Độc đáo “rượu đục” của người Cơ Tu
“Hũ rượu trên cây”
Con đường đến “lâm trại” hẻo lánh của ông Ploong Cril (71 tuổi, trú thôn Arung, xã Bhalêê, huyện Tây Giang) quanh co khúc khuỷu, chênh vênh bên bờ suối, rất khó đi, chúng tôi phải theo sự hướng dẫn của một người Cơ Tu tốt bụng mới đến nơi an toàn.
Già Ploong Cril đưa chúng tôi đi xem những “hủ rượu” trên cây và cho hay, từ xa xưa cho đến bây giờ, người Cơ Tu sinh sống trên dãy Trường Sơn hùng vĩ đã có nhiều loại rượu uống trong gia đình, dùng trong các cuộc tế lễ, hội hè rất ngon và cũng làm ngây ngất lòng người, phổ biến là rượu ngâm (aviết, r’lang), rượu nấu (cất), rượu cần (buốch)…
Tuy nhiên, đặc sản rượu “nhà Trời” của người Cơ Tu phải kể đến các loại lấy trực tiếp từ các loài cây tự nhiên không qua chế biến và không có hóa chất như: tr’đin, t’vạc, adương… mà nhiều người Cơ Tu từ xưa gọi là “rượu nhà Trời”, vì nó là của ông Trời (Yàng) ban cho…
Rượu t’vạc (đoát), adương (song mây) uống rất ngon và bổ, nhưng xứng danh “Thiên hạ đệ nhất tửu Trường Sơn” là rượu tr’đin, được khai thác từ cây tr’đin, còn gọi là cây “đủng đỉnh núi”. Để có rượu, người Cơ Tu lấy vỏ cây chuồn - cây này có hai loại: apăng và zuôn lột ra phơi khô và ngâm vào ống đựng nước tr’đin hay t’vạc, dung dịch sẽ lên men.
Già Ploong Cril đang chiết rượu đục tr’đin
Rượu tr’đin uống rất thơm ngon và bổ nên người Cơ Tu sinh sống ở vùng sơn cước, nơi có nhiều sơn lam chướng khí, nhưng vẫn khoẻ mạnh. Các cụ già người Cơ Tu nhờ uống rượu này mà leo trèo lên cây tr’đin nhanh nhẹn như con sóc rừng; các sơn nữ Cơ Tu nhờ uống nước cốt tr’đin mà da dẻ mịn màng, tươi sáng, đôi má ửng hồng bên đống lửa cháy bập bùng trong những đêm lễ hội.
Công nghệ lấy “rượu đục”
Già Ploong Cril cho biết: Muốn lấy rượu tr’đin thì phải dùng dao, rựa đục vào thân cây tr’đin. Trước tiên, bằng con mắt “nhà nghề”, một người chỉ nhìn lên cây tr’đin là xác định được cây có trúng thời điểm đục thân ra nước không.
Khi đã xác định chính xác, người Cơ Tu làm cầu thang lên giàn bằng nhiều cây lồ ô buộc vào nhau chắc chắn, sau đó leo lên giàn ngồi và đục, tính từ ngọn xuống chừa lại 4 cuống lá già, tại cuống lá già thứ tư từ trên xuống, đục đối diện với cuống lá này thấy ở trong đọt trắng mềm là khả năng ra nước nhiều, ngược lại nếu đọt trong cứng vàng thì nước ít.
Sau khi đục xong, cứ mỗi ngày đến cắt mỏng một lớp để tạo “vết thương” và khi nào thấy có đọt mới nhú ở trong lên thì sắp có nước chảy ra. Khi nước ra nhiều từ vết cắt thì làm máng nhỏ để nước tr’đin chảy vào ống lồ ô lớn đã hứng sẵn (trong ống lồ ô đã bỏ vỏ apăng để lên men). Từ đó, cứ mỗi ngày đến cắt một lát mỏng chỗ “vết thương” và lấy tr’đin về uống. Trung bình mỗi cây tr’đin trưởng thành cho ra khoảng 5 - 10 lít/ ngày, đêm.
Cây tr’đin trưởng thành |
Hương vị “rượu nhà trời”
Già Ploong Cril leo thoăn thoắt lên giàn để chiết rượu tr’đin tươi, lọc và mời chúng tôi nếm thử. Rượu có vị thơm như sâm banh hơi chát làm tê tê đầu lưỡi... Cùng chúng tôi uống rượu tr’đin ngay dưới tán rừng tr’đin mát rượi, già Ploong Cril nói: “Rượu tr’đin để vài tháng cũng được nhưng phải thay vỏ cây (apăng) thường xuyên.
Vì là rượu của Yàng ban cho nên người Cơ Tu có tục lệ là khi uống rượu tr’đin thì không đổ rượu thừa trong chén vào bếp tro nóng. Họ cho rằng làm như vậy Yàng sẽ phạt, khiến cây tr’đin ấy sẽ “tắt nước” hoặc không chảy nước trong một thời gian, có cố gắng “đục” đến đâu nước cũng không chảy ra…”.
Hiện nay, cây tr’đin được nhiều người trong thôn này trồng. Trong tổng số hơn 100 cây tr’đin của ông, hầu hết đã “cho rượu”. Hiện nay, ông bán mỗi lít rượu là 15.000 đồng -20.000 đồng.
Theo một số người dân ở xã Bhalêê, các bản, làng của người Cơ Tu miền sơn cước Quảng Nam nơi nào cũng có cây t’vạt nhưng cây tr’đin thì chỉ có ở Tây Giang, nơi sát biên giới Việt Lào. Thời gian qua, các “Tây ba lô” trên đường du khảo qua những bản làng của người Cơ Tu được cư dân hiếu khách mời thưởng thức rượu tr’đin. Họ không khách sáo, cứ uống say đi ngất ngưởng và vui vẻ cho rằng đó là rượu “sâm banh tr’đin”.
Tiên Sa