Hai tập thơ, hai phong cách
Đông đảo người yêu thơ, các nhà thơ và đặc biệt là các nhà phê bình chuyên nghiệp, văn nghệ sĩ Quảng Nam và văn nghệ sĩ đến từ các tỉnh khu vực miền Trung Tây – Tây Nguyên tham dự buổi ra mắt.
Được biết, đây là lần đầu tiên, Hội VHNT Quảng Nam thực hiện một chương trình phối hợp với một đơn vị xuất bản uy tín là NXB Văn học, và đây cũng là lần đầu tiên có một buổi ra mắt, giới thiệu thơ của 2 tác giả là anh em ruột với 2 phong cách thơ khác nhau.
Nhà phê bình Nguyễn Tấn Ái (hội viên Hội VH-NT Quảng Nam) chia sẻ cảm nhận về 2 tập thơ. Ảnh: B.A |
Tại buổi ra mắt, nhiều văn nghệ sĩ, nhà báo chia sẻ cảm nhận về 2 tập thơ “Nhật ký gió cuốn” và “Trong mênh mông gió cát”; đồng thời diễn đọc, trình bày một số bài thơ và ca khúc phổ thơ của 2 nhà thơ.
Nhà thơ H.Man và Phạm Tấn Dũng từ nhiều năm nay đã không còn là những cái tên xa lạ với người yêu thơ xứ Quảng nói riêng, cả nước nói chung. Theo cảm nhận của các văn nghệ sĩ, là anh em ruột cùng sinh ra và lớn lên trên vùng đất phù sa Gò Nổi, cùng lặn ngụp tắm gội trên dòng sông mẹ Thu Bồn, nhưng trong thăm thẳm cội nguồn, những cuộc tìm về của H.Man thường rất ngọt ngào, mềm mại, nhẹ nhàng với mẹ, với em, với biền dâu, bãi cát..., trong khi với Phạm Tấn Dũng lại đầy va vấp, khắc khoải, xung đột và cả đớn đau.
Diễn đọc thơ của nhà thơ Phạm Tấn Dũng.Ảnh: ĐÔNG PHƯỚC HỒ |
Với H.Man, người ta nhớ đến anh và thơ anh là nhớ đến những vần điệu nhẹ nhàng thanh thoát được kết nối nhuần nhuyễn, điêu luyện trong những dạng thức thơ quen thuộc và có phần cổ điển; còn với Phạm Tấn Dũng, phần lớn là những câu thơ trúc trắc, quẫy đạp, được kiến tạo qua kết cấu phi tuyến tính.
Tuy nhiên, bên trong những đối lập, khác biệt ấy, thơ của H.Man và Phạm Tấn Dũng, cụ thể là ở 2 tập thơ “Nhật ký gió cuốn” và “Trong mênh mông gió cát”, vẫn có thể nhìn thấy những điểm chung rất đáng quý, đáng yêu, đáng trân trọng.
Hai tập thơ của nhà thơ H'Man và Phạm Tấn Dũng. Ảnh: Bảo Anh |
Đó là cốt tính hào hoa mà sâu đằm đúng kiểu người thơ xứ Quảng; đó là tình yêu quê hương đậm đà, sâu nặng, thủy chung; đó là những thăng hoa, tận hiến với tình yêu, với người mình yêu; đó là những truy vấn tưởng chừng rất riêng mà lại rất mênh mông cuộc đời...
Ví như, trong mấy câu thơ sau của H.Man: “Lại về đón gió ven sông/ Làm hoa bèo nở tím dòng thời gian/ Âm thầm đứng đợi mùa sang/ Còn dăm chiếc lá thu vàng trên tay/ Lời tình giữ hẹn xưa sau/ Cớ sao còn rụng xuống ngày... buồn ơi!” (trong bài “Về nhánh sông quê”) và những câu thơ cúa Phạm Tấn Dũng: “tưởng bỏ được sông quê/ dù tháng năm oằn mình không chảy/ trở về/ níu sợi mây giăng/ phía lở phía bồi cỏ lau hun hút/ rong rêu xưa còn ăn ở với lục bình” (trong bài “Lầm lũi cuộc về”), có thể tìm thấy một niềm đồng cảm, một sự đồng vọng, đồng điệu giữa 2 anh em ruột, 2 nhà thơ, 2 người thơ...
BẢO ANH