Lượm lặt câu đối dân gian Quảng Nam

Bắt gặp một cuốn sách hay trong đống sách cũ bày bán sale off sẽ đem lại cho ta sự thích thú hơn là tìm thấy nó trong thư viện lớn. Tìm được một mạt vàng trên đống sỏi đá, có lẽ ta còn sung sướng hơn là tìm thấy được một viên kim cương trong tiệm kim hoàn. Trong lĩnh vực văn chương cũng vậy.

1. Tình cờ đọc được một đoạn văn hay trong một tác phẩm bình thường của một nhà văn không đặc sắc, hoặc nghe một câu nói thú vị của những người bình dân lao động, lắm khi ta lại thấy thích thú vô ngần. Vì những câu nói đó luôn mang hơi thở của đời sống thực. Đó là cảm giác của tôi, khi tình cờ nghe những câu đối trong “cõi dân gian” xứ Quảng.

Câu đối thì chắc ai cũng biết được ít nhiều, và có nhiều loại, nhưng đại khái thì nó gồm hai câu có số lượng chữ bằng nhau, thường có âm và nghĩa đối nhau, nhằm biểu thị ý tưởng, quan điểm, tình cảm của tác giả về một hiện tượng, tình huống hay sự kiện nào đó trong đời sống xã hội, hoặc để biểu hiện nhân sinh quan của người viết. Câu đối là một loại hình văn học đặc biệt chỉ có trong những ngôn ngữ đơn âm như tiếng Hán hoặc tiếng Việt.

Những câu đối tôi lượm lặt sau đây toàn là những câu tôi tình cờ nghe được trong dân gian, rất lý thú vì tác giả của chúng toàn là người Quảng không chuyên về văn chương chữ nghĩa.

Có hai ông U70 người Quảng Nam, gặp nhau, ngồi nhâm nhi một chai Remy Martin, tán dóc lai rai, một ông nổi hứng, đọc câu đối:

Hai thằng Quảng Nam nghe nhạc Kinh Bắc, uống rượu phương Tây, bàn chuyện Biển Đông.

Ông kia đối lại bằng thơ luôn:

Hai ông tuổi lão tưởng còn thư sinh, uống rượu chí tử, có ngày đổ bệnh.

Câu xuất đối có đủ bốn phương đông - tây - nam - bắc, câu đối lại gồm bốn giai đoạn của đời người sinh - lão - bệnh - tử trong tư tưởng Phật giáo. Cũng thật thú vị.

Có một ông kỹ sư về hưu ở Hà Lam ra câu đối: “Có nơi mô cao bằng Thăng Bình”. Đem tên hai địa danh Cao Bằng và Thăng Bình ghép thành một câu đối rất tự nhiên. Cái khó nữa là bằng cũng nghĩa với là bình. Thăng Bình dĩ nhiên không cao về địa thế, nhưng người ra câu đối đúng là cao thủ. Có người lấy tình huống đánh bài xì tố (hay xì phé) đối lại: “Nào ai chơi tố như Huy Tự”. Tố Như tức thi hào Nguyễn Du thì ai cũng biết, còn Nguyễn Huy Tự là con rể của tiến sĩ Nguyễn Khản (anh Nguyễn Du) ở xã Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh, cũng là một nhà thơ nổi tiếng với Truyện Hoa Tiên. Đem tên hai nhà thơ đối lại hai địa danh, mà Như với Tự lại đồng nghĩa, quả cũng thật tài tình. Chỉ có điều oan uổng là nhà thơ Huy Tự chắc chắn không biết chơi đánh bài xì tố, và cụ Tố Như dưới suối vàng cũng phì cười đành cho hai chữ “đại xá”!  

Hôm Tết Trung thu vừa rồi, ngoài đường rộn ràng tiếng trống múa lân, tôi và một số bạn ngồi lai rai, giữa tiếng trống rộn ràng, một người liền ra câu đối: “Đêm Trung thu, thắp đèn cầy, nghe chó sủa thiên cẩu”. Ba chữ cầy, chó, cẩu đều chung một con vật. Một người nổi hứng đối lại: “Tết Nguyên đán, đến giờ ngọ, cưỡi ngựa đi thăm mã”. Ngọ, ngựa, mã cũng chỉ chung một con vật. Một người nữa đối: “Khuya 30, nhậu tiểu hổ, nằm kễnh coi phim cọp”. Hổ, kễnh, cọp cũng tuy ba mà một. Quả là hay, nhưng hơi tiếc là câu đối ra kết thúc bằng vần trắc mà hai câu đối lại cũng kết thúc bằng vần trắc nên chưa được hoàn hảo cho lắm.

