Nguyễn Thị Vạn: Cuộc gọi nhỡ từ quê & nghị lực khó tin của cô gái nhỏ
Như giấc chiêm bao
Nhà ngay khu vực tượng đài Mẹ Thứ (xã Tam Phú, thành phố Tam Kỳ, Quảng Nam), Nguyễn Thị Vạn “bén duyên” với trái bóng tròn từ chúng bạn con trai. Phận nữ nhi nhưng cứ thấy trái bóng là y như rằng, cô bé sinh năm 1997 lại bị hớp hồn.
Lúc bấy giờ, khu vực xung quanh nhà Vạn không có dư dả về kinh tế nên hầu hết, những đứa trẻ trong làng đều phải đặt trên vai gánh nặng gia đình. Nhà 4 anh chị em, bố mẹ lại làm nông, ngay từ nhỏ, Vạn đã phải lăn xăn dọc dài trên những cánh đồng.
Nguyễn Thị Vạn đã có bước tiến nhanh chóng trong sự nghiệp cầu thủ. Ảnh: VFF
Ấy thế, đó lại là niềm vui của những đứa trẻ chốn quê này. “Hồi nhỏ cứ buổi nào đi học thì thôi chứ nếu nghỉ thì ở nhà giúp bố mẹ làm việc lặt vặt. Chiều đến, rảnh thì mới cùng lũ con trai đi đá bóng chứ ở đây không có ai con gái đá hết. Ban đầu cũng ngại ngại vì mình con gái nhưng rồi tự nhiên đam mê lúc nào không hay”, Vạn kể.
Cứ mỗi khi mùa gặt về, Vạn cùng chúng bạn mới có không gian thoải mái để vùng vẫy còn không, cứ hễ có khoảnh đất trống nào thì lại tận dụng làm sân bóng. Dần dần, đam mê giúp Vạn phát triển tài năng. Cô bé sinh năm 1997 này luôn là trụ cột của các đội bóng ở trường.
Có tiếng vang ở các kỳ Hội khỏe phù đổng cấp thành phố cũng như cấp tỉnh, Vạn đã lọt vào “mắt xanh” của hệ thống tuyển trạch viên CLB Than khoáng sản Việt Nam ở cấp cơ sở. Năm 2011, chính các thầy ở đội bóng đất Mỏ vào tận Tam Kỳ để đưa Vạn cùng một số bạn về tập trung cùng đội bóng.
Vốn đam mê, gia đình lại khá khó khăn nên bố mẹ Vạn ủng hộ, động viên con đi theo con đường bóng đá chuyên nghiệp. “Thông thường, chúng tôi sẽ gọi các gia đình lên một địa điểm để làm việc. Có gia đình thì đồng ý luôn nhưng có trường hợp phải về tận nhà để thuyết phục. Riêng trường hợp của Vạn thì khu vực quanh nơi cô bé này sinh sống, điều kiện kinh tế khá khó khăn, khi được đi tập trung cùng đội bóng sẽ đỡ đần hơn rất nhiều. Đó là lý do mà bố mẹ Vạn đồng ý để cho con mình đi theo nghiệp bóng banh”, HLV Cao Chí Thành, người trực tiếp đưa Nguyễn Thị Vạn về Quảng Ninh cho hay.
Với Vạn thì cô bé này chẳng bao giờ nghĩ sẽ theo con đường bóng đá chuyên nghiệp mà chỉ nghĩ đá cho vui, thích đá ở cánh đồng ruộng ở quê để rồi khi lớn lên sẽ tìm một công việc nào đó gần nhà, đỡ đần cho gia đình.
Cầu thủ gốc Quảng Nam (trái) lần đầu tiên bước lên bục cao nhất ở đấu trường Đông Nam Á cùng ĐT nữ Việt Nam tại Seagames 29 năm 2017.
Chỉ xem bóng đá chuyên nghiệp như là giấc chiêm bao. Thế nhưng, tập luyện ở đội trẻ được ba năm, Vạn bắt đầu tích cóp được số tiền kha khá để thỉnh thoảng phụ giúp gia đình. Tài năng của cô bé sinh năm 1997 này phát lộ nhanh chóng. Năm 2015, Vạn được gọi tập trung cùng ĐT U19 nữ Việt Nam. Chỉ 1 năm sau, cô được đôn lên đội 1 và lần đầu được gọi tập trung cùng ĐT Việt Nam. Sự nghiệp lên như diều gặp gió khi Vạn cùng ĐT nữ Việt Nam vô địch SEA Games 29. Cuộc đời đã sang ngang với cô bé nhỏ nhắn này. Nào ngờ...
Biến cố gia đình & nỗi dằn vặt quê nhà
Cuộc sống cũng như sự nghiệp với Vạn đang có những bước đi lên thì nào ngờ, biến cố gia đình ập tới. Vừa giành huy chương vàng cùng ĐT nữ Việt Nam ở SEA Games 29 được ít ngày, Vạn nhận tin sét đánh khi em trai sinh đôi mất vì tai nạn.
Cả bầu trời như sụp đổ bởi trong gia đình, chỉ có hai chị em chơi thể thao và cùng nhau san sẻ gánh nặng gia đình khi anh lớn đã có gia đình nhỏ còn em gái út còn nhỏ. “Khi đi SEA Games 29 về không bao lâu, thấy cuộc gọi nhỡ của em gái, tự nhiên linh tính chuyện gì thì ngay sau đó, chị gọi ra báo em trai mất. Lúc đó người cứng đơ. Em vừa mới được về nhà một tuần, chị em chia vui cùng nhau, hứa hẹn đủ điều thì vừa ra lại một tuần thì đón nhận tin sốc”, Vạn kể lại mà nghẹn ứ cả cổ họng lại. Bởi lúc đó, nỗi dằn vặt lại ùa về với cô bé sinh năm 1997 này.
“Nó ở nhà hay giúp bố mẹ làm việc nặng nhọc. Khi em ấy mất thì buồn lắm, lại không có người trụ cột. Bố mẹ cũng đã lớn tuổi, không có ai chăm sóc”, Vạn không thôi trăn trở.
Với Nguyễn Thị Vạn, bóng đá sẽ là "cần câu cơm" để giúp cô san sẻ gánh nặng gia đình.
Lo cho bố mẹ, em út và trở thành trụ cột duy nhất trong gia đình, nhiều lúc suy nghĩ, Vạn bất chợt muốn nghỉ bóng đá để về gần nhà, kiếm một công việc nào đó sống qua ngày.
Cô gái xứ Quảng tại Seagames 30 sau pha dứt điểm chạm xà ngang ở trận chung kết.
“Nhiều lúc suy nghĩ, em cũng chưa biết có tiếp tục theo con đường bóng đá chuyên nghiệp khi chẳng ai ở nhà phụ giúp bố mẹ cả. Nhưng đó chỉ là thoáng chốc bất chợt chứ ngẫm lại, bóng đá cho mình quá nhiều, không thể bỏ đam mê và nghề nghiệp nuôi gia đình được. Giờ chỉ cố gắng để theo nghiệp đến cùng để làm bố mẹ vui lòng”, Vạn bùi ngùi.
Trần Khánh