be bé xinh xinh và trôi tuột đi như khi tìm mấy con thằn lằn trốn biệt đâu chẳng thấy…


Đỗ Duy Hoàng


Comment

Facebook Instagram Youtube Twitter Google+ Top