Sau đây là tình huống có thật. Một lần trong quán nhậu, trong bàn có một nhà báo người Nam Định lấy cô vợ người Quảng Nam. Cô vợ này thuộc loại cao thủ quản lý chồng nên nghe đâu anh nhà báo đành chấp nhận “cam bái hạ phong”. Một người trong bàn cũng thuộc loại bạn thân liền ra câu đối chọc quê: “Vợ Quảng Nam quản chồng Nam Định”. Câu đối có chỗ lắt léo là “quảng” và “quản” khác nhau một ký tự, nhưng lại đọc như nhau trong cách đọc của người Quảng Nam. Có một người đối lại: “Trai Chiêm Thành chim gái Thành Đô”. Chiêm Thành thì ai cũng biết, còn Thành Đô là một địa danh nổi tiếng của Trung Quốc. Cái hay của câu đối lại là “chim” trong “chim gái” (tức tán gái) cũng kém “Chiêm” một ký tự, và cũng đọc như nhau theo cách đọc của người Quảng Nam.

Hội Bài Chòi xứ Quảng.

2. Nói lái là một đặc sản của xứ Quảng. Và vận dụng nó vào câu đối là một tuyệt chiêu chơi chữ của dân Quảng. Tôi có lần chỉ cái biệt thự, nói đùa mà thành ra câu đối “Biệt thự bự thiệt”, rồi mời nhiều người đối mà chưa ai đối được. Gần đây có một nhà giáo về hưu đối lại bằng một câu xuất sắc: “Dinh cơ dơ kinh”. Nghe rặt ngữ khí Quảng Nam! Chỉ có dân Quảng Nam mới khen hay chê theo kiểu “bự thiệt”, “đẹp kinh”, “xấu kinh”...

Ông bạn già tôi, nguyên là hiệu trưởng về hưu, có lần sưu tầm được một câu đối nói lái gửi cho tôi: “Lên cầu Cây Sanh bẻ cành cây sâu, vô cầu Ông Bộ đánh bồ ông cậu”. Quá hay và đặc chất Quảng Nam! Có người đối lại: “Làm ban lãnh đạo thành bao lãnh đạn, như mèo đuôi cụt nằm mút đuôi kèo”. Không chuẩn lắm nhưng cũng lý thú.   

Một anh công nhân quê Bình Giang, Thăng Bình, đi làm ở Bình Dương, có lần ra câu đối: “Đàng Bình Dương không bằng đường Bình Giang”. Một anh Quảng Nam khác đối lại cũng bằng địa danh xứ Quảng: “Bần Tam Giang ngon hơn bàng Tam Dân”. Bần và bàng là hai loại cây chắc ai cũng từng biết. Người Quảng nào đi xa xứ, nghe những câu này chắc không khỏi có chút bâng khuâng.

Có một người ra câu đối “Ba đi xe con”. Thật hay. Xe con vừa là ô tô, vừa có nghĩa là xe của con. Nhưng vỏ quít dày thì có móng tay nhọn, một người đối lại “Ông nằm giường bố”. Giường bố là một loại giường xếp, với tấm lót bằng vải bố, vừa có nghĩa là giường của bố. Đem ông đối với ba, bố đối với con, thiệt quá xuất sắc. Tôi cho đây là một trong những câu đối dân gian xuất sắc điển hình của đất Quảng Nam.

Khi nghe được những câu đối đó, tôi tin rằng trong những người dân xứ Quảng bình dị hiện nay vẫn không thiếu những bậc “ngọa hổ tàng long” về văn học dân gian. Nhưng những “đối sĩ” đó không màng chi đến chuyện phổ biến cho nhiều người biết đến, vì họ chỉ xem văn chương như một môn giải trí mang tính trí tuệ để tìm vui giữa cuộc sống nhọc nhằn.


LIÊU HÂN


Comment

Facebook Instagram Youtube Twitter Google+ Top