Gắn "sao" lên bánh tráng Đại Lộc
Đạt chuẩn OCOP
Nghề sản xuất bánh tráng là nghề truyền thống ở huyện Đại Lộc từ hàng trăm năm nay. Toàn huyện có hơn 200 cơ sở sản xuất bánh tráng phân tán ở các địa phương, nhưng việc xây dựng thương hiệu, bao bì, nhãn mác, đăng ký tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc… chưa được nhiều cơ sở chú trọng.
“Bánh tráng Đại Lộc” được Cục Sở hữu trí tuệ cấp quyền nhãn hiệu tập thể và Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Ái Nghĩa là chủ thể được giao quyền quản lý, sử dụng và phát triển thương hiệu. Giai đoạn 2016 - 2017, HTX Ái Nghĩa đẩy mạnh đầu tư máy móc, dây chuyền sản xuất bánh tráng bán tự động và sân phơi an toàn, xây dựng logo, bao bì, nhãn mác để đưa sản phẩm vào siêu thị, nhà hàng lớn, tạo chuỗi sản phẩm từ sản xuất tới tiêu thụ.
Từ sự nỗ lực của HTX, sự hỗ trợ của Tổ chức Agriterra (Hà Lan) và Liên minh HTX Quảng Nam, bánh tráng Đại Lộc được thiết kế bao bì, nhãn mác đẹp mắt, logo độc quyền màu xanh lá cây, có in mã vạch, sản phẩm bước đầu đã hướng tới truy xuất nguồn gốc và đã trở thành một trong những sản phẩm tham gia vào Chương trình OCOP (mỗi xã một sản phẩm) của tỉnh giai đoạn 2018 - 2020, định hướng tới năm 2030, được công nhận đạt chuẩn 4 sao.
Bánh tráng Đại Lộc làm thủ công.
Ông Trương Cảm - Chủ tịch HĐQT HTX Nông nghiệp Ái Nghĩa chia sẻ, sản phẩm bánh tráng của HTX được chế biến từ gạo an toàn với dây chuyền sản xuất công nghệ tiên tiến khép kín, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Hiện, HTX Ái Nghĩa có hơn 10 lao động lành nghề về sản xuất bánh tráng, bình quân mỗi năm cung cấp ra thị trường hàng chục tấn bánh cuốn các loại với giá 22 nghìn đồng/kg. “Từ việc chú trọng xây dựng thương hiệu, chú trọng đến chất lượng, hình thức, bao bì sản phẩm, bánh tráng Đại Lộc đã có mặt tại các siêu thị, nhà hàng cả nước, được khách hàng tin dùng, uy tín sản phẩm được nâng lên rõ rệt. Đây là tín hiệu tốt đối với xã viên HTX cũng như bà con nông dân Đại Lộc. Đây là kết quả của sự nỗ lực của HTX và sự hỗ trợ tích cực của các cấp” - ông Cảm nói.
Hướng đi mới
Theo ông Trương Cảm, cùng với bánh tráng, HTX Nông nghiệp Ái Nghĩa còn hướng tới xây dựng thương hiệu gạo an toàn Ái Nghĩa. Sản phẩm gạo an toàn của HTX hiện có đầu ra tốt, bước đầu được một số doanh nghiệp lớn và một số cơ quan trên địa bàn Đại Lộc, TP.Đà Nẵng tin dùng với sản lượng cung ứng cả trăm tấn mỗi năm. HTX hiện đã trang bị hệ thống máy móc hiện đại phục vụ quá trình sản xuất, chế biến gạo an toàn như máy cấy, dụng cụ sạ hàng, lò sấy, sân phơi, kho chứa đạt chuẩn. Cùng với việc xây dựng thương hiệu, HTX đang tiến tới xây dựng logo, nhãn mác, mã vạch, từng bước hướng tới truy xuất nguồn gốc sản phẩm...
“Để được công nhận đạt chuẩn OCOP, gạo an toàn Ái Nghĩa phải trải qua chặng đường hết sức gian nan, đòi hỏi tiềm lực đầu tư lớn, từ máy móc, thiết bị, thủ tục, hồ sơ, chứng nhận ISO, truy xuất nguồn gốc. Bên cạnh nỗ lực của ban quản trị, xã viên, còn có sự hỗ trợ, tiếp sức rất lớn của ngành chức năng của huyện và tỉnh. Việc đạt chuẩn OCOP đã mở ra hướng đi bền vững của một thương hiệu” - ông Cảm nói.
TRIÊU NHAN