DUY XUYÊN- Ốc đảo mong một cây cầu
Khát khao một cây cầu
Cứ 17h chiều, hàng trăm học sinh các trường học tại thôn Lệ Bắc (xã Duy Châu, huyện Duy Xuyên, Quảng Nam) đổ về bến đò để trở về thôn Lệ Bắc. Gọi là bến đò nhưng thực tế bến chỉ có trong mùa mưa khi nước sông Thu Bồn dâng cao, nhấn chìm con đường bê tong dẫn vào thôn Lệ Bắc.
Người dân thôn Lệ Bắc chỉ chờ vào con đò nhỏ để qua trung tâm xã Duy Châu mỗi khi lũ về
Tay xách, nách mang cặp vở cho đứa con trai đang học tiểu học lên đò, ông Thuận (người dân thôn Lệ Bắc) cho biết phải bỏ dở buổi làm đồng để qua đò đón con vì sợ con nhỏ đi đò không có ai kèm cặp lên đò sẽ không an toàn.
“Mỗi ngày con đi học thì tôi phải dậy sớm, đưa con qua đò rồi mới về ra đồng. Chiều thì 16h là phải về để qua bên kia đón con về”, ông Thuận nói.
Con đò nhỏ chòng chành giữa dòng nước chảy đưa hơn chục người về phía thôn Lệ Bắc. Ghi nhận của PV, con đường bê tông chỉ rộng hơn 3 mét là tuyến đường độc đạo nối từ đường QL14H (ĐT 610 cũ) vào thôn Lệ Bắc.
Vào mùa mưa, mực nước trên sông Thu Bồn chỉ cần đạt mức báo động 1 đã khiến cho con đường ngập sâu từ 2-3m, tạo thành một con sông rộng hơn trăm mét. Người dân thôn Lệ Bắc muốn qua trung tâm xã chỉ có thể trông chờ vào đò.
Ông Hồ Xuân Tám, Trưởng thôn Lệ Bắc cho hay, khi mùa mưa lũ về, sông Thu Bồn chảy qua thôn Lệ Bắc tạo thành con lạch. Hơn 45 năm qua, mưa lũ khiến con lạch này sạt lở dần. Mùa lũ, con lạch trở thành một con sông lớn ngăn cách, cô lập cả thôn Lệ Bắc.
Người dân thôn Lệ Bắc dắt díu nhau lên đò để về nhà
Điều này dẫn đến việc tránh lũ, sơ tán khẩn khi dự báo có lũ lớn rất khó khăn. Người dân muốn qua chợ, học sinh muốn đến trường cũng phụ thuộc vào con nước. “Mấy chục năm nay, người dân thôn Lệ Bắc khát khao có một cây cầu để đi lại để thoát cảnh cô lập”, ông Tám nói.
Huyện thiếu kinh phí, mong chờ tỉnh bố trí vốn
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Lê Văn Hưng, Phó Chủ tịch UBND xã Duy Châu cho biết, trong lúc chờ đợi hỗ trợ của tỉnh, huyện, chính quyền xã bố trí một chiếc đò và hợp đồng với một người có bằng lái đò để đưa bà con đi lại.
“Việc đưa đò cũng chỉ có thể bắt đầu từ 6h sáng đến 18h mỗi ngày, ban đêm không dám đưa vì quá nguy hiểm. Theo kế hoạch thì cầu Lệ Bắc thuộc 1 trong 34 cây cầu dân sinh của tỉnh Quảng Nam, tuy nhiên đến nay vẫn chưa có được", ông Hưng trăn trở.
Lệ Bắc lại là mảnh đất màu mỡ, nơi trồng nông sản chính của xã Duy Châu. Nước ngập khiến nông sản không thể bán đi được, thương lái cũng không muốn mất thêm chi phí để vận chuyển nông sản qua đò nên bà con nông dân rất khó khăn. Khi nước sông Thu Bồn từ mức báo động 2 trở lên thì chính quyền phải can thiệp cho học sinh, công nhân là người dân của thôn Lệ Bắc được nghỉ học, nghỉ làm.
Sau khi qua đò, người dân phải lội thêm một đoạn nước ngập nữa mới có thể lên đường QL14H
Phó chủ tịch xã Duy Châu cho biết thêm, nếu nước đủ lớn để thả đò đưa bà con qua lại thì đã đành. Nhưng khi nước chỉ hơn nửa mét thì không thể dùng đò vì quá cạn. Nước lúc này sẽ chảy rất mạnh, nếu lội bộ qua sẽ rất nguy hiểm vì có thể bị cuốn trôi bất cứ lúc nào. Khi đó cảnh cô lập mới đáng sợ hơn lúc nào khác.
"Đã có 11 người khi cố lội qua vùng ngập nước bị nước cuốn trôi, tử vong, còn xe máy bị cuốn trôi nhiều vô kể. Mấy năm gần đây, mỗi lần nước ngập xã cử người cảnh giới 2 đầu để tránh việc người dân lội ra vùng nước ngập mất an toàn", ông Hưng cho hay.
Theo ông Nguyễn Thế Đức, Phó Chủ tịch UBND huyện Duy Xuyên huyện đã dự kiến thực hiện cầu bắc vào thôn với chiều dài khoảng 300m chưa tính đường dẫn vào cầu và kết cấu phải bền vững, tổng kinh phí dự kiến khoảng 40 tỷ đồng.
Tuy nhiên, ngân sách của huyện vẫn còn khó khăn, vì vậy, huyện đang đề nghị nhận được sự quan tâm đóng góp từ các cấp Trung ương, tỉnh và người dân để cây cầu sớm thực hiện trong tương lai gần.
“UBND tỉnh cũng rất quan tâm đến việc này và đề nghị huyện làm tờ trình, khái toán kinh phí. Trong 6 tháng đầu năm 2021, nếu có chủ trương của tỉnh thì chúng tôi sẽ xúc tiến xong công tác chuẩn bị đầu tư để sớm xây cầu cho bà con đi lại”, ông Đức cho hay.
Vĩnh Nhân